Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII: Sẽ thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

18/10/2013
Hôm qua (17/10), Văn phòng Quốc hội đã họp báo giới thiệu chương trình và nội dung kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 21/10 tới đây và kéo dài trong 40 ngày.

Đều có 2 phương án về Hội đồng Hiến pháp và Chính quyền địa phương

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và 8 dự án luật, cho ý kiến 12 dự án Luật. Các dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Tiếp công dân, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Đấu thầu sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi. Các dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến gồm: Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xây dựng sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Phá sản sửa đổi; Luật Đầu tư công; Luật Hải quan sửa đổi; Luật Công an nhân dân sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Việc làm; Luật Công chứng sửa đổi.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo về vấn đề kinh tế, xã hội, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước như các báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2014; báo cáo về công tác thi hành án, công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2013; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 – 2012; kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện….

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trình ra Quốc hội lần này có 11 Chương, 120 Điều, đã bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng. Tuy nhiên, hiện còn 2 vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau là mô hình chính quyền địa phương, chính quyền đô thị và có lập Hội đồng bảo hiến hay không. Do việc thí điểm chính quyền đô thị và thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường vẫn chưa được tổng kết nên Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa ra hai phương án. Phương án 1 là để sau này Luật quy định cụ thể hơn và phương án 2 là quy định rõ chính quyền địa phương gồm UBND và HĐND nhưng cũng không nêu cụ thể có mấy cấp. “Các ý kiến hiện nghiêng về phương án 1” - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết. Còn về Hội đồng Hiến pháp, dự thảo cũng đưa ra 2 phương án, một là có Hội đồng Hiến pháp và 2 là vẫn giao cho các Ủy ban của Quốc hội thực hiện việc giám sát tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật như hiện nay. “Đây là một vấn đề còn rất mới, chúng ta chưa làm bao giờ nên sẽ tiếp tục xin ý kiến đại biểu Quốc hội” - ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.

Sẽ có thêm 2 Phó Thủ tướng

Một nội dung rất được quan tâm tại Kỳ họp quốc hội này là việc Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn 2 Phó Thủ tướng mới. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngoài việc miễn nhiệm Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, chọn người thay thế, Thủ tướng còn đề nghị tăng thêm 1 Phó Thủ tướng cho Chính phủ. 2 nhân sự được giới thiệu là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Tuy nhiên, hiện Thủ tướng chưa trình phương án nhân sự nào thay thế vị trí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của ông Vũ Đức Đam.

Hồng Thúy