Nhớ lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với ngành Tư pháp

07/10/2013
Nhớ lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với ngành Tư pháp
Những ngày này, người dân Quảng Bình phải gánh chịu hai cơn bão nặng nề. Bão Wutip làm hàng ngàn ngôi nhà tốc mái, nhiều gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Nhưng nhà đổ có thể dựng lại được. Người dân Quảng Bình kiên cường đang từng bước khắc phục khó khăn, vượt lên thiên tai để ổn định cuộc sống. Nhưng cái tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần mới thực sự là cơn bão khiến lòng người quặn thắt.

“Ngành Tư pháp phải “Nói đi đôi với làm”

Trong muôn vàn tình cảm của người dân Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có một tình cảm đặc biệt của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp. Đặc biệt không chỉ bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cái tên thiêng liêng, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, mà đặc biệt còn bởi vùng đất Quảng Bình quê hương ông là vùng đất có nhiều ân tình đối với ngành Tư pháp. Hai thứ tình cảm ấy cứ đan quyện vào nhau trở thành một khối lung linh, sâu thẳm.

Tôi còn nhớ mãi ngày Bộ trưởng Hà Hùng Cường rời Quảng Bình về Hà Nội đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đúng là ngày 25/8/2007 – Sinh nhật lần thứ 96 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đoàn công tác của Bộ Tư pháp có dịp tới Quảng Bình đi tới đâu cũng nghe người dân hồ hởi khoe hôm nay là sinh nhật Đại tướng. Có một cái gì đó thật tự hào, thật gần gũi trong câu chuyện của người dân Quảng Bình về người con ưu tú của quê hương.

Một năm sau, nhân dịp sinh nhật lần thứ 97 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2008), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thay mặt tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp tới  thăm và chúc thọ Đại tướng. Bộ trưởng Hà Hùng Cường trân trọng kính chúc Đại tướng khỏe mạnh, minh mẫn, trường thọ, mãi là tấm gương sáng, là niềm tự hào của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Lúc ấy, tuy không còn được khỏe, đi lại đã hơi chậm nhưng Đại tướng vẫn rất minh mẫn. Khi biết chỉ còn 2 ngày nữa là tới Ngày truyền thống của ngành Tư pháp Việt Nam (28/8), Đại tướng đã căn dặn: “Ngành Tư pháp là một ngành có vị trí quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. Mỗi cán bộ, đảng viên của ngành Tư pháp phải đặc biệt chú trọng thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, không chỉ “nói” mà phải “làm” theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, “nói đi đôi với làm”. Những người có mặt ngày hôm ấy ai cũng xúc động vì sự quan tâm của Đại tướng đối với ngành Tư pháp. Những bước chân cứ ngập ngừng mãi như không muốn rời khỏi khu vườn của ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu.

Sau này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã trở lại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nhiều lần. Lần nào tới vùng đất địa linh nhân kiệt này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng có nhiều tâm sự. Đi trên con đường liên huyện từ thành phố Đồng Hới về Lệ Thủy, Bộ trưởng suy nghĩ rất nhiều về một Nhà truyền thống mà ở đó lưu giữ những kỷ vật, những hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ trăn trở này, Bộ trưởng đã đứng ra vận động các nhà tài trợ chung tay cùng huyện Lệ Thủy xây dựng Nhà truyền thống. Rất mừng là ngày 26/9/2013 vừa rồi, Lễ tiếp nhận kinh phí xây dựng Nhà truyền thống huyện Lệ Thủy đã được tổ chức. Bộ trưởng trở lại Hà Nội chưa được một tuần thì nghe tin Đại tướng qua đời.

Trở về đất Mẹ

Chiều ngày 5/10/2013, Văn phòng Ban chấp hành trung ương Đảng có thông cáo đặc biệt về về lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghi thức Quốc tang. Linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 12/10/2013. Lễ truy điệu trọng thể Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ ngày 13/10/2013.

Thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức cùng ngày tại quê nhà (tỉnh Quảng Bình). Trong hai ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (từ 12 giờ ngày 11/10 đến 12 giờ ngày 13/10/2013), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng hoạt động vui chơi giải trí.

Thế là người con một đời xa quê, cống hiến “từng ngày, từng giờ, từng phút” cho đất nước, cho dân tộc sẽ lại trở về quê Mẹ. Cánh chim đại bàng đã dừng bay. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một danh tướng lẫy lừng mọi thời đại, một huyền thoại và cũng là một tấm gương bình dị của dân tộc Việt Nam sẽ trở về nơi ông đã sinh ra để “sống cùng đất, chết hòa trong đất”.

Dẫu biết rằng “Sinh, lão, bệnh, tử”, là quy luật. Những người con ưu tú của quê hương, đất nước sẽ luôn sống trong trái tim dân tộc. Cái tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ là cái tên bất tử của non sông, đất nước Việt Nam. Nhưng sao cứ thấy nghèn nghẹn trong lòng, không sao ngăn được dòng nước mắt.

Tóm tắt tiểu sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh: Văn.

Đại tướng sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Từ năm 1925 đến 1926, Đại tướng tham gia phong trào học sinh ở Huế, năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1930, Đại tướng bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, Đại tướng tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, Đại tướng hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Tập hợp”, “Thời báo”, “Tin tức”... Tham gia phong trào Đông Dương đại hội, Đại tướng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ. Tháng 6/1940, Đại tướng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đầu năm 1941, Đại tướng về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng. Tháng 12/1944, Đại tướng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Tháng 4/1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, Đại tướng được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Từ tháng 5/1945, Đại tướng là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6/1945, Đại tướng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng. Tháng 8/1945, Đại tướng được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, Đại tướng được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 3/1946, Đại tướng là Chủ tịch Quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10/1946, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Tháng 1/1948, Đại tướng được phong quân hàm Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại tướng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1979, Đại tướng là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đại tướng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V và lần thứ VI của Đảng, Đại tướng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.

Từ tháng 1/1980, Đại tướng là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ).

Đại tướng liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Từ 14h30 chiều 6/10, nhân dân có thể đến nhà riêng tiễn biệt Đại tướng

Nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân với mong muốn được bày tỏ tình cảm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ 14h30 chiều 6/10, tất cả mọi người dân sẽ được vào nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu, Hà Nội để làm lễ mặc niệm. Tuy nhiên, do lễ Quốc tang chưa chính thức diễn ra nên khi vào nhà mặc niệm Đại tướng thì nhân dân cũng sẽ không thực hiện nghi thức thắp hương và dâng hoa.