Xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật: Kiên trì để bảo đảm trật tự kỷ cương chung

11/10/2012
Nói về quá trình xử lý 03 nội dung trái pháp luật của Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND của HĐND TP.Đà Nẵng về nhiệm vụ năm 2012 (NQ 23), quan trọng nhất là “dỡ bỏ hàng rào” hạn chế nhập hộ khẩu thường trú vào nội thành, TS.Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật) cho rằng, đó là một quá trình “nhọc nhằn và khó khăn”.

* Thưa ông, vì sao ông cho rằng xử lý các nội dung trái pháp luật của NQ 23 là quá trình “nhọc nhằn và khó khăn”?

Trước hết vì phải mất 9 tháng để Thường trực HĐND TP.Đà Nẵng tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, chấp thuận sai trái và yêu cầu UBND TP chỉ đạo các cơ quan có liên quan bảo đảm việc đăng ký, quản lý cư trú theo đúng quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, chứ không theo quy định của NQ 23 “tạm dừng nhập cư vào nội thành đối với một số đối tượng”. Ngoài ra, để xử lý 03 nội dung trái pháp luật của NQ 23 được Bộ Tư pháp (trực tiếp là Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật – VBQPPL) phát hiện quá trình “hậu kiểm”, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan của Đà Nẵng và TƯ đã phải tổ chức nhiều cuộc trao đổi, thảo luận, thống nhất mới được phương án xử lý nội dụng trái pháp luật của NQ 23, nhất là nội dung “tạm dừng nhập cư vào nội thành đối với một số đối tượng”.

* Bộ Tư pháp đánh giá như thế nào về chỉ đạo được coi là “hoãn “siết” nhập cư vào nội thành” của Thường trực HĐND TP.Đà Nẵng?

Bộ Tư pháp cho rằng, đây là giải pháp kịp thời, đáng hoan nghênh của Thường trực HĐND TP.Đà Nẵng để khắc phục ngay những hậu quả trước mắt có thể xảy ra khi tạm dừng đăng ký thường trú mới vào nội thành, làm cơ sở để thực hiện tiếp bước xử lý, huỷ bỏ nội dung trái với quy định của Luật Cư trú tại NQ 23.

* Vậy là quá trình xử lý NQ 23 đã hoàn tất phải không, thưa ông?

Tất nhiên là chưa. “Hậu kỳ” của quá trình này vẫn được tiếp tục thực hiện với việc đề nghị HĐND TP.Đà Nẵng huỷ bỏ quy định này vào kỳ họp cuối năm 2012. Yêu cầu HĐND TP.Đà Nẵng rút kinh nghiệm trong việc soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý VBQPPL, không để lặp lại những thiếu sót như trong việc ban hành NQ 23 như một số nội dung không được cơ quan Tư pháp của TP.Đà Nẵng thẩm định; không tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các quy định; việc tự kiểm tra, xử lý nội dung trái pháp luật còn chậm...

Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ đôn đốc Bộ Công an, các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy định về cư trú, theo hướng quy định điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tại tất cả các TP.trực thuộc TƯ đều phải bảo đảm diện tích tối thiểu theo quy định và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú cho phù hợp với yêu cầu quản lý dân cư trong điều kiện hiện nay.

*Qua việc xử lý NQ 23 có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì cho công tác xử lý VBQPPL trái pháp luật, thưa ông?

Rất nhiều nội dung trái pháp luật của các VBQPPL đều có tính nhạy cảm và được dư luận xã hội quan tâm theo dõi như nội dung tạm dừng nhập cư trong NQ 23. Do đó, phải nghiên cứu thận trọng, thấu đáo; tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, cơ quan, đơn vị liên quan để có những đánh giá đúng đắn, lập luận chắc chắn, các căn cứ pháp lý đầy đủ trước khi đưa ra thông báo về văn bản trái pháp luật cho các cơ quan ban hành. Cũng phải có phương pháp, giải pháp thích hợp để tạo sự đồng thuận về việc xử lý nội dung trái pháp luật.

Thưc tế, không phải đơn vị nào cũng “tâm phục khẩu phục” ngay đối với thông báo của Cục về văn bản trái pháp luật để có biện pháp tự kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Vì thế, không thể thiếu sự kiên trì, nghiêm túc trong quá trình này để bảo đảm trật tự kỷ cương chung, vừa để bảo đảm nguyên tắc pháp chế XHCN. Như trường hợp NQ 23, nếu để HĐND TP.Đà Nẵng tiếp tục thực hiện quy định tạm dừng nhập cư sẽ tạo ra tiền lệ không tốt cho các địa phương có thể tự lập luận, cân nhắc việc tạm dừng (hay triển khai thực hiện nghiêm túc) các quy định của cơ quan có thẩm quyền ở TƯ, vi phạm nguyên tắc pháp chế./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)