Bộ Tư pháp và nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

27/09/2012

1. Một số vấn đề cơ bản về thanh niên và công tác thanh niên

1.1. Thanh niên:

Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã khẳng định: Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước. Điều 1 Luật Thanh niên năm 2005 quy định: Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi. Khái niệm thanh niên có các đặc điểm cơ bản sau:

+ Thanh niên không phải là một giai cấp mà là một tầng lớp xã hội đặc thù;

+ Thanh niên có độ tuổi nhất định từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi;

+ Thanh niên có những đặc điểm về tâm lý, sinh lý, có tâm tư nguyện vọng; có nhu cầu và hoài bão, khát vọng theo lứa tuổi và giới;

+ Thanh niên Việt Nam có mặt trong tất cả các giai cấp và tầng lớp xã hội; 

+ Thanh niên Việt Nam có mặt trong tất cả 54 dân tộc anh em;

+ Thanh niên có mặt và giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

1.2. Công tác thanh niên:

Điều 4 Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên quy định: “Công tác thanh niên là những hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội nhằm giáo dục, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phấn đấu và trưởng thành, đồng thời phát huy vai trò xung kích, sức sáng tạo và tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Như vậy, công tác thanh niên là một bộ phận quan trọng trong công tác quần chúng của Đảng, bao gồm toàn bộ những hoạt động của Đảng, Nhà nước và các chủ thể xã hội khác, trong đó có Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội sinh viên Việt Nam nhằm tác động một cách đồng bộ để bồi dưỡng, tổ chức, động viên thanh niên phát huy mọi tiềm năng và thế mạnh, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, cống hiến, trưởng thành vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Công tác thanh niên có các đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, công tác thanh niên là công tác thanh vận của Đảng - công tác vận động, tập hợp và đoàn kết thanh niên đi theo Đảng, phấn đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu: Xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ hai, công tác thanh niên bao gồm toàn bộ hoạt động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam).

Thứ ba, công tác thanh niên bao gồm hệ thống các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; Các Nghị quyết, Chương trình, Dự án về phát triển thanh niên.

2. Quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên:

2.1. Quản lý nhà nước về thanh niên: 

Quản lý nhà nước về thanh niên là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng bằng cơ chế, chính sách và luật pháp nhằm chăm lo giáo dục, đào tạo thanh niên thành công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cấp chính quyền ban hành các chiến lược, chương trình, dự án, kế hoạch và luật pháp để phát triển thanh niên.

2.2. Quản lý nhà nước về công tác thanh niên:

Điều 5 Luật Thanh niên năm 2005 quy định nội dung quản lý nhà nước về công tác thanh niên bao gồm:

- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, chương trình phát triển thanh niên và công tác thanh niên;

- Đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên;

- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên;

- Quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về công tác thanh niên.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác thanh niên được quy định như sau:

a) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh niên;

b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên theo sự phân công của Chính phủ;

c) Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh niên ở địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.

Xét một cách khái quát, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trong quản lý nhà nước về công tác thanh niên được xác định cụ thể như sau:

a) Quốc hội ban hành các văn bản luật liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên; quyết định ngân sách hằng năm cho công tác thanh niên, đồng thời giám sát việc thực hiện chính sách, luật pháp liên quan đến thanh niên ở các cấp.

b) Chính phủ ban hành, chỉ đạo thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên. Cụ thể: xác định chương trình mục tiêu công tác thanh niên là một bộ phận trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm hoặc các chiến lược phát triển theo vùng miền; chỉ đạo các bộ, ngành và các cấp chính quyền xây dựng và triển khai chương trình thanh niên thuộc lĩnh vực hay địa bàn quản lý của mình; đồng thời kiểm tra việc thực hiện chính sách thanh niên ở các ngành, các cấp. Chính phủ cũng chủ trì tiến hành các nghiên cứu cơ bản định kỳ về thanh niên làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách.

c) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách thanh niên liên quan đến ngành, lĩnh vực mình.

d) Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước đối với thanh niên trong địa phương mình; cụ thể hóa các chính sách thanh niên phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Đoàn Thanh niên và chỉ đạo các ngành chức năng trực thuộc phối hợp với Đoàn Thanh niên cùng cấp trong việc triển khai các chương trình công tác thanh niên.

đ) Các cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên.

Quản lý nhà nước về công tác thanh niên có một số đặc điểm cơ bản sau:

- Quản lý nhà nước về công tác thanh niên là một dạng quản lý xã hội đặc thù, mang tính quyền lực nhà nước đối với một đối tượng đặc biệt là thanh niên; là quá trình tác động của hệ thống các cơ quan nhà nước đối với công tác thanh niên bằng chính sách, luật pháp, cơ chế vận hành và tổ chức bộ máy, bằng kiểm tra, giám sát; đồng thời cũng thông qua các chính sách, luật pháp và tổ chức bộ máy.

- Nhà nước thực hiện chức năng quản lý đối với công tác thanh niên trong sự phối hợp và huy động sự tham gia cộng đồng trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi nguồn lực xã hội trong công tác thanh niên.

- Sự tham gia của các chủ thể xã hội trong quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên; sự phong phú trong nội dung và phương pháp quản lý đối với công tác thanh niên của Nhà nước.

- Sự kết hợp hài hòa giữa phương pháp mệnh lệnh hành chính với phương pháp vận động, thuyết phục là những đặc điểm đặc thù của công tác thanh niên ở nước ta.

Thực tế cho thấy, do đặc điểm của hệ thống chính trị cũng như do đặc thù, tầm quan trọng đặc biệt của đối tượng thanh niên và công tác thanh niên nên Nhà nước không thể thực hiện chức năng quản lý thanh niên một cách độc lập mà phải tiến hành trong sự phối hợp chặt chẽ với các chủ thể xã hội khác, đặc biệt là với các tổ chức thanh niên, các đoàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, có thể hiểu, khái niệm quản lý nhà nước về công tác thanh niên bao hàm cả những nội dung quản lý nhà nước đối với thanh niên được thể hiện ở những đặc tính sau:

Thứ nhất, chủ thể quản lý là các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp đối với công tác thanh niên; đối tượng quản lý không chỉ là thanh niên mà còn là các chủ thể xã hội trực tiếp hay gián tiếp tác động đến thanh niên và các chủ thể xã hội tiến hành công tác thanh niên. Các ngành (lập pháp, hành pháp, tư pháp) căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình đều tiến hành công tác thanh niên (thông qua việc ban hành, triển khai thực hiện, giám sát thực hiện và xử lý các vi phạm đến các luật pháp, chính sách thanh niên hoặc liên quan đến thanh niên).

Thứ hai, ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, công tác thanh niên cũng đồng thời là công tác của Đảng, do Đảng trực tiếp lãnh đạo. Thực hiện đường lối của Đảng, các cấp, các ngành, các tổ chức đều có nhiệm vụ tiến hành công tác thanh niên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong quá trình đó, bằng luật pháp, chính sách, cơ chế, tổ chức bộ máy và nguồn lực, Nhà nước quản lý, điều phối các chủ thể xã hội trong tiến hành công tác thanh niên. Quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên thông qua các chủ thể xã hội hay có sự tham gia của các chủ thể xã hội như : Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức chính trị - xã hội khác và các đoàn thể nhân dân... là đặc điểm đặc thù ở nước ta.

Thứ ba, quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên là một dạng quản lý đối với một lực lượng xã hội cụ thể, mà những vấn đề của nó liên quan trực tiếp đến tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cho nên, đây là một loại quản lý tổng hợp, đa diện và rất phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp hài hòa, thống nhất rất cao giữa các ngành (lập pháp, hành pháp, tư pháp), giữa các bộ phận trong cùng một ngành (ví dụ: giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong cơ quan hành pháp), giữa các cấp (từ trung ương đến cơ sở), giữa các chủ thể tiến hành công tác thanh niên dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thứ tư, đây không chỉ là quá trình áp dụng các chế định pháp luật bắt buộc phải thực hiện đối với thanh niên và tổ chức thanh niên, mà do đặc thù lứa tuổi, cũng đồng thời là quá trình vận động, thuyết phục, tư vấn, hướng dẫn và giáo dục. Nói cách khác, trong quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên, bên cạnh việc sử dụng phương pháp mệnh lệnh hành chính (đôi khi chỉ là thứ yếu), Nhà nước còn sử dụng (có khi là chủ yếu) phương pháp giáo dục, thuyết phục, tư vấn và vận động.

3. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên:

Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25 tháng 7 năm 2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Bộ Chính trị đã thảo luận và thông qua Đề án “Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên”. Đề án đã xác định Bộ Nội vụ là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh niên và Bộ Nội vụ được thành lập Vụ Công tác thanh niên và Sở Nội vụ được thành lập Phòng Công tác thanh niên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên trên địa bàn.

Thực hiện Thông báo số 327-TB/TW ngày 16 tháng 4 năm 2010 của Bộ Chính trị và để sớm xác lập bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên, các cơ quan có thẩm quyền đã tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Cụ thể như sau:

1. Ngày 13 tháng 8 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1471/QĐ-TTg thành lập Vụ Công tác thanh niên trực thuộc Bộ Nội vụ.

2. Ngày 10 tháng 02 năm 2011 Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 04/2011/TT-BNV hướng dẫn bổ sung nhiệm vụ, tổ chức và biên chế của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện về công tác thanh niên.

Sơ đồ tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên cụ thể như sau:

 

4. Bộ Tư pháp và nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên:

Căn cứ Điều 20 Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên và Điều 2 Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Tư pháp có các nhiệm vụ cơ bản sau trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên:

- Xây dựng cơ chế, chính sách cho thanh niên: Bộ Tư pháp chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan phối hợp nghiên cứu và ban hành cơ chế, chính sách cho thanh niên.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên.

- Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo thẩm quyền: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý nhà nước theo ngành và lĩnh vực, Bộ Tư pháp có trách nhiệm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển thanh niên trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội thuộc Bộ, ngành mình quản lý; phối hợp, tạo điều kiện cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức khác của thanh niên huy động thanh niên xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 28 tháng 8 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2442/QĐ-BTP phê duyệt Chương trình Phát triển Thanh niên Bộ Tư pháp giai đoạn 2012-2020. Chương trình đã thể chế hoá các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên, cụ thể như sau:

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, lãnh đạo các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, thủ trưởng các đơn vị và đội ngũ công chức, viên chức trong Ngành về thanh niên và công tác phát triển thanh niên.

2. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống của Ngành, lý tưởng, đạo đức và lối sống, pháp luật cho công chức, viên chức thanh niên của Bộ.

3. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác thanh niên.

4. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ công chức, viên chức thanh niên của Bộ.

5. Đẩy mạnh hoạt động đối thoại giữa Lãnh đạo Bộ và công chức, viên chức thanh niên; Tạo điều kiện để công chức, viên chức thanh niên tham gia các hoạt động xã hội.

6. Kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên tại Bộ Tư pháp.

7. Đảm bảo kinh phí hàng năm từ ngân sách nhà nước để đảm bảo triển khai thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của được xác định tại Chương trình Phát triển thanh niên của Bộ Tư pháp.

8. Đổi mới công tác đánh giá công chức, viên chức; Lồng ghép chỉ tiêu về phát triển thanh niên vào tiêu chí đánh giá kết quả công tác của các đơn vị.

9. Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo, định kỳ sơ kết, tổng kết, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên tại các đơn vị thuộc Bộ.

10. Triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao tại Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam./.

Ths. Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB