Xử lý tài sản bảo đảm: “Cứu” tổ chức tín dụng khỏi “nợ xấu”

21/09/2012
Với hy vọng sẽ “xử lý triệt để” được những vấn đề đang góp phần “buộc” các tổ chức tín dụng vào vòng “nợ xấu”, chiều 21/9, cơ chế để bảo đảm quyền thu hồi nợ của bên nhận bảo đảm thông qua thủ tục xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) trong dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số điều về xử lý TSBĐ đã được các chuyên gia cân nhắc, cho ý kiến.

“Cầm vàng mà sợ vàng rơi…”

Những vướng mắc trong thực tiễn xử lý TSBĐ để thu hồi nợ khiến các tổ chức tín dụng nhiều khi bị rơi vào tình trạng “cầm vàng mà sợ vàng rơi”. Ông Hồ Quang Huy (Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm – Bộ Tư pháp) nhận định dù được pháp luật khẳng định song trên thực tế, bên nhận thế chấp (các tổ chức tín dụng) vẫn khó có thể tiếp cận TSBĐ vì chưa có được quyền chủ động. Khi tiến hành xử lý TSBĐ, bên nhận thế chấp chỉ có trong tay giấy tờ (hợp đồng thế chấp, giấy tờ gốc của TSBĐ) nên khi muốn xử lý TSBĐ hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của bên thế chấp tài sản, bên giữ tài sản.

Tuy nhiên, ngay cả khi bên nhận bảo đảm khởi kiện tại Tòa án để xử lý TSBĐ thì họ cũng không chắc đã thu hồi ngay được nợ. Theo các ngân hàng, sau khi đã tốn kém về thời gian, chi phí… trong nhiều vụ việc, tuy bên nhận bảo đảm thắng kiện nhưng việc bên giữ tài sản chậm trễ, chây ỳ bàn giao tài sản hay ký vào các giấy tờ chuyển quyền sở hữu tài sản cũng khiến quá trình xử lý TSBĐ “dậm chân tại chỗ”… “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nợ xấu” kéo dài, khó có khả năng thu hồi và tác động xấu đến thị trường tín dụng, thị trường vốn thời gian qua” – ông Hồ Quang Huy nhận xét.

Trong khi đó, từ thực tiễn xử lý TSBĐ cho thấy, bản thân tổ chức tín dụng không thể tự mình xử lý TSBĐ đối với trường hợp bên thế chấp không hợp tác. Những quy định về sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chính quyền (UBND, công an) trong quá trình xử lý TSBĐ cũng rất hạn chế. Chính quyền chỉ can thiệp khi bên phải THA có hành vi “chống đối bằng vũ lực”, nếu không cũng chỉ được giải thích, “canh chừng” cho quá trình xử lý TSBĐ. Ngay cả việc phối hợp giữa các cơ quan công quyền trong xử lý TSBĐ còn lúng túng khiến việc xử lý TSBĐ gặp nhiều khó khăn.

Không được “nuông chiều con nợ”

Lo ngại cho “tương lai” của việc xử lý TSBĐ, ông Nguyễn Am Hiểu (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế - Bộ Tư pháp) cho rằng, “nếu không thay đổi được với xu hướng “nuông chiều con nợ” của pháp luật hiện hành thì không thể giải quyết được vấn đề xử lý TSBĐ”. Theo thông lệ quốc tế, phải ưu tiên quyền của người cho vay (bên yếu thế) vì họ không kiểm soát được tài sản theo cơ chế như cho phép bên nhận bảo đảm được toàn quyền xử lý TSBĐ khi đến hạn mà bên thế chấp không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ. Với kinh nghiệm 15 năm xử lý TSBĐ (trong đó có vụ Tamexco), đại diện của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) nhấn mạnh đến vai trò của UBND và công an huyện vào quá trình thu giữ TSBĐ để bên nhận bảo đảm quyền thu hồi nợ.

Đại diện Bộ TN&MT phản đối mạnh mẽ việc xử lý TSBĐ theo “dáng dấp” của việc cưỡng chế THADS hoặc thi hành quyết định hành chính như vậy và vì cho rằng luật không có quy định, nên trong hợp đồng thế chấp không thể có quy định bên thế chấp ủy quyền cho bên nhận thế chấp hoặc bên thứ ba phát mại TSBĐ để thu hồi nợ nên “nếu các bên không thỏa thuận được thì phải ra Tòa án giải quyết”.

Tán thành việc không cưỡng chế trong xử lý TSBĐ, song thực tiễn đã chứng minh “chỉ cần có mặt của cơ quan công quyền thì việc thu giữ tài sản “suôn sẻ và nhanh chóng hơn”, đại diện Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) lưu ý, phải có cơ chế để bảo đảm trách nhiệm hỗ trợ của chính quyền địa phương cho quá trình thu giữ TSBĐ để xử lý nợ…

Huy Anh