Theo báo cáo của Chính phủ, qua 03 năm thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động Thừa phát lại đã đạt được những kết quả rõ rệt, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân và được xã hội đón nhận một cách tích cực, không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn tại nhiều địa phương khác.
Mặc dù thời gian thí điểm chưa dài, địa bàn thí điểm hẹp, số lượng văn phòng còn ít, nhưng hoạt động Thừa phát lại đã có những tác động tích cực đối với xã hội như việc tống đạt văn bản Tòa án và cơ quan thi hành án của Thừa phát lại đã góp phần làm giảm tình trạng quá tải công việc tại các cơ quan này, đồng thời bảo đảm cho hoạt động này được đúng đắn, tin cậy hơn; việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án mặc dù với số lượng vụ việc còn chưa nhiều, nhưng bước đầu cũng đã thu được kết quả nhất định và được người dân tin tưởng; việc lập vi bằng đã góp phần tạo lập chứng cứ, giúp người dân có cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích của mình trong tố tụng và trong thực hiện các giao dịch.
Hoạt động của Thừa phát lại được đánh giá “phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự” và theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, đã có nhiều địa phương (như Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng) ... đã có văn bản xin được làm thí điểm mô hình này.
Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn Thừa phát lại được phép làm thí điểm (01/7/2012) nên Chính phủ đề nghị bổ sung “dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thực hiện Thừa phát lại” vào Chương trình năm 2012 để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng ý với đề xuất cần đưa vấn đề này ra Quốc hội xem xét, tuy nhiên, Ủy ban này đề nghị trước hết cần có báo cáo của Chính phủ tổng kết thực hiện thí điểm lại. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khi kết luận nội dung này cũng thống nhất : Chính phủ có báo cáo để Quốc hội xem xét, cùng với báo cáo là dự thảo Nghị quyết, Quốc hội đồng ý thì tiếp tục làm, không thì chấm dứt thí điểm.
Cùng với bổ sung dự thảo Nghị quyết về thừa phát lại, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thi hành án đối với những khoản thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được tính đến 01/7/2009.
Theo báo cáo của các cơ quan thi hành án dân sự, tính đến ngày 30/6/2012 toàn quốc còn 288.711 việc với trên 30 nghìn tỷ đồng đang được cơ quan thi hành án tổ chức thi hành, trong đó có khoảng gần 48 nghìn việc, tương ứng với số tiền gần 700 tỷ đồng là các khoản thu cho ngân sách nhà nước. Đây là các khoản thu mà cơ quan thi hành án đã dùng mọi biện pháp nhưng không thể thi hành.
Tuy nhiên, Ủy ban pháp luật cho rằng, đây là vấn đề lớn và quan trọng liên quan đến ngân sách nhà nước và trách nhiệm của nhiều cơ quan …nên cần phải « hết sức cân nhắc nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật ». Ủy ban chưa đồng ý đưa vào chương trình bổ sung lần này.
Thu Hằng
Chính phủ cũng đề nghị bổ sung dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự án Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (sửa đổi); tách dự án Luật đầu tư công, mua sắm công thành hai dự luật riêng biệt….vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh |