Nên có bảo hiểm việc làm song song bảo hiểm thất nghiệp?
Dự thảo luật quy định chính sách bảo hiểm việc làm (BHVL) thay thế cho chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hiện hành theo Luật Bảo hiểm xã hội. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, chính sách BHVL ”ưu việt hơn chính sách BHTN” vì quy định theo hướng là chính sách thị trường lao động chủ động, được kế thừa và phát triển từ chính sách BHTN, mở rộng chính sách hỗ trợ không chỉ đối với người lao động đã bị thất nghiệp, mà còn đối với người lao động đang làm việc và các doanh nghiệp để duy trì sự ổn định, phát triển doanh nghiệp và duy trì việc làm cho người lao động, nhằm đảm bảo tốt hơn chính sách an sinh xã hội ở góc độ phòng ngừa rủi ro cho người lao động.
Nhưng vẫn có ý kiến trong Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, cần hết sức cân nhắc việc đổi BHTN thành BHVL vì tính chất của BHVL trong dự thảo vẫn chủ yếu là giải quyết chính sách thất nghiệp. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 80 quốc gia đang thực hiện chính sách BHTN và chỉ 3 quốc gia thực hiện chính sách BHVL. Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý lo ngại về sự an toàn của chính sách BHVL bởi hiện nay BHTN đang hạn chế đối tượng còn đang lo ”vỡ nợ” thì phải cân nhắc việc mở rộng đối tượng cho cả những NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động ngắn hạn (3 tháng, 6 tháng), có tính chất mùa vụ được hưởng BHVL như trong dự thảo.
Nhiều ủy viên UBTVQH băn khoăn khi dự thảo lại chuẩn bị ”khai sinh” cho 2 quỹ (Quỹ BHVL và Quỹ phát triển kỹ năng nghề) trong khi đang có rất nhiều quỹ liên quan đến vấn đề lao động, việc làm. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chưa thực sự tán thành với việc thay thế chính sách BHTN bằng BHVL bởi ”khả năng tài chính của Quỹ sẽ khó đáp ứng được nhiệm vụ hỗ trợ cho cả các DN như mục tiêu được xác định trong dự thảo. Hơn nữa, số lao động trong khu vực phi chính thức cũng mới chỉ chiếm khoảng 20% lực lượng lao động...”. Phương án bà Mai đưa ra là tiếp tục áp dụng chính BHTN trong một thời gian nữa. Đó cũng là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Lo ngại ”đẻ” bộ máy
Nhấn mạnh đến vai trò của quy định về phát triển kỹ năng nghề, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, hiện nay đang tồn tại tình trạng người lao động được đào tạo cùng một trình độ, ngành, nghề hoặc cùng bằng cấp, chứng chỉ đào tạo nhưng kết quả, chất lượng, hiệu quả thực hiện công việc lại rất khác nhau do khả năng tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng tay nghề khác nhau. Ngoài ra, một bộ phận lao động khá đông đang làm việc trong các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, chủ yếu là truyền nghề giữa các thế hệ, trong đó có nhiều nghệ nhân, người có trình độ tay nghề cao nhưng không qua các cơ sở đào tạo, không có bằng cấp, chứng chỉ. Vì thế, Dự thảo Luật quy định theo hướng chuyển nội dung phát triển kỹ năng nghề từ Luật Dạy nghề (tại các Điều 79, 80, 81, 82 trong Luật dạy nghề) sang điều chỉnh trong Luật Việc làm.
Rất quan tâm đến vấn đề này, Chủ nhiệm UB VHGDTTN&NĐ Đào Trọng Thi không tán thành quy định để người sử dụng lao động phải công nhận và cấp chứng chỉ trình độ nghề cho người lao động vì sẽ phải “đẻ” ra bộ phận để thực hiện quy trình cấp chứng chỉ trình độ cho người lao động và như vậy là ”phí”.
Luật Việc làm có phạm vi rộng, điều chỉnh tất cả các mối quan hệ xã hội về việc làm, bao gồm việc làm khu vực chính thức và việc làm khu vực phi chính thức. Đây là điểm khác so với Bộ luật Lao động chỉ điều chỉnh nhóm lao động có quan hệ lao động (chiếm 33,8% tổng số lao động, khoảng 15 triệu lao động). Nhưng vấn đề khiến các ủy viên UBTVQH chưa “thông” chính là việc chưa có định nghĩa về “khu vực phi chính thức”. Bên cạnh đó, UBTVQH nhận thấy, dự thảo có nhiều quy định dẫn chiếu những quy định pháp luật hiện hành, thậm chí ”nhắc lại” những quy định của Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua..., ”nếu không rà lại sẽ rất rối” như ý kiến của ông Phan Trung Lý.
Hương Giang