Cơ sở dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm: Không để phân tán thông tin “đẻ” rủi ro cho giao dịch

03/10/2012
Tích hợp toàn bộ dữ liệu về giao dịch bảo đảm (GDBĐ) vào một cơ sở dữ liệu thống nhất trên cả nước để các thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm phát huy được tác dụng trong việc bảo đảm sự an toàn của thị trường - đó là quan điểm được đại diện các cơ quan thống nhất khi bàn về Đề án tổ chức quản lý, vận hành hệ thống dữ liệu quốc gia về GDBĐ chiều 3/10.

“Túm” dữ liệu về một mối

Ông Vũ Đức Long (Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ – Bộ Tư pháp) cho biết, theo quy định của Điều 47 Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký GDBĐ, cơ sở dữ liệu về GDBĐ hiện được quản lý và lưu giữ phân tán tại 4 hệ thống cơ quan đăng ký: hệ thống cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất (Bộ TN&MT), hệ thống cơ quan đăng ký tàu biển và Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), hệ thống cơ quan ĐKGDBĐ bằng các động sản khác (Bộ Tư pháp).

ĐKGDBĐ là để đảm bảo tính minh bạch về tài sản nhưng với tình trạng việc quản lý và lưu trữ thông tin phân tán theo từng loại tài sản và chưa có sự kết nối giữa các cơ quan khiến thông tin về GDBĐ bị chia cắt, thiếu đồng bộ, gây tốn kém về chi phí, thời gian cho xã hội, không đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

Không những thế, thông tin bị phân tán còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho các bên tham gia giao dịch, gây khó khăn cho việc tra cứu, khiến người dân kém tin tưởng và ít sử dụng thông tin về GDBĐ,

Bên cạnh đó, qua khảo sát của Bộ Tư pháp, mức độ tin học hóa hoạt đông quản lý, lưu trữ và cung cấp thông tin về GDBĐ giữa các cơ quan ĐKGDBĐ còn thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật nên cản trở sự phát triển và vai trò thực tế của hệ thống thông tin, hậm chí có nguy cơ thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm bị nhầm lẫn, mất mát, thất lạc.

Vì thế, đại diện các Bộ Tư pháp, TT&TT, GTVT, KH&ĐT, Nội vụ, Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam… đều nhất trí phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về GDBĐ.

Chỉ làm “kho” dữ liệu chung về GDBĐ

Đề án đưa ra 2 mô hình quản lý, lưu trữ thông tin về GDBĐ: mô hình phân tán thẩm quyền đăng ký, tập trung dữ liệu và mô hình tập trung cả thẩm quyền đăng ký và lưu trữ thông tin vào cơ sở dữ liệu đó. Ý kiến của các cơ quan liên quan chưa thống nhất về vấn đề này.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, xây dựng cơ sở dữ liệu là “nhằm” vào các thông tin về GDBĐ, để cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tra cứu về tình trạng pháp lý của tài sản nên hệ thống này không tập trung về thẩm quyền, chỉ làm “kho” dữ liệu thông tin.

Đề án dự kiến được thực hiện thành 2 giai đoạn nhằm đổi mới mô hình tổ chức, quản lý thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản theo hướng tập trung, thống nhất, tiết kiệm; tăng cường mức độ sử dụng thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản của người dân và doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro khi thiết lập các giao dịch liên quan đến tài sản và lành mạnh hóa hoạt động đầu tư vốn của nền kinh tế, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch…

Huy Anh