Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Bộ công cụ lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

02/07/2012
Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thúy, Hiền Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp về Bộ công cụ lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ. Đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được giao tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015.

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cho biết, Luật Bình đẳng giới được ban hành từ năm 2006, đến nay đã có 3 Nghị định hướng dẫn thi hành và gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Quyết định số 1241/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia vì bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015. Tuy nhiên lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật vẫn đang là vấn đề đau đầu của không ít cơ quan nhà nước…

Trước tình hình này, Bộ Tư pháp đã triển khai xây dựng “Bộ công cụ lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” nhằm triển khai Quyết định số 1241/QĐ-TTg, theo đó giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng cơ chế phối hợp trong việc đánh giá lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Chuyên gia cao cấp Dương Thanh Mai nhấn mạnh, Bộ công cụ là tài liệu hướng dẫn kỹ thuật lồng ghép vấn đề bình đẳng giới cho công chức trực tiếp tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với quy trình rất rõ ràng nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất không còn “chỉ là quy định trên giấy”. Đặc biệt, đã dự kiến bộ câu hỏi kiểm tra kỹ thuật lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng dự án luật, bao gồm 10 câu hỏi nhằm xác định có các vấn đề về giới hoặc bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới trong lĩnh vực do dự án luật điều chỉnh.

Các ý kiến tại hội thảo khẳng định, Bộ công cụ này rất hữu ích nhưng vẫn bày tỏ băn khoăn là nếu chỉ mang tính hướng dẫn, chưa được quy phạm hóa thì e chưa thật khả thi. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Vũ Ngọc Thủy, trong một số dự án luật dù đã xác định được vấn đề giới nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát, giải quyết. “Nên chăng, trong thành phần Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật cần có chuyên gia về giới” – bà Thủy kiến nghị.

Thừa nhận lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật là rất khó, đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan đề xuất, trong bối cảnh không có dữ liệu để xác định vấn đề giới thì các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần tìm hiểu các Công ước quốc tế có quy định về giới không hoặc “soi” vào Luật Bình đẳng giới để tránh tình trạng khi ban hành Luật không thực hiện lồng ghép giới như Luật Công chức, Luật Viên chức hiện không quy định ưu tiên cho lao động nữ dù Luật Bình đẳng giới đã đề cập.

Cẩm Vân