Bắt “đối tác liên kết” cùng chịu trách nhiệm
Theo quy định của Luật Xuất bản hiện hành, khâu xuất bản chủ yếu vẫn thuộc trách nhiệm của nhà xuất bản (NXB). Nhưng trên thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo, NXB chỉ quyết định XB, mà thường là thiếu sự thẩm định nghiêm túc. Trong khi đó, Luật quy định trách nhiệm của đối tác liên kết chưa cụ thể và khó phân định khi xử lý vi phạm.
ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) phản ánh, phần lớn các sai phạm trong hoạt động XB phát sinh từ việc liên kết XB và lỗi chủ yếu là do phía đối tác liên kết lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của NXB gây ra. Thậm chí “hầu hết các đối tác liên kết trong nhiều trường hợp đang điều khiển NXB” vì khi đối tác liên kết XB đã bỏ vốn ra và làm tất cả các khâu thì chất lượng ấn phẩm hoàn toàn do đối tác liên kết “nhào nặn” cho NXB… chịu trách nhiệm. ĐB Trần Văn Tấn (tỉnh Tiền Giang) băn khoăn, “tại sao khi có sai phạm, NXB phải chịu xử lý rất nặng như đình chỉ hoạt động, cách chức giám đốc, thậm chí giải thể, truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi đó các đối tác liên kết làm sách chỉ bị phạt tiền, bị đình chỉ hoạt động liên kết có thời hạn và cấm liên kết”?.
“Chế tài nghiêm khắc đối với phía liên kết” là đề nghị của nhiều ĐBQH nhằm hạn chế tối đa thực trạng đó. Ủy ban VHGDTTN&NĐ của QH cũng đề nghị đối tác liên kết được thực hiện các khâu tổ chức, biên tập bản thảo và do đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng XB phẩm, còn NXB vẫn tiếp tục đảm nhận trách nhiệm thẩm định nội dung tư tưởng của XB phẩm và quyết định XB (thực chất là thực hiện trách nhiệm kiểm duyệt và cấp phép XB). Còn ĐB Tấn đề nghị dự án Luật XB (sửa đổi) “phải quy định chế tài thật nặng, thật sòng phẳng trong ứng xử với tư nhân liên kết XB”, không thể để kéo dài thực trạng “hầu hết các sách sai phạm nội dung đều xảy ra ở sách liên kết” như bấy lâu nay.
Không để nhà in tiếp tay cho sách lậu
Trên 90% sách bày bán ở vỉa hè, lề đường là sách giả, một tỷ lệ không nhỏ các XB phẩm khác là lậu đang trôi nổi ở các ngõ nghách khác của thị trường. Tình trạng in lậu, in giả, in lỗi bản trái phép, sách không rõ nguồn gốc, sách nhập khẩu lậu, sách đã có quyết định thu hồi và tiêu hủy v.v... đã diễn ra tràn lan và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhưng không ít ĐBQH nhận định rằng, thực chất đó là “làm sách lậu chứ không phải in lậu, chủ mưu là NXB, nhà phát hành, còn nhà in là người tiếp tay”.
Cho rằng, “làm sách lậu” không chỉ là tội phạm mà trong nhiều trường hợp còn có thể gọi là tội ác, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (tỉnh Thái Nguyên) đề nghị, ngoài nghiêm cấm in lậu, in giả, in lỗi bản trái phép, sách nhập khẩu lậu, sách quyết định thu hồi và tiêu hủy thì phải, tăng cường thanh, kiểm tra và xử phạt nặng đối với những cơ sở in, các đối tượng tham gia buôn bán XB phẩm lậu.
Cùng với in, phát hành XB phẩm cũng đóng vai trò làm thị trường XB phẩm luôn lộn xộn, ngoài tầm kiểm soát. ĐB Nguyễn Thanh Hải (tỉnh Hòa Bình) thấy rằng, “việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng XB phẩm gần như bị buông lỏng” mà “không thể đặt vấn đề chống in lậu, XB lậu khi thị trường kinh doanh XB phẩm bị buông lỏng quản lý”. Do vậy, ĐB Hải đề nghị phải quan tâm kiểm soát hoạt động kinh doanh, phát hành XB phẩm, song song với các biện pháp quản lý in, XB để đẩy lùi sách lậu, “làm sạch” thị trường “món ăn tinh thần” của người dân…
Hương Giang
Chiều qua, sau khi nghe báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của ĐBQH do Chủ nhiệm các Ủy ban có liên quan của QH, QH đã biểu quyết thông qua 5 dự án Luật với tỷ lệ đa số, gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi (92,99%), Luật Phòng chống rửa tiền (93,19%), Luật Giáo dục Đại học (84,57%), Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (88,18%), Bộ luật Lao động (sửa đổi) được 93,39% ĐBQH tán thành.
Các Luật và Bộ luật trên sẽ có hiệu lực từ năm 2013, trong đó Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1/1; Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ 1/5. |