Pháp luật về đầu tư công: Không để vốn bị “đổ sông đổ bể”

13/06/2012
Dàn trải, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp… là những “vấn nạn” của tình trạng đầu tư công (ĐTC). Ban hành một đạo luật về ĐTC (có thể bao gồm cả vấn đề mua sắm công) được nhiều ĐBQH đặt ra như một đòi hỏi cấp thiết để ngân sách Nhà nước, trong đó có tiền thuế của người dân, không bị “đổ sông đổ biển”...

Đầu tư “nuôi” DNNN… thua lỗ

Hiện có khoảng 1.600 văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư, đặc biệt là ĐTC, nhưng vẫn chưa xác định được thế nào là ĐTC do Nhà nước thực hiện. Chính vì thế, việc nhà nước đầu tư vào các ngành, lĩnh vực tiên phong phát triển, các ngành dẫn dắt, lôi kéo cả nền kinh tế (qua các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư phát triển các vùng kinh tế lạc hậu yếu kém nhằm cân bằng phát triển vùng vẫn gây nhiều tranh cãi vì bị quy kết là “thủ phạm” dẫn đến sự đầu tư của Nhà nước dàn trải, lãng phí trong nền kinh tế.

Ước tính, đầu tư của Nhà nước ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, dịch vụ thương mại… chiếm đến 12% tổng vốn đầu tư, trong khi đầu tư vào lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, viễn thông… mới chiếm 42% tổng vốn đầu tư phát triển. Riêng với 1.309 DNNN đã nhận được đến 40% tổng vốn kinh doanh, 30% tổng vốn tín dụng, 45% tổng giá trị tài sản của của khu vực DN (trong đó tổng vốn sở hữu Nhà nước là 700.000 tỷ đồng), nhưng chỉ đóng góp 30% GDP và hiện diện ở tất cả các ngành kinh tế, thương mại và thiên về tìm kiếm lợi nhuận khiến dư luận không khỏi “chĩa mũi dùi” nghi ngờ về tính hiệu quả và sự minh bạch trong đầu tư của Nhà nước vào DNNN.

Công bố về thua lỗ của những “gã khổng lồ” như Vinashine, Vinalines, những sai phạm ở Petrolimex, EVN mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra,… càng minh chứng một thực tế là đầu tư của Nhà nước vào DNNN đang có hiệu quả “rất thấp và trở thành điểm yếu nội tại của nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định và phát triển kinh tế quốc gia” – TS.Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TƯ) nhận xét.

Không chỉ có vậy, việc nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn bị phân tán trong quá nhiều dự án (như các cảng biển, sân bay,…), chia cắt theo nguồn vốn TƯ và địa phương, thiếu sự tập trung thống nhất quản lý khiến nguồn vốn bị phân tán và nhiều nguy cơ “không có khả năng thu hồi”.

Pháp luật hiện hành về thẩm quyền quyết định đầu tư quy định, các khoản đầu tư từ 30.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD) trở lên do Quốc hội quyết định. Như vậy, để “tránh” xin phép Quốc hội, thủ thuật dễ áp dụng nhất là “chặt” nhỏ dự án thành các dự án dưới 30.000 tỷ đồng. TS.Vũ Đình Ánh cho rằng, “khe hở” này rất dễ để các dự án “khủng” không phải qua sự “săm soi” của Quốc hội và phải được quan tâm để ngăn chặn khi xây dựng dự án Luật ĐTC.

“Đua” nhau đi vay sẽ è lưng trả nợ công

Thực ra, đáng lo ngại trong lĩnh vực ĐTC còn nằm ở những vấn đề “ngầm” đang diễn ra trong phân bổ ngân sách Nhà nước khiến chi ngân sách nhà nước đang “có vấn đề”, nhất là nguồn đầu tư của ngân sách địa phương và nguy cơ nợ công không thể kiểm soát. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, quy định hạn chế khả năng huy động vốn của các địa phương (tối đa 30% giá trị tổng vốn đầu tư năm đó của ngân sách địa phương, trừ các TP loại đặc biêt như TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… được huy động 100% tổng vốn đầu tư trong năm (theo Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước) là sự mâu thuẫn không đáng có của pháp luật.

Những địa phương có nguồn thu ngân sách nhỏ (dưới vài trăm tỷ đồng) so với nhu cầu đầu tư thường lên đến 3.000-4.000 tỷ đồng/năm bị hạn chế huy động vốn sẽ phải “vay để đầu tư”. Không chỉ cấp tỉnh mà cấp huyện, xã cũng đã chọn giải pháp này mà cả khoản vay và khoản để trả nợ đều không được ghi vào danh mục thu chi ngân sách của địa phương như vụ tỉnh Hà Giang vay trên 1.000 tỷ đồng để đầu tư và giờ chưa trả hết nợ. Nếu chính quyền “không ra mặt” vay trực tiếp từ các định chế tài chính thì sẽ bảo lãnh “ngầm” cho các nhà thầu đi vay ở ngân hàng thương mại. Việc UBND TP Hà Nội yêu cầu các định chế tài chính tại Hà Nội bỏ ra 10.000 tỷ đồng để “cứu” DN trên địa bàn là một ví dụ cho thực trạng này.

Điều đáng nói là việc TƯ và địa phương “đua” nhau đi vay dưới nhiều hình thức sẽ khiến “gánh nặng” nợ công ngày càng nhiều nguy cơ thành “khủng hoảng”. Quy mô nợ công từ nguồn tín dụng Nhà nước là trên 50% GDP, trong đó nợ nước ngoài trên 40% GDP. Chính các DNNN cũng là những “con nợ” khổng lồ của hệ thống ngân hàng với 415.000 tỷ đồng, mà Nhà nước chính là đối tượng phải trả nợ, “góp phần” gia tăng nợ xấu của ngân hàng khiến các nhà quản lý đang đau đầu xử lý nhằm vực dậy nền kinh tế. Đó cũng là hậu quả của sự thiếu đầy đủ trong cơ chế quản lý nợ công và ĐTC có nguồn gốc là nợ công.

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng) chỉ ra thực trạng, cơ chế “xin cho” là những tồn tại trong ĐTC hiện nay do “giá vốn = 0 dễ dẫn đến chênh lệch giá và tiêu cực”, nên cần xem lại vai trò của Nhà nước đối với đầu tư phát triển có định hướng, gắn với ĐTC và tái ĐTC. Ngoài ra, quản lý nguồn vốn Nhà nước trong 40 Quỹ tập trung và kiểm soát, quản lý hiệu quả khai thác tài sản sau ĐTC, tránh tình trạng khai thác cho lợi ích nhóm như hiện nay.

Từ thực tiễn đổ vỡ của một số DNNN vừa qua do do lãnh đạo DN tự quyết định đầu tư ra ngoài ngành quá lớn, đặt ra yêu cầu về thể chế quản lý nguồn vốn đầu tư của NN. TS Nguyễn Đình Cung cũng lưu ý “phải vừa đầu tư mới, vừa thoái vốn đầu tư nhà nước từ các ngành, các DN không thuộc chức năng của nhà nước” và coi nội dung về thoái vốn nhà nước là một phần quan trọng của Luật về ĐTC.

Huy Anh

Đầu tư của Nhà nước năm cao nhất chiếm đếm 60% tổng mức đầu tư toàn xã hội (khoảng 22% GDP) và gần đây chỉ còn 40% (khoảng 14% GDP), với cơ cấu là vốn từ Ngân sách Nhà nước chiếm đa số, vốn vay tín dụng và vốn vay nước ngoài.

Hàng năm, 15% ngân sách Nhà nước dành để trả nợ, 65% chi thường xuyên, 20% chi đầu tư. Về nguyên tắc, Nhà nước chỉ vay để chi đầu tư nên khoản vay trong nước và nước ngoài để bù vào thâm hụt ngân sách hàng năm (khoảng 5% GDP) thực chất cũng là để chi đầu tư phát triển.