Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, sau hơn 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng ở nước ta hiện nay vẫn diễn ra rất phức tạp. Công tác PCTN chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Chính vì vậy, việc sử đổi Luật PCTN là hết sức cần thiết.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, Dự án Luật PCTN (sửa đổi) sẽ sửa những nội dung lớn và cốt lõi. Đây cũng là Dự án Luật được dư luận xã hội quan tâm vì vậy Luật sửa đổi lần này phải đảm bảo theo tinh thần của Nghị quyết TƯ, Công ước Liên hợp quốc về PCTN và nguyên tắc thống nhất pháp luật.
Thay mặt Tổ biên tập, ông Đỗ Gia Thư (Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ) – Tổ trưởng Tổ biên tập kiến nghị một số nội dung lớn cần sửa đổi Luật PCTN như mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm tất cả người có chức vụ, quyền hạn; bổ sung quy định về việc công khai tại nơi cư trú đối với bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; quy định việc cán bộ, công chức phải thanh toán qua tài khoản khi mua sắm những tài sản có giá trị lớn; bổ sung một số trường hợp cụ thể sẽ xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc; cơ chế bảo vệ và khen thưởng người tố cáo về tham nhũng...
Dự kiến, Luật PCTN (sửa đổi) sẽ xem xét lại khái niệm về tham nhũng, chủ thể tham nhũng của pháp luật hiện hành, theo hướng không cần xác định chủ thể thực hiện, xây dựng cơ chế xử lý trách nhiệm pháp nhân tham nhũng “vì tập thể vi phạm cũng tương đối nhiều và công ước chống tham nhũng có nêu”. Song Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho rằng quy định trách nhiệm pháp nhân phải tương thích với Bộ luật Hình sự. Trong PCTN, khi nói đến pháp nhân, chủ yếu là để xử lý về kinh tế. Vì vậy nên tách trách nhiệm hình sự và xử lý về kinh tế của chủ thể là pháp nhân trong vụ án tham nhũng. Ngoài những trách nhiệm hình sự, Luật PCTN sẽ quy định các trách nhiệm khác.
Có ý kiến cho rằng, nên mở rộng tất cả đảng viên, bất kể làm việc trong cơ quan nhà nước hay không, đều phải kê khai để Luật hóa Nghị quyết TƯ. Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Khải (Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ) lưu ý, ngoài đảng viên làm việc trong cơ quan nhà nước, có nhiều đảng viên đã về hưu hay những đảng viên đang là sinh viên. Do vậy, nếu quy định mở rộng đối tượng kê khai tài sản cần phải suy xét lại, “chứ mở rộng đối tượng kê khai thì sẽ dẫn đến khó quản lý và mang tính hình thức nhiều hơn”. Một số ý kiến nhất trí chỉ nên quy định kê khai tài sản đối với những đối tượng có chức vụ, quyền hạn.
Do NQ TƯ 5 đã quyết định thành lập Ban Nội chính thuộc Văn phòng TƯ Đảng, là cơ quan thường trực PCTN trực thuộc Bộ Chính trị nên các thành viên Ban soạn thảo Luật PCTN (sửa đổi) cũng cho rằng, không cần quy định về Ban Chỉ đạo TƯ PCTN trong dự thảo Luật sắp tới.
Dự kiến, dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ xem xét vào ngày 20/7 và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4.
H.Giang