Quốc hội thông qua 3 luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo

21/06/2012
Chiều qua (20/6), 3 Luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo là Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), Luật Giám định tư pháp (GĐTP) đã được hơn 85% ĐBQH biểu quyết thông qua.

Cấm cán bộ, công chức, viên chức thành lập Văn phòng GĐTP

Luật GĐTP được thông qua với 8 chương 46 điều, trong đó quy định cho thành lập Văn phòng GĐTP là tổ chức GĐTP ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Người đề nghị thành lập Văn phòng GĐTP phải là giám định viên tư pháp, bảo đảm yêu cầu về sức khỏe cũng như các tiêu chuẩn khác và để phù hợp với Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Luật GĐTP cấm cán bộ, công chức, viên chức thành lập Văn phòng GĐTP. Luật GĐTP vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức giám định pháp y công lập thuộc Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cho phép “Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh, TP trực thuộc TƯ có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi”.

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, Luật GĐTP không bổ sung quyền trực tiếp yêu cầu thực hiện GĐTP đối với bị can, bị cáo và người bị hại. Tuy nhiên, Luật cho phép đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Phạt cao để hạn chế vi phạm

Để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, Luật XLVPHC quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 1 tỷ đồng, tăng gấp hai lần so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, mức phạt cao này chỉ được áp dụng trong phạm vi rất hạn hẹp đối với một số lĩnh vực, như quản lý các vùng biển, đảo, thềm lục địa, quản lý hạt nhân, chất phóng xạ, tiền tệ, ngân hàng, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường... (điểm k khoản 1 Điều 24); trong các lĩnh vực này cũng chỉ áp dụng đối với rất ít hành vi vi phạm rất nghiêm trọng sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất.

Xét về tính chất thì vi phạm do tổ chức thực hiện có tính chất nguy hiểm hơn, hậu quả lớn, cho nên Luật XLVPHC quy định mức phạt cao nhất đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức vi phạm. Bên cạnh đó, Luật còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại đối với các tổ chức vi phạm nhằm hạn chế hữu hiệu các vi phạm do tổ chức gây ra.

Luật XLVPHC cũng chỉ cho phép quy định mức phạt tiền cao hơn không quá 2 lần trong 3 lĩnh vực giao thông đường bộ, môi trường và an ninh trật tự, an toàn xã hội ở các TP trực thuộc TƯ. Song tùy theo điều kiện thực tế, yêu cầu quản lý kinh tế xã hội đặc thù của địa phương mình, căn cứ hành vi do Chính phủ quy định, HĐND TP trực thuộc TƯ sẽ quy định mức phạt tiền cao hơn, có thể là cao hơn 2 lần, nhưng cũng có thể là 1,5 lần, 1,2 lần hoặc so với mức quy định áp dụng chung của cả nước.

Đồng thời, QH cũng đã quyết định bỏ quy định về biện pháp xử phạt vi phạm hành chính “đưa vào cơ sở chữa bệnh” đối với người bán dâm, mà chỉ xử phạt hành chính như các quy định hiện hành.

Báo cáo viên pháp luật phải có ít nhất là 2 năm công tác trong lĩnh vực pháp luật

Theo quy định của Luật PBGDPL, báo cáo viên pháp luật phải có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 2 năm; trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật ít nhất là 3 năm tạo được sự tin cậy của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật

Luật PBGDPL quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp là đối tượng tham gia xã hội hoá công tác PBGDPL và quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc tổ chức PBGDPL đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi mình quản lý; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức PBGDPL đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, phối hợp với cơ quan nhà nước, tổ chức hữu quan khác PBGDPL cho nhân dân....

Cùng ngày, QH cũng đã biểu quyết thông qua Luật Giá, Luật Công đoàn (sửa đổi) và Nghị quyết của QH về thi hành Luật XLVPHC.

Hương Giang