Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp do đồng chí Đặng Hoàng Oanh làm trưởng đoàn kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức.

27/06/2012
Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp do đồng chí Đặng Hoàng Oanh làm trưởng đoàn kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Như đã thông tin từ đầu chuyến đi, ngoài việc trao đổi, cập nhật và đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình hợp tác 3 năm lần thứ hai về Đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa Việt Nam và Đức, trao đổi về công tác quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật; Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã có dịp trao đổi với các đồng nghiệp tại Viện Công tố bang Berlin về kinh nghiệm phòng chống tham nhũng trong cơ quan tư pháp.

Một nội dung không kém phần quan trọng và thu nhận được nhiều thông tin từ chuyến đi là các cuộc trao đổi với các đồng nghiệp tại Bộ Ngoại giao Liên bang Đức, Văn phòng Ủy viên đặc trách các vấn đề hội nhập và nhập cư bang Berlin, Sở Ngoại kiều thành phố Posdam và các luật sư công ty luật Andrea Wuerdinger về các vấn đề liên quan đến pháp luật và thực thi pháp luật về quốc tịch, nhập cư tại Đức. Cuối chuyến thăm, Đoàn đã gặp gỡ và trao đổi cởi mở với tân Đại Sứ Việt Nam tại CHLB Đức Nguyễn Thị Hoàng Anh, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt Trương Xuân Thanh và với các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác lãnh sự tại hai cơ quan đại diện này tại  CHLB Đức.

Dưới đây là những thông tin chính thu nhận được từ chuyến công tác:

Hệ thống cơ quan và chính sách phòng chống tham nhũng của bang Berlin:

Tại buổi gặp Tiến sĩ Ruediger Reiff, Công tố viên trưởng kiêm Giám đốc Cơ quan trung ương về phòng ngừa tham nhũng của Văn phòng Tổng công tố bang Berlin, Đoàn đã được nghe giới thiệu về hệ thống cơ quan và chính sách phòng chống tham nhũng của bang Berlin.

Ở Đức, hệ thống cơ quan công tố (từ liên bang tới bang) là cơ quan duy nhất có thẩm quyền điều tra và truy tố các tội danh tham nhũng. Văn phòng công tố là một cơ quan độc lập, có vị trí ngang bằng với tòa án trong quá trình tố tụng. Điều 150 của Luật Tổ chức Tòa án (Gerichtverfassungsgesetz) quy định rằng các công tố viên độc lập thực thi nhiệm vụ trước Tòa. Tương tự như tòa án, văn phòng công tố phải xem xét chứng cứ từ tất cả các bên liên quan. Quá trình truy tố là bắt buộc tại Đức nhưng một công tố viên có quyền không truy tố (ngay cả khi có đủ chứng cứ tội phạm) trên nguyên tắc hành vi phạm tội là nhỏ và việc truy tố không xuất phát từ lợi ích công cộng (Điều 153 và 153 a Bộ luật Tố tụng hình sự). Một công tố viên cũng có quyền ngừng tố tụng, và cho dừng điều tra vì lý do hiệu quả của quá trình tố tụng / đơn giản hóa quá trình tố tụng (Bộ luật tố tụng hình sự, Điều 154 và 154a). Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng việc ngừng tố tụng là không được phép đối với các trường hợp tham nhũng, trừ phi đó là những hành vi cực kỳ nhỏ.   

Trong bối cảnh đầu tư ồ ạt cho việc tái thiết Berlin (thành thủ đô mới của nước Đức thống nhất), nhóm chuyên trách về phòng ngừa tham nhũng đã được thành lập vào năm 1997 tại Bộ Tư pháp cấp Bang (Senatsverwaltung für Justiz). Nhóm này không thực hiện các công việc điều tra như chức năng của công tố viên mà chức năng của nhóm đơn thuần là phòng ngừa tham nhũng. Nhiệm vụ của nhóm là đấu tranh chống tham nhũng theo phương pháp mới, tập hợp và trao đổi thông tin liên quan đến nhiều cơ quan và cá nhân khác nhau. Một trong các công việc của nhóm là xây dựng một quy chế toàn diện nhằm phòng tránh tham nhũng trong chính quyền bang Berlin. Nhóm gồm 20 người từ các cơ quan, bộ phận khác nhau trong bộ máy hành chính của Berlin, trong đó có đại diện của Văn phòng Công tố bang Berlin cũng như đại diện của Văn phòng cảnh sát hình sự về đất đai (Landeskriminalamt).

Tương tự như tại nhiều Văn phòng công tố các bang khác, Tại Berlin, một cơ quan đặc biệt đã được thành lập chuyên trách về các vấn đề liên quan đến tham nhũng. Cơ quan đặc biệt về phòng ngừa tham nhũng này nằm trong Văn phòng Công tố Bang thuộc Bộ Tư pháp Bang, bao gồm 4 bộ phận (Bộ phận điều tra tội phạm tham nhũng, Bộ phận chính sách về phòng ngừa tham nhũng, Văn phòng Trung ương về phòng ngừa tham nhũng và Trọng tài uy tín), gồm 8 công tố viên và 01 công tố viên trưởng. Trong khi ở Munich có 11 công tố viên; ở bang Bắc sông Ranh có 30 công tố viên chuyên về các loại tội phạm kinh tế, trong đó 5 công tố viên chuyên về tội tham nhũng. Các công tố viên chuyên điều tra tội tham nhũng được đào tạo cơ bản về kinh tế và kế toán. Trong các trường hợp cần thiết, các vụ việc sẽ được chuyển từ các văn phòng công tố nhỏ tới các văn phòng công tố lớn hơn, có nhiều chuyên gia hơn.

Cơ quan đặc biệt về phòng ngừa tham nhũng bang Berlin (gọi là Văn phòng trung ương chuyên về đấu tranh chống tham nhũng) trực thuộc Văn phòng Tổng công tố bang Berlin do Công tố viên trưởng trực tiếp phụ trách (hiện nay, Văn phòng này do Tiến sĩ Ruediger Reiff, Công tố viên trưởng đứng đầu). Người đứng đầu Văn phòng trung ương chuyên về đấu tranh chống tham nhũng cũng là người phụ trách nhóm công tác của Bộ Tư pháp bang, không thực hiện việc truy tố. Nhóm công tác thực hiện các chức năng phòng ngừa và có thể kiến nghị hoặc tư vấn cho các cơ quan có thẩm quyền hoặc cho công dân về các hoạt động phòng chống tham nhũng. Cũng tương tự như ở các bang khác, Nhóm công tác tại Berlin  tổ chức nhiều khóa đào tạo về các biện pháp phát hiện tham nhũng, đặc biệt là dành cho đại diện của các lĩnh vực tiểm ẩn nhiều khả năng xảy ra tham nhũng. Đồng thời, các bộ phận điều tra nội bộ trong từng cơ quan hành chính cũng được thành lập. Các cơ quan điều tra nội bộ này có nhiệm vụ thường xuyên thông báo cho Nhóm công tác về phòng ngừa tham nhũng của Bộ Tư pháp bang (Văn phòng Công tố bang) về tất cả các thông tin hay quan sát được về các hoạt động dễ dẫn tới tham nhũng sau khi nghiên cứu về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính. Cách thức thông tin này là một biện pháp kiểm soát và phòng ngừa tham nhũng rất hiệu quả và ít tốn kém hơn nhiều so với việc phải xử lý các hành vi tham nhũng đã có dấu hiệu rõ ràng. Trên thực tế tại Đức, các họat động có khả năng xay ra tham nhũng sẽ được chuyển tới công tố viên theo định kỳ hàng năm. Bên cạnh đó, các hoạt động có khả năng xảy ra tham nhũng cũng có thể được người đứng đầu bộ phận điều tra nội bộ phân công cho các cán bộ của mình theo dõi. Ví dụ, sau khi được phân công, cán bộ trong bộ phận điều tra nội bộ sẽ lưu ý tới tính chất và mức độ hoạt động tiềm ẩn khả năng tham nhũng, bất kỳ kỹ năng chuyên ngành đặc biệt nào của công tố viên và khối lượng công việc được phân công cũng là những yếu tố mà bộ phận điều tra nội bộ sẽ theo dõi. Hệ thống theo dõi phòng ngừa tham nhũng này không cho phép cảnh sát can thiệp vào việc lựa chọn công tố viên được phân công theo dõi. Về nguyên tắc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp bang có quyền chỉ đạo các công tố viên thực hiện từng vụ việc cụ thể. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp lại không thể yêu cầu công tố viên không truy tố hoặc dừng theo dõi vụ việc đã được phân công. Chỉ đạo của Bộ trưởng phải được ghi thành văn bản và lưu trong hồ sơ để có thể khiếu nại hoặc phúc thẩm sau này.

Theo Tiến sĩ Ruediger Reiff, trong năm 2011, Tòa án của bang Berlin đã xét xử 10 vụ liên quan đến tham nhũng, trong đó có 3 vụ bị kết án phạt tù, 3 vụ phạt tiền, 3 vụ ghi hồ sơ và 1 vụ được tha bổng. Trong bang Berlin không có những vụ quá lớn gây chấn động dư luận, nhưng trên thực tế, còn có những vụ việc rất phức tạp, khó phát hiện vì trong các vụ án tham nhũng không có nạn nhân mà chỉ có người phạm tội do vậy cả bên đưa và bên nhận đều không ai muốn tố cáo hành vi tham nhũng.

Một thiết chế mới trong hệ thống tổ chức phòng ngừa tham nhũng tại Berlin mới được hình thành chính là Trọng tài tín nhiệm. Vị trí này mới được bổ nhiệm từ tháng 10 năm 2011. Hiện nay, bang Berlin mới chỉ có một Trọng tài tín nhiệm, có trách nhiệm thường xuyên báo cáo cho Công tố viên trưởng phụ trách Văn phòng trung ương về phòng ngừa tham nhũng. Trọng tài tín nhiệm nhận thông tin về hành vi tham nhũng từ người tố cáo (có thể dấu tên) và có trách nhiệm giữ bí mật về người tố cáo. Trọng tài tín nhiệm là một luật sư, được nhận thù lao của nhà nước và nếu vi phạm các quy định về bảo mật thông tin sẽ bị xử phạt theo quy tắc đạo đức công chức công vụ. Tuy nhiên, hành vi vi phạm này sẽ không bị xử lý theo chế tài hình sự. Hiện nay, bang Berlin đang cân nhắc việc bổ sung thêm số lượng Trọng tài tín nhiệm nếu khối lượng công việc tăng lên.  

Bang Berlin ban hành luật về phòng chống tham nhũng và Ủy ban phòng chống tham nhũng vào năm 1995. Đồng thời, mới đây Bang Berlin đã xây dựng một trang thông tin điện tử về công tác phòng chống tham nhũng. Thông qua trang thông tin điện tử này, người tố cáo có thể cung cấp thông tin về dấu hiệu tham nhũng (tuy nhiên thông tin này chỉ có giá trị tham khảo). Viện Công tố sẽ dựa vào thông tin được cung cấp (kể cả thông tin cung cấp qua cổng thông tin điện tử) để xác định tính xác thực cũng như xác định chứng cứ cụ thể trước khi đưa vụ việc ra tòa. Các thông tin về việc kết quả xét xử các hành vi tham nhũng cũng được công khai trên cổng thông tin để người dân được biết.     

Các thông tin thu nhận được qua buổi trao đổi với Tiến sĩ Ruediger Reiff cho thấy, mặc dù tại một nước phát triển như Cộng hòa Liên bang Đức thì tham nhũng vẫn xảy ra, tuy không nhiều nhưng rất tinh vi và phức tạp. Do vậy, công tác đề phòng nhằm ngăn chặn các biểu hiện tham nhũng và triệt tiêu các kẽ hở cho tham nhũng được Chính phủ liên bang và Chính phủ các bang của Đức đặt lên ưu tiên hàng đầu. Việc thường xuyên hoàn thiện quy định pháp luật, rà soát chức năng nhiệm vụ của các cơ quan công quyền, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, thiết lập các tổ chức đấu tranh chống tham nhũng có vị trí độc lập ngay trong nội bộ các cơ quan hành chính và tạo cơ chế để công dân cùng phát hiện và tham gia đấu tranh chống tham nhũng là những vấn đề then chốt trong chính sách và thực tiễn thực hiện việc phòng ngừa hành vi tham nhũng xảy ra. Việc đấu tranh phòng và chống tham nhũng không chỉ dừng lại ở việc ban hành chính sách mà phải bằng từng hành động thiết thực, cụ thể và thường xuyên được theo dõi, giám sát

Nguyễn Minh Phương, Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp