Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn trái phiếu của Chính phủ: Không để lãng phí vốn đầu tư

08/11/2011
Sáng nay (8/11), thảo luận tại hội trường về chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình sử dụng vốn trái phiếu của Chính phủ (5 năm 2011-2015), nhiều ĐBQH cho rằng, cần điều chỉnh lại việc phân bổ và giám sát sử dụng các nguồn vốn liên quan, tránh sự đầu tư dàn trải để hiệu quả đồng vốn đến được với những đối tượng thụ hưởng.

Cho địa phương chủ động nguồn vốn

Theo một số ĐBQH, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) không đạt vì nội dung chồng chéo, phân tán, không lồng ghép được với nhau, mục tiêu rộng, nhưng năng lực thực hiện không đủ. Hiện mới hoàn thành 19 chỉ tiêu trong chương trình MTQG giai đoạn 2005-2010 nghĩa là “đầu tư công hiệu quả thấp”. Đặc biệt, ĐB Danh Út (Kiên Giang) phản ánh, “vẫn còn một bộ phận thụ hưởng các chương trình MTQG có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước và xã hội” khiến hiệu quả chương trình không cao.

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nhận thấy, hiệu quả các chương trình MTQG chưa cao, một phần do chính quyền các cấp chưa sử dụng hiệu quả ngân sách cho các chương trình này. Bên cạnh đó, quá nhiều dự án thành phần, thậm chí nhiều dự án không đủ tiêu chí để đưa vào chương trình MTQG nhưng “các Bộ, ngành muốn giữ để tăng thêm nguồn đầu tư”. Hơn nữa, phần chi thường xuyên trong các chương trình cũng quá lớn, có chương trình phải chi đến trên 80% nguồn vốn nên ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) nhận thấy, phải rà soát và bỏ các dự án mang tính chất chi thường xuyên của các Bộ, ngành trong các chương trình MTQG.

Rút “kinh nghiệm”, nhiều ĐB cho rằng, chương trình giai đoạn tới cần “ghép các chương trình với nhau” để tránh sự dàn trải, nhiều đầu mối. Quan trọng là chuyển vốn đầu tư các chương trình MTQG về cho địa phương để họ “chủ động tập trung đầu tư vào các chương trình cần thiết, cấp bách ở địa phương, không phải trông chờ Bộ, ngành “rót” tiền như thời gian qua, khiến chương trình cần thì không có tiền để thực hiện, chương trình có tiền lại chưa cần thiết với địa phương” như nhiều ĐB kiến nghị.

Không để vốn trái phiếu Chính phủ bị “đổ sông đổ biển”

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, khi phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ “đã không tính toán mâu thuẫn giữa năng lực và nhu cầu nên đến cuối vẫn còn nhiều hạn chế, thất thoát, lãng phí vốn đầu tư”. Giải pháp tăng hiệu quả đồng vốn trái phiếu Chính phủ theo ĐB Tâm là công khai minh bạch việc đầu tư, điều chỉnh bằng vốn trái phiếu Chính phủ.

Đặc biệt, nhiều ý kiến của ĐBQH đề nghị tăng trách nhiệm các đơn vị thụ hưởng, các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình phê duyệt dự án, xử lý nghiêm những người thẩm ra dự án khi dự án phải điều chỉnh qui mô, “tránh tình trạng trì trệ trong sử dụng đồng vốn trái phiếu Chính phủ”. Không nên phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ theo kiểu “địa phương nào cũng có” như hiện nay mà phải tập trung ưu tiên theo tính cấp thiết của dự án, cũng như yêu cầu của vùng, miền và địa phương. Đặc biệt, các ĐBQH đều thống nhất phải ưu tiên vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án thủy lợi, y tế, trường học, qui hoạch và giao thông nông thôn, xóa đói giảm nghèo…

Phân tích việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ không hiệu quả, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, đó là “gánh nặng của ngân sách nhà nước” nên “thực sự lo lắng khi thông qua kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cho những năm tiếp theo”.

Đầu tư theo dự án nhưng tiêu chí đánh giá hiệu quả chưa rõ ràng, cụ thể, minh bạch, chưa có cơ chế xác định trách nhiệm những cá nhân liên quan trong quá trình phê duyệt dự án nên ĐB Ngân yêu cầu “Chính phủ đã công khai phát hành bao nhiêu trái phiếu để bù vào bội chi ngân sách vì phát hành trái phiếu là tăng cung tiền, cũng đồng nghĩa với việc tăng lạm phát”…

Huy Anh

Thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015

Cùng ngày, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 với tỷ lệ 89,20% (446/458 ĐB) với mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong 2-3 năm đầu Kế hoạch tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành khởi động mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, 2-3 năm liên tiếp theo bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Trong 5 năm tới, các mục tiêu phát trển KTXH cụ thể được xác định trong Nghị quyết là phấn đấu GDP tăng khoảng 6,5%-7%, giảm nhập siêu từ năm 2012 và phấn đấu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015, nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5-7% vào năm 2015. Đảm bảo thu nhập thực tế của dân cư đến năm 2015 gấp 2-2,5 lần so với năm 2010, tạo việc làm cho 8 triệu người. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%.../.