Dự thảo Luật Giám định Tư pháp: Đương sự trong vụ việc dân sự được yêu cầu giám định

04/11/2011
Vẫn còn hai loại ý kiến khác nhau về đề nghị “giải thể” đội ngũ giám định viên pháp y thuộc Công an cấp tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết.

Hôm qua 3/11, Quốc hội đã nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra trình bày về các dự án Luật: Luật Quảng cáo, Luật Giá, Luật Giám định tư pháp (GĐTP) và Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC)

Đề nghị bỏ pháp y Công an tỉnh

Hai vấn đề lớn của dự án Luật GĐTP mà Chính phủ xin ý kiến của Quốc hội, đó là về quyền yêu cầu giám định của đương sự và vấn đề về tổ chức pháp y trong Công an cấp tỉnh.

“Đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng, nếu chỉ mở rộng quyền yêu cầu GĐTP của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính như dự thảo Luật là không công bằng đối với các đương sự trong vụ án hình sự.” - Ủy ban Tư pháp cho biết. Tuy nhiên, ý kiến khác ủng hộ phạm vi mở rộng như dự luật.

Riêng về tổ chức giám định pháp y trong Công an tỉnh, dự luật mới không quy định về vấn đề này (tức “giải thể” đội ngũ giám định viên pháp y thuộc Công an tỉnh). Theo Chính phủ “quy định như vậy khắc phục tình trạng phân tán lực lượng, tránh chồng lấn, tạo điều kiện tăng cường đầu tư cho các Trung tâm pháp y cấp tỉnh thuộc ngành Y tế, phù hợp yêu cầu của cải cách tư pháp…”

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho biết Bộ Công an vẫn đề nghị giữ nguyên tổ chức hiện có để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Thẩm tra dự án luật này, theo Ủy ban Tư pháp vấn đề này còn hai loại ý kiến khác nhau. Loại thứ nhất đồng ý như Tờ trình của Chính phủ. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, hoạt động giám định pháp y của đội ngũ giám định viên pháp y thuộc Công an cấp tỉnh đang phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực và kịp thời cho hoạt động tố tụng, nhất là các vụ án phức tạp, nghiêm trọng. Do đó, ý kiến này đề nghị giữ nguyên như hiện nay.

Mức phạt tối đa lên tới 2 tỷ đồng

Lập luận về đề xuất quy định mức phạt tiền cao hơn mức phạt chung áp dụng trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc TW, Chính phủ cho rằng, thực tế công tác XPVPHC thời gian qua đã chứng tỏ đối với các TP lớn như lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... thì mức phạt như của Pháp lệnh là không đủ sức răn đe, không đạt hiệu quả như mong muốn. Thực tế, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 34/CP quy định XPVPHC, trong đó cho phép được áp dụng thí điểm mức xử phạt cao gấp 2 lần mức phạt chung với một số hành vi vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị đặc biệt.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật cho biết: nhiều ý kiến đồng tình giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn không quá 2 lần trên cơ sở đề nghị của HĐND TP. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng như vậy là tạo sự không bình đẳng.

Bên cạnh đó, về mức phạt tiền, Ủy ban Pháp luật khẳng định tăng mức phạt là cần thiết, để đảm bảo tính răn đe, nhưng cần cân nhắc mức tăng bao nhiêu là hợp lý (theo dự thảo mức phạt tối thiểu là 50 ngàn và tối đa là 2 tỷ đồng). Ủy ban này lưu ý không nên chỉ chú trọng nâng mức phạt tiền mà cần quan tâm các giải pháp khác.

Bình An

Người bán dâm sẽ không bị đưa vào cơ sở chữa bệnh?

Bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân, cũng như trong xu thế hội nhập quốc tế, Chính phủ cho rằng việc bỏ quy định đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm là phù hợp. Người bán dâm không bị áp dụng biện pháp này song vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời để hạn chế việc lây truyền bệnh từ người bán dâm ra cộng đồng, dự thảo Luật quy định thêm hình thức xử phạt bổ sung buộc chữa bệnh đối với người bán dâm mắc căn bệnh này.