* Ông Lê Quang Tụ, cựu sinh viên trường MGIMO khóa 1977 – 1982, hiện là Trưởng Ban Trị sự, Báo Nhân dân:
“Điều tôi thấy thú vị là được học tại một trường danh giá của Nga”
“Tôi vốn là bộ đội được cử đi học nên khi mới sang Nga tiếng còn kém, chưa biết gì về cuộc sống nơi đây. Vì vậy, tôi và một số anh em cùng học được các anh chị khóa trước quan tâm rất nhiều, nhất là anh Dĩnh (hiện là Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga) giúp đỡ chúng tôi từ những điều nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày. Đến giờ, tình cảm anh em vẫn thắm thiết như xưa.
Điều tôi thấy thú vị nhất là được học tại một trường danh giá của Nga và nơi đây có nhiều sinh viên xuất sắc, “con nhà nòi”. Chính những người đã thành đạt trước đó đã gây dựng ước mơ, hoài bão cho chúng tôi. Và sau khi về Việt Nam, nhiều người thực sự trưởng thành, lãnh đạo cơ quan của Chính phủ và không ít người là Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài.
Lứa sinh viên chúng tôi năm đó vẫn thường xuyên gặp nhau nhưng với cuộc hội ngộ năm nay thì là lần đầu tiên được tổ chức quy mô. Cá nhân tôi thấy rất vui vì sẽ có cơ hội gặp gỡ được nhiều cựu sinh viên của các khóa cả trước và sau mình”.
* Chị Hoàng Hồng Hoa, cựu sinh viên trường MGIMO khóa 1985 – 1990, hiện phụ trách mảng khách Nga của Công ty Du lịch Tinh hoa châu Á:
“Với tôi, MGIMO luôn là trường số 1”
“Với tôi, trường MGIMO luôn là trường số 1, nơi đây đã đào tạo các nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Xô và các nước XHCN. Tôi đã được cung cấp những kiến thức cơ bản nhất, có được nền tảng vững chắc nhất để bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sau này và gặt hái nhiều thành công khác trong cuộc sống.
Tuy nhiên, kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi khi còn học tại trường là tôi đã gặp gỡ người đàn ông của đời mình – chồng của tôi và bố của 4 đứa con tôi. Vì cuộc hôn nhân này mà chồng tôi đã phải bỏ công việc của mình tại Bộ Ngoại giao của Nga. Chúng tôi đang tạm thời phải xa nhau từ năm 2009 khi tôi về Việt Nam làm đại diện cho một công ty của Nga ở Hà Nội. Có điều, sau thời gian dù chỉ ngắn ngủi sống tại quê hương, các con tôi đã rất gắn bó cuộc sống ở Việt Nam vì chúng cảm thấy người Việt mình vô cùng thân thiện”.
* Chị Nguyễn Thu Hà, cựu sinh viên trường MGIMO khóa 1989 - 1996, hiện công tác tại Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam:
“Chúng tôi kết nối với nhau trong cuộc sống và trong công việc”
“Tuy phải học xa nhà song tôi luôn có cảm giác gần gũi, dễ chịu vì được học ở Khoa phương Đông – khoa có nhiều người học tiếng Việt. Có lẽ tôi là một trong những sinh viên có thời gian học lâu nhất tại trường bởi phải mất thêm thời gian học tiếng khi vốn ngoại ngữ của tôi là tiếng Trung. Ngoài ra, khí hậu ở Nga rất lạnh. Nếu sức chịu lạnh của tôi tốt hơn thì kết quả học tập có lẽ cũng tốt hơn và tôi thấy đây là một kinh nghiệm mà tôi có thể truyền lại cho những bạn sinh viên sắp tới hoặc cho chính con cái mình.
Mặc dù thời gian tôi sang học là lúc đất nước Nga đang trong giai đoạn xáo trộn và khó khăn nhất (về sau tôi được biết, lương giáo viên khi ấy chỉ có 10 USD/tháng) nhưng các thầy cô giáo của tôi rất nhiệt tình, tâm huyết với sinh viên. Hơn nữa, giáo trình học tập cũng thường xuyên được cập nhật, theo kịp thời đại.
Là một thành viên trong Ban Liên lạc, tôi nhận thấy tâm trạng của các cựu sinh viên trước buổi gặp mặt sắp tới rất háo hức. Những cuộc hội ngộ như thế này rất cần cho những cựu sinh viên chúng tôi để có thể kết nối với nhau trong cuộc sống và cả trong công việc”.
Hoàng Thư