Ký ức Nga

03/11/2011
Như một duyên cơ lịch sử cho dân tộc Việt Nam, 91 năm trước (1920), trên dặm dài bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ  kính yêu của chúng ta (lúc đó là người thanh niên Cộng sản Nguyễn Ái Quốc) đã tiếp nhận được nguồn ánh sáng khoa học và nhân văn của Cách mạng Tháng Mười để soi tỏ cho vận mệnh của dân tộc mình, để lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng tháng 8/1945 vẻ vang đổi đời cho dân tộc, rũ bùn đen nô lệ lầm than, độc lập, tự chủ vững bước đi lên.

Từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lương tri và trái tim của những người Cộng sản Việt Nam và Liên Xô đã kết nối với nhau như một lẽ tự nhiên, tạo nên tình đồng chí, tình hữu nghị đặc biệt, sắc son. Sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của các bạn Liên Xô đã giúp Việt Nam giành được những thắng lợi vinh quang trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và giải phóng dân tộc cũng như tạo dựng những cơ sở vật chất cho xã hội mới. Trong thế kỷ 20, hàng vạn người Việt Nam, từ những bậc cách mạng tiền bối đến những du học sinh đã được đến học tập, lao động, sinh sống trên đất nước của Liên bang Xô Viết, được tắm mình trong nền văn hoá Nga và con người Nga nhân hậu, chân thành để tiếp thụ những kiến thức khoa học - kỹ thuật phong phú, quý giá của quê hương Lê Nin, quê hương Cách mạng Tháng Mười, góp phần xây dựng nên một đất nước Việt Nam có vị thế uy tín trên trường quốc tế hôm nay. Một thời kỳ dài gian nan trong lửa đạn chiến tranh và dựng xây đất nước, trong mỗi bữa cơm của người Việt chúng ta có hơi ấm của nhân dân Nga. Như là một lẽ tự nhiên, nhiều thế hệ người Việt Nam trong trong những thập niên 50 đến 70 của thế kỷ trước, từ thủa còn cắp sách đến trường đã mang trong mình một “ Tình yêu nước Nga” đẹp đẽ và tràn đầy cảm xúc. Nhiều chiến sỹ Việt Nam lên đường xả thân vì Tổ quốc với tinh thần của Paven Coócsaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Ôtxtơrôpxki, rằng: “ Cái quý nhất trên đời là cuộc sống, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những tháng năm đã sống hoài, sống phí, để đến khi nhắm mắt ta có thể nói rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta đã  hiến dâng cho sự nghiệp cao cả nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Trải bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, trong trái tim của nhiều thế hệ người Việt Nam, vẫn còn đó một đất nước Nga vẹn nguyên vẻ bao la, hiền hoà tươi đẹp và hùng cường với một lịch sử lâu đời, một nền văn học Nga thẳm sâu tính nhân bản, những người bạn Nga chân thành và thuỷ chung, những bà mẹ Nga đôn hậu, giàu tình cảm, yêu những đứa con Việt Nam như chính con đẻ của mình. Vẫn còn đó một nước Nga thanh bình của những đàn sếu, những dáng bạch dương, của búp bê Matryoska, của những mùa hè Nga nồng nàn, cháy ửng trên đôi má thiếu nữ, những mùa thu Nga rực vàng, quyến rũ, những đêm trắng huyền diệu bên dòng Nêva; nước Nga của những “ Ngày thứ bảy Cộng sản”, của một “ Thời thanh niên sôi nổi” tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng cách mạng cao đẹp, nước Nga của những giai điệu “Cachiusa”, “Đôi bờ”, “ Triệu đoá hồng”, “Hàng thuỳ dương”, “Kalinka”, “Tình ca du mục”… dặt dìu, sâu lắng, đã trở thành một phần tươi thắm trong đời sống tinh thần của rất nhiều người Việt Nam. Một tính cách Nga, một tâm hồn Nga cùng với tinh thần của Cách mạng Tháng Mười Nga: “Hoà bình cho các dân tộc, Ruộng đất cho dân cày, Bánh mỳ cho người đói, Tự do cho người nô lệ” vẫn mãi mãi toả sáng.

Hoàng Hà