Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội

31/10/2011
Dù cơ bản tán thành những báo cáo của Chính phủ về tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhưng trong buổi thảo luận tại hội trường ngày 27/10 và sáng ngày 28/10, các ĐBQH vẫn tỏ ra nhiều trăn trở không chỉ về những vấn đề kinh tế vĩ mô mà còn lo ngại về nhiều vấn đề an sinh xã hội….

Đa số các DN nhỏ và vừa đang “dở sống, dở chết”

Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, các ĐB nhận định, DN lớn gặp khó khăn một thì các DN nhỏ và vừa sẽ gặp khó khăn gấp nhiều lần. Các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp cổ phần tuy là quy mô nhỏ nhưng rất nhiều (chiếm trên 95% tổng số DN trong cả nước) rất năng động và rất có điều kiện để phát huy trên địa bàn của từng huyện, lực lượng tạo việc làm lớn nhất, nhưng “hiện nay đang rất khát vốn”, đang phải chịu quá nhiều khó khăn trong suốt ba năm qua và đặc biệt trong năm 2011.

Các ĐB cũng muốn Chính phủ nhìn thẳng thực trạng là đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa này đang ở trong tình trạng “dở sống, dở chết” để có thêm các hỗ trợ tích cực hơn. “Nếu không giảm được lãi suất xuống dưới 15%/năm và lạm phát xuống dưới 10%/năm thì e rằng phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn tồn tại sau 1 năm nữa với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả nền kinh tế” - ĐB Mai Trung Tín (Bình Dương) đề nghị.

Cảm thông với những khó khăn mà các DN đang phải đương đầu, ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) đề nghị cần có những giải pháp mạnh hơn về vốn để đẩy mạnh tiếp tục phát triển các loại hình doanh nghiệp gắn với phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thu ngân sách. ĐB Cự “kêu gọi” các ngân hàng “đồng hành với các doanh nghiệp, phải giảm bớt một phần lợi nhuận bởi vì các ngân hàng đều báo cáo là lợi nhuận hàng nghìn tỷ thì chia sẻ để cùng cộng đồng doanh nghiệp phát triển, tất cả đều tồn tại, xã hội đều phát triển. Đề nghị ngân hàng tiếp tục tháo gỡ các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp”.

Trong khi đó, chi phí không chính thức của doanh nghiệp và người dân đã giải quyết các việc liên quan đến các cơ quan quản lý Nhà nước, trên thực tế không giảm đi mà còn gia tăng. Lương công chức thấp được coi là một trong những nguyên nhân chính cho tình trạng này. “Nhưng liệu Chính phủ có thể tăng lương đến mức phù hợp được không với ngân sách thâm hụt liên tục như hiện nay?” - ĐB Tín lo ngại.

Một mâu thuẫn trong chủ trương tinh giản biên chế và yêu cầu công việc cũng đã được chỉ ra, “Chúng ta liên tục nói về tinh giảm biên chế hơn 20 năm qua, con số giảm thực sự theo chúng tôi là không nhiều, trong khi phát biểu của các đại biểu từ các cơ quan chức năng trong cả ngày hôm qua nhắc nhiều đến việc thiếu người, thiếu lương, thiếu đầu tư, thiếu đào tạo, thiếu phương tiện…”. Nên giải quyết vấn đề thiếu đủ thứ này, sao cho thật cơ bản là câu hỏi mà ĐB quan tâm.

Nhận thức rõ lý do để Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% cho năm 2012 là để giải quyết việc làm, nhiều ĐB vẫn cho rằng, việc quan trọng hơn rất nhiều là phải kéo được mức tăng giá tiêu dùng về dưới 10% cho năm 2012 và những năm sau đó.

Không có trách nhiệm cá nhân khó giải quyết vấn đề giao thông

Nhiều ĐB cho rằng, tập trung vốn đầu tư từ ngân sách cho nhà nước cho các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội là vấn đề hết sức cần thiết. “Theo quan điểm của chúng tôi điều đầu tiên hiện tại chúng ta phải khẳng định, hạ tầng kinh tế khó khăn nhất của Việt Nam chúng ta vẫn là giao thông. Do vậy vấn đề đầu tiên tôi nghĩ phải ưu tiên tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, có thể nói vấn đề hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, đặc biệt là khu vực miền Trung còn vô cùng khó khăn. Hiện tại chúng ta chỉ có một tuyến quốc lộ 1 duy nhất để liên kết vùng, đây là vấn đề khó và tác động rất lớn đến vấn đề kêu gọi thu hút đầu tư” - ĐB Lê Phước Thanh (Quảng Nam) đề nghị.

Nhiều ĐB nhận định, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhất là cảng biển và sân bay là chưa tập trung, còn “dàn hang ngang” nên “đầu tư hàng chục cảng biển chỉ dùng được 2-3 cảng, trong khi đó đường sắt đã xuất hiện từ hơn 100 năm nay vẫn chưa được mở rộng, chưa có đường nào đáp ứng tiêu chuẩn quốc lộ…” như nhận xét của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa).

ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) cho rằng, “Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, chúng ta cần đến các trục giao thông, vì nó là huyết mạch của nền kinh tế. Trục giao thông đường một Bắc - Nam hiện nay, mặc dù tích cực nâng cấp sửa chữa nhưng chưa đủ tầm với sự thay đổi của đất nước, chưa đủ sức để tham gia gánh vác nền kinh tế đất nước và đây cũng là trục đường tai nạn giao thông nhiều nhất. Nên phải quyết tâm và khẩn trương làm trục lộ Bắc - Nam rộng hơn mỗi bên 8 làn đường để phục vụ cho nền kinh tế nước nhà hạn chế mức thấp nhất của tai nạn giao thông”.

Cũng búc xúc trước tình trạng ngày càng “tồi tệ” của an toàn giao thông, nhất là tại các TP lớn (Hà Nội, TP.HCM) và các tuyến quốc lộ, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, nguyên nhân cơ bản và quyết định nhất là sự yếu kém trong quản lý nhà nước về giao thông của các cấp kéo dài qua nhiều năm nhưng rất chậm được khắc phục, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn. ĐB Nga dẫn chứng, trong 3 khóa gần đây có khoảng trên 150.000 người chết vì tai nạn giao thông nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ TƯ đến cơ sở bị kỷ luật vì để xảy ra nhiều tai nạn và Quốc hội cũng chưa miễn nhiệm một Bộ trưởng nào vì lý do này. Hàng năm đại đa số cán bộ, công chức của những cơ quan có trách nhiệm về an toàn giao thông đều được đánh giá là hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu trách nhiệm cá nhân không nghiêm và quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng không được thực hiện trên thực tế thì khó có thể giải quyết tình trạng này.

Bên cạnh đó, sự mất cân đối nghiêm trọng giữa phát triển hạ tầng và phương tiện, việc cho phép phát triển ồ ạt phương tiện giao thông trong 10 năm qua đã vượt xa khả năng đáp ứng của hạ tầng, đầu tư cho nâng cấp và phát triển hệ thống đường bộ chưa tương xứng… là những nguyên nhân cơ bản khiến tình hình an toàn giao thông đã đến mức báo động như thời gian qua.

Trước tình trạng khó khăn của vấn đề giao thông, các ĐB thấy rằng, cần sự cộng đồng trách nhiệm vì sẽ khó mong giảm phương tiện cá nhân khi vẫn cho ra đời các nhà sản xuất xe máy, nhập khẩu ô tô, những cố gắng cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn và tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ của Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ là “ném đá ao bèo” nếu các Bộ khác vẫn cho các đặt trường đại học ở nội đô, các tòa chung cư tại đô thị…/.

Cân nhắc khi cắt giảm đầu tư công

Hoàn toàn nhất trí với chủ trương cắt giảm đầu tư công, các ĐBQH đề nghị, “không nên cắt giảm theo hình thức cào bằng”. Như ý kiến của ĐB Đào Văn Bình (TP.Hà Nội), nên ghi cắt giảm danh mục đầu tư và phải cân nhắc vì nếu cắt giảm thì càng làm tăng thêm sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Đồng thời không cắt giảm đầu tư đối với các dự án chuẩn bị đầu tư tránh không bắt tay kịp vào triển khai các dự án do chưa chuẩn bị trước.

Trong buổi thảo luận chiều 27/10, ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cho rằng, tập trung tái cơ cấu đầu tư công trước hết là cắt giảm đầu tư công, “nhưng Chính phủ phải có nguyên tắc, có hướng dẫn cụ thể trong việc cắt giảm đầu tư công để bảo đảm tính công bằng, không cào bằng và thực hiện đúng các đối tượng” nếu không tình hình của năm 2012 sẽ không có gì cải thiện đáng kể so với năm 2011.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) quyết liệt hơn khi đề nghị “phải cương quyết thắt chặt và kỷ luật sắt trong chi tiêu ngân sách Nhà nước vì đây là tiền của dân”.

Biện pháp “cương quyết” mà ĐB Ngân muốn Chính phủ thực hiện để đảm bảo đúng chủ trương cắt giảm đầu tư công là báo cáo cụ thể tên, địa chỉ các đơn vị địa phương đã vi phạm về tuân thủ pháp luật tài chính, kỷ luật ngân sách, khởi công nhiều dự án trái với quy định mà trong báo cáo Chính phủ đã nêu.

Đặc biệt, nhiều ĐB lưu ý, “trong dự toán năm 2012 tổng chi ngân sách của chúng ta là 903.100 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển chỉ có 180.000 tỷ đồng, chiếm 20%, chi thường xuyên là 542.000 tỷ đồng. Vì vậy Quốc hội không chỉ đặc biệt quan tâm đến giám sát chi đầu tư công, quan trọng nhất là giám sát các khoản chi thường xuyên vì khoản chi này có tỷ trọng rất lớn trên 60%, nếu không khéo sẽ lãng phí không chỉ ở đầu tư công mà là chi thường xuyên”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, thực tế đến phút này Chính phủ chưa thu hồi, chưa cắt một đồng nào về kế hoạch đã bố trí bằng số lượng cụ thể giao cho các bộ, ngành và địa phương. Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lưu ý, khi nghiên cứu kỹ Nghị quyết 11 thì thấy rằng dùng từ "cắt giảm đầu tư công", nhưng trong thực tế Nghị quyết 11 không yêu cầu thu hồi vốn đầu tư đã bố trí của năm 2011 của các bộ, ngành và các địa phương về TƯ. Về cơ bản đã thực hiện rất nghiêm việc này, nhưng cắt giảm đầu tư công khác với cắt giảm chi tiêu thường xuyên.

Trong Nghị quyết 11 yêu cầu cắt giảm chi tiêu thường xuyên 10%, Bộ Tài chính ra lệnh lập tức tất cả các Bộ, ngành, địa phương cắt luôn trên phần chi cho địa phương và cho các Bộ ngành 10%, tổng số khoảng 3.800 tỷ. Riêng các đầu tư công chúng ta đều biết rất khó khăn, rất phức tạp, vấn đề này rất chia sẻ cho các địa phương, các Bộ, ngành. "Không thể trình lên cắt là cắt ngay, phải nói là chia sẻ với các địa phương như vậy" - Bộ trưởng bày tỏ./.

H.Giang

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: “Chính phủ cũng nhận thức rất đúng quan trọng là vay như thế nào, sử dụng có hiệu quả như thế nào và khả năng trả nợ như thế nào. Cho nên, thời gian tới chúng tôi nghĩ quản lý nợ cũng sẽ được tốt hơn. Do đó, chúng tôi nghĩ chúng ta cũng không lạc quan, nhưng cũng không nên quá lo lắng về nợ công, xin Quốc hội cho giữ tỷ lệ nợ công đã trình theo kế hoạch 5 năm, đối với nợ quốc gia là không quá 50%, nợ Chính phủ không quá 53% và nợ công thì khoảng 60-65%”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng : "Hiện nay Bộ GTVT đang phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan và với các địa phương, đặc biệt là với TP.Hà Nội và TP.HCM đang triển khai các giải pháp để giải quyết vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông. Thực ra các giải pháp này chưa có gì gọi là sáng kiến của ngành GTVT mà tất cả đã được đề cập đến trong các văn bản của Đảng, Chính phủ.

Đang có tình trạng các địa phương, nhất là các TP lớn giao khoán lòng đường vỉa hè, thậm chí giao lâu năm, cho các quận, phường để thu ngân sách phường, quận trong khi chúng ta đang thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Nên đề nghị QH xem xét lại việc phân cấp cũng như có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ "trả" lại lòng đường, vỉa hè dành cho giao thông, chứ không coi đó là nguồn thu ngân sách".

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh : "Không có chuyện những dự án không có trong danh mục đầu tư mà vẫn được khởi công, nếu có sẽ bị thu hồi. Cơ bản là các địa phương thực hiện nghiêm túc, nhưng cũng có một số dự án vi phạm mà cũng nhỏ thôi, chủ yếu là các phòng học, kiên cố trường học, chỉ chiếm 2 phần nghìn và tổng vốn chiếm chưa đến 1 phần nghìn. Nguyên nhân là do tiền bố trí rồi nên các địa phương “làm liều”, làm cố. Song lần này Thủ tướng Chính phủ rất nghiêm, sẽ thu hồi số vốn đó”.