Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến: Phát hiện dấu hiệu phạm tội trong các vụ “tín dụng đen”, người dân phải chủ động tố cáo”

26/10/2011
Trước hàng loạt các vụ vỡ nợ liên tiếp xảy ra trong thời gian qua làm rung động dư luận. Hôm qua 25/10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự cho biết “Bộ Công an đang thống kê và đưa ra những biện pháp kiến nghị với Chính phủ khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành”.

- Thưa ông, dưới góc độ của cơ quan điều tra, ông nhận định thế nào trước thực trạng “tín dụng đen” vỡ nợ hàng loạt thời gian qua?

 “Tín dụng đen” đấy là cách gọi thông dụng thôi, thực ra đây là những hoạt động cho vay trong nhân dân lâu nay vẫn đang hình thành. Xét cho cùng đó là do nhu cầu làm ăn nên các vay mượn trong dân diễn ra phổ biến. Vay mượn của cá nhân sau đó chủ yếu đầu tư vào các thị trường bất động sản, tài chính, chứng khoán, vàng. Những thị trường này khi bị tụt giảm đã dẫn đến hậu quả thất bại cho người đầu tư. Và đây chính là nguyên nhân gây vỡ nợ. Qua thống kê, 9 tháng đầu năm có 60 vụ do vay mượn dẫn đến vỡ nợ.

- Có ý kiến cho rằng có một số vụ ngành Công an xử lý có phần chưa kịp thời?

Thực ra cái khó này là do quy định của pháp luật. Bộ luật hình sự hiện quy định người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên (nếu lãi suất ngân hàng là 14% như hiện nay thì phải là 140%) mới bị xử lý hình sự còn dưới mức ấy chỉ có những quy định xử lý hành chính. Hiện tại, đối với vay mượn trong nhân dân lại chưa có những quy định cụ thể để xử lý nghiêm những hoạt động huy động như thế này.

Thực tế, những vụ chúng ta xử lý được là những vụ chúng ta vận dụng vào điều lừa đảo, chiếm dụng tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ban đầu những hành vi đó là quan hệ dân sự, nhưng khi vỡ nợ rồi thì một số hành vi đã chuyển thành hình sự. Vì khi vỡ nợ rồi, họ lại tiếp tục đi vay những đồng tiền để trang trải, trả nợ cho những khoản khác. Lúc ấy, về ý thức họ đã biết mình không còn khả năng trả nợ nữa nếu làm rõ ý thức chủ quan, chúng ta có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm.

- Như vậy, có thể hiểu, xử lý những vụ việc này không cẩn trọng sẽ rơi vào hình sự hóa quan hệ dân sự, thưa ông?

Đúng như vậy, dó đó phải tuỳ từng vụ việc cụ thể để giải quyết chứ gói chung vào một gói thì rất khó.

Thời gian tới, ngành Công an tập hợp tài liệu này, kiến nghị với liên ngành trung ương, và liên ngành cũng đang nghiên cứu để xây dựng thông tư hướng dẫn điều tra xử lý những hành vi vi phạm này. Điều này, sẽ giúp chúng ta cố gắng kiểm soát chặt chẽ các vi phạm để chủ động phòng ngừa.

- Thực tế trong những vụ vỡ nợ, người dân rất ngại trình báo đến công an, vì có tâm lý “vớt vát” được tí nào hay tí ấy. Ông có khuyến cáo gì?

Không phải do tâm lý “vớt vát” mà theo quy định của pháp luật những vấn đề như thế phải được giải quyết bằng dân sự trước tiên với mong muốn có thể thu hồi được một phần tài sản. Còn nếu khi đưa ra tố cáo hình sự, người vay nợ bị bắt giữ hình sự thì việc thu hồi tài sản là rất khó.

Tôi nghĩ, trong điều kiện kinh tế như hiện nay, người dân cho vay dân sự phải hết sức chú ý đến thực trạng huy động lãi suất quá cao để chủ động phòng ngừa. Cứ tin tưởng mà cho vay để vỡ nợ thì rất khó cho cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật. Khi phát hiện dấu hiệu phạm tội, người dân phải chủ động báo cáo, tố cáo với các cơ quan, các cấp để xử lý cho đúng.

Thu Hằng