Chưa hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô
Nhận định về tình hình KTXH năm 2011, Trưởng đoàn ĐBQH Cần Thơ Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, “các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đến nay chưa hoàn thành thể hiện trong kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nền kinh tế vẫn đứng trước những thách thức lớn: lạm phát vẫn cao, dự trữ ngoại tệ mỏng, thanh khoản của 1 số ngân hàng thương mại còn yếu, thị trường chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, đời sống nhân dân, nhất là người lao động làm công ăn lương, người nghèo, đồng bào dân tộc… hết sức khó khăn, hạ tầng đầu tư nhiều nhưng chưa đồng bộ, chưa đạt chuẩn...”.
Cùng một cách đánh giá, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận thấy, tình hình KTXH năm 2011 “lấy hiện nay so với đầu năm thì cải thiện tốt, có tiến bộ, nhưng nói nhẹ thôi chứ thực chất nợ xấu, tính thanh khoản… không chỉ ở mức báo động mà nghiêm trọng hơn nhiều khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm tới 30% thì có thể nói là mất thanh khoản, chứng khoán thì ảm đạm, không biết đến bao giờ mới khôi phục được. Các nhà đầu tư nói nín thở qua thời kỳ này nhưng nếu nhịn thở quá có thể chết luôn”.
Nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (ĐBQH tỉnh Hà Nam) vẫn lý giải sở dĩ chưa hài lòng với những kết quả đạt được vì chúng ta duy trì một mô hình tăng trưởng theo chiều rộng quá lâu. Từ khi đổi mới, chúng ta cần tiền nên tận thu tuyệt đối, từ việc khai thác tài nguyên khoáng sản, một thời dài nới lỏng chính sách tiền tệ, cho vay, đầu tư những công trình mà có thể không thật cần thiết”.
Còn ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cảnh báo: “Mọi nóng lạnh của nền kinh tế thế giới đều dội vào chúng ta cả, cộng với yếu kém nội lực, nền kinh tế càng khó khăn. Giờ chúng ta đặt ra vấn đề dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế, nói thì hay thật đấy, nhưng sao có thể làm trong một sớm một chiều được? Chúng ta chưa thể sớm an ủi nhau về chỉ tiêu tăng trưởng đạt thế là tốt được vì khả năng tăng trưởng của chúng ta trong những tới là không mấy lạc quan đâu. Những khó khăn của chúng ta là chồng chất, nếu không khéo, thì không biết điều gì sẽ xảy ra cho nền kinh tế”.
Trưởng đoàn ĐBQH Hưng Yên Doãn Thế Cường cho rằng, nguyên nhân khiến nền kinh tế gặp nhiều vấn đề chính là “tầm nhìn” trong chỉ đạo, điều hành và qui hoạch. Do thiếu “tầm nhìn” nên đầu tư không hiệu quả, qui hoạch không đáp ứng nhu cầu phát triển, chỉ đạo không quyết liệt nên thực hiện không thống nhất… “đã để lại những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế”.
Phải tái cấu trúc nền kinh tế
Là một trong những giải pháp được nhiều ĐBQH đưa ra nhằm đảm bảo các chỉ tiêu phát triển KTXH trong thời gian tới. Trong đó, các ĐB nhấn mạnh đến tái cấu trúc thị trường tài chính và tâm điểm là hệ thống ngân hàng. Hiện có hơn 100 ngân hàng thương mại là quá nhiều so với qui mô nền kinh tế nên không tránh được những “bê bối” tín dụng, ảnh hưởng xấu đến toàn bộ nền kinh tế đang đương đầu với nhiều khó khăn của thời kỳ khủng hoảng.
ĐB Nguyễn Đình Quyền (TP.Hà Nội) cũng cùng quan điểm và lo ngại: “Một nền kinh tế như Việt Nam mà sinh ra hàng nghìn tổ chức tín dụng thì không bình thường. Các tổ chức tín dụng “đi đêm” trong lãi suất tín dụng mà ngân hàng Nhà nước vẫn không lên tiếng… Rất nhiều vấn đề là do năng lực quản lý yếu kém, chúng ta đi sau nhưng vẫn vấp vào vết xe đổ. Tái cơ cấu là đứng trước sự bất ngờ về vĩ mô thì mới phải tái cơ cấu nền kinh tế”.
Còn ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, “Tái cấu trúc đầu tư trong đó có đầu tư công phải dựa trên 2 nguyên tắc đầu tư trên lãnh vực ngành nào đảm bảo nguồn thu; đầu tư có vốn mới ưu tiên ODA. Tái cấu trúc thị trường tài chính các ngân hàng thương mại. Nói đơn giản nhưng không đơn giản tí nào, đụng tới nó rất nhạy cảm như pha lê dễ vỡ. Tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty nói nhiều nhưng cần làm công khai minh bạch, công bố thông tin… như các doanh nghiệp đăng ký trên thị trường chứng khoán”…
Các ĐBQH cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu KTXH năm 2012 và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011-2015, nhưng đều bày tỏ một “ý nguyện” về việc phải có sự đồng thuận ở Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự thực hiện nghiêm túc của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội.
H.Giang