Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ và Luật Đo lường

24/10/2011
Sáng 21/10, đánh giá cao báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về dự thảo luật Lưu trữ và luật Đo lường, nhưng các ĐBQH vẫn cho rằng, dự thảo 2 luật này vẫn còn nhiều nội dung cần bổ sung, quy định rõ hơn để nâng cao chất lượng của dự thảo luật.

Quản lý hiệu quả tài liệu lưu trữ

Các ĐB đặc biệt quan tâm đến quy định tại khoản 5, Điều 8 của dự thảo luật Lưu trữ về hành vi bị nghiêm cấm “mang tài liệu lưu trữ ra nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” chưa chặt nên khó kiểm soát. Với tốc độ phát triển công nghệ thông tin như hiện nay, chỉ cần ngồi trong nước cũng có thể phát tán tài liệu đi khắp thế giới chứ không nhất thiết phải mang trực tiếp tài liệu ra nước ngoài mới có thể sử dụng được ở nước ngoài. Do vậy, ĐB Trần Thị Thắm (đoàn Cần Thơ) thấy cần có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc tuyên truyền rộng rãi bí mật quốc gia ra thế giới.

Cùng quan điểm, ĐB Đặng Thị Hoàng Yến (đoàn Long An) cho rằng, cần quy định rõ những hành vi phát tán những tài liệu, thông tin lưu trữ bí mật qua mạng internet và công nhận tài liệu lưu trữ trên máy tính là phông lưu trữ quốc gia. Bên cạnh đó, cũng cần có định nghĩa những tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia để khi có vấn đề xảy ra, có thể xác định rõ trách nhiệm. Nếu để qui định chung chung như hiện nay, thì rất khó xác định đúng sai, vi phạm hay không vi phạm.

Hầu hết các ý kiến đều tán thành với quy định của dự thảo Luật về Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam bao gồm Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Ý kiến khác đề nghị chỉ quy định một Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam, trong đó gồm có tất cả các phông lưu trữ khác nhau. Có ý kiến đề nghị quy định thống nhất một cơ quan quản lý tất cả các phông lưu trữ; có ý kiến đề nghị giữ các cơ quan lưu trữ như hiện nay và quy định cơ chế quản lý thống nhất về hoạt động lưu trữ, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ.

Một trong những nội dung khiến nhiều ĐB còn băn khoăn về nội dung dự thảo Luật Lưu trữ sau khi được chỉnh lý là qui định về lưu trữ cấp huyện và xã. ĐB Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) phản ảnh, trách nhiệm lưu trữ cấp xã nhiều hạn chế nhưng dự thảo Luật về trách nhiệm UBND các cấp (nhất là cấp xã) còn chung chung, chưa rõ.

Phân tích về vai trò và vị trí của lưu trữ cấp huyện trong hệ thống lưu trữ quốc gia, ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (đoàn Đắk Nông) đề nghị cần cân nhắc việc bỏ lưu trữ cấp huyện vì lưu trữ cấp huyện có thể đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng tài liệu của người dân. ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình)… nhấn mạnh thêm, lưu trữ cấp huyện có từ 20-25 nguồn nộp lưu, tài liệu lịch sử lưu trữ lớn, nên nếu qui định chuyển hết lưu trữ cấp huyện lên cấp tỉnh sẽ gây ra tình trạng “quá tải” và khó khăn cho việc sử dụng cũng như lưu trữ.

Cân nhắc phạm vi xã hội hóa trong đo lường

Thảo luận về dự thảo Luật Đo lường, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ thêm một số nội dung và quy dịnh sao cho bảo đảm sự thống nhất với pháp luật về phí, xử lý vi phạm hành chính. Nhiều ý kiến đề nghị tăng mức phạt với vi phạm trong đo lường; có quy định cụ thể để có thể hội nhập với quốc tế.

Trong những ý kiến có một số ý kiến tập trung phân tích về Theo ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình), quy định như khoản 3, Điều 5 của dự thảo luật về việc đẩy mạnh xã hội hóa đối với các hoạt động đo lường sau đây: đầu tư thiết lập và duy trì chuẩn đo lường; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; sản xuất chuẩn đo lường, phương tiện đo; đào tạo và tư vấn về đo lường sẽ ảnh hưởng đến công tác đo lường. “Những hoạt động này nên do nhà nước quản lý, kiểm định, sản xuất chứ không nên xã hội hóa, dễ dẫn đến sai lệch” – ĐB Hải đề nghị.

Với quan điểm, xã hội hóa hoạt động đo lường là cần thiết, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đồng ý với ý kiến của ĐB Hải cho rằng, quy định như khoản 3 điều 5 là không phù hợp vì không phải lĩnh vực, công việc nào cũng xã hội hóa mà phải xem yêu cầu, đòi hỏi của từng lĩnh vực, hoạt động để bảo đảm tính chính xác, hiệu quả.

H.Giang