Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm (2011-2015) và Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm (2011-2015)

01/11/2011
Chiều 31/10, thảo luận ở tổ về báo cáo của Chính phủ về chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) 5 năm (2011-2015), chương trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ 5 năm (2011-2015), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tỏ ra không “yên tâm” trước một số vấn đề còn tồn tại….

Cần loại bỏ những chương trình chi đầu tư thường xuyên quá cao

ĐB Lê Văn Hoàng (TP.Đà Nẵng) cho rằng, một trong nhiều vấn đề cần quan tâm trong các CTMTQG là có đến 13 dự án thuộc 13/15 chương trình chi đầu tư thường xuyên của Bộ, ngành, địa phương quá cao (chiếm đến 60-80% nguồn vốn thực hiện Chương trình). “Tình trạng này suốt thời gian dài không khắc phục nên trong giai đoạn tới, Chính phủ cần nghiêm túc xem xét để thực hiện Chương trình hiệu quả hơn. Thậm chí cần loại bỏ, tránh ảnh hưởng đến chương trình để chi đầu tư phát triển.” - ĐB Hoàng đề nghị.

Lấy ví dụ chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững có sự tham gia của 13 Bộ, ngành, áp dụng 68 cơ chế, chính sách, ĐB Hoàng cho rằng “việc đánh giá sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn nhiều “trăn trở” vì Ban Chỉ đạo một số chương trình hoạt động chưa hiệu quả, chưa gắn kết sự chỉ đạo của các ngành, trong phân phối lồng ghép các chương trình, lập kế hoạch, phân bổ vốn.

12 CTMTQG giai đoạn 2006-2010 dù thúc đẩy phát triển xã hội nhưng hiệu quả nhỏ, ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) lo ngại, trong đó có 6 chương trình chuyển tiếp từ giai đoạn 2001-2005. Như vậy, quá trình thực hiện chưa đạt hiệu quả mong muốn, giải ngân vốn chưa cao, dự án nhỏ nên khó bố trí vốn. Chương trình ở địa phương nhiều nhưng chưa được đầu tư thỏa đáng vì thường bố trí theo chương trình của bộ, ngành.

Cũng cùng trăn trở như ĐB Hoàng, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP.Hà Nội) nhận thấy, thực hiện các chương trình còn thiếu sự gắn kết các chương trình, hầu như mỗi chương trình là sự hoạt động riêng lẻ của các bộ, ngành địa phương. Nhiều chương trình đã được thực hiện ở các địa phương còn sử dụng nguồn vốn lãng phí, không có tính bền vững, còn mang tính trùng lặp, hiệu quả thấp… dù “chúng ta đã đổ một lượng tiền lớn vào các chương trình này”.

Trong khi ĐB Lê Minh Hoàng kiến nghị nên đưa vào CTMTQG vấn đề khắc phục ô nhiễm môi trường thì ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) đề nghị lưu ý đưa thêm một số nội dung khác như phòng chống tội phạm ma túy, phòng chống tội phạm nói chung, xây dựng nông thôn mới… vào CTMTQG để huy động toàn hệ thống chính trị và xã hội tham gia.

Vốn trái phiếu Chính phủ ưu tiên những dự án còn dang dở

ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) cho rằng, chương trình vốn trái phiếu của Chính phủ giai đoạn 2011-2015 có nhiều yếu tố mới, khả thi, phù hợp với cơ cấu kinh tế hiệu quả, chất lượng. Nhiều dự án dùng vốn trái phiếu Chính phủ không có hiệu quả trước mắt, mà lâu dài. Nên nâng được hiệu quả dự án này thì hiệu quả xã hội sẽ rất cao. Việc phân bổ vốn “không nhất thiết “cứng nhắc” theo nguyên tắc phân bổ vốn mà cần cân nhắc theo mặt bằng chung để đánh giá hiệu quả dự án khi quyết định đầu tư (cân đối giữa khối lượng hoàn thành và mục tiêu dự án).” – ĐB Quỳnh đề nghị.

Đánh giá hiệu quả của vốn trái phiếu Chính phủ đã góp phần hoàn thành nhiều dự án đường giao thông, thủy lợi quan trọng, tái định cư, kiên cố hóa trường lớp học, ký túc xá cho sinh viên... đã tạo thúc đẩy kinh tế xã hội cả nước, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) bày tỏ sự nhất trí với các nguyên tắc bố trí vốn cho các dự án như kế hoạch của Chính phủ.

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cơ bản đánh giá, những chương trình sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ đem lại hiệu quả thiết thực. Nguồn trái phiếu Chính phủ đã bổ sung lượng vốn lớn, hoàn thành nhiều dự án dân sinh bức xúc. Nhưng “cơ cấu dự án, việc sử dụng nguồn vốn tính hiệu quả vẫn chưa cao, chính điều này đã góp phần làm cho lạm phát tăng cao thời gian qua”.

Do vậy, ĐB Hường cho rằng, những năm tới, nhu cầu nguồn vốn lớn, trong khi đó vốn ngày càng hạn hẹp, nên cần tập trung bố trí cho các dự án đang làm nhưng còn dang dở. Ưu tiên vốn cho dự án cần hoàn thành trong năm 2012, tuy nhiên đó phải là dự án phục vụ ngay cho nhu cầu dân sinh bức xúc.

Bên cạnh đó cần rà soát lại danh mục đầu tư của các dự án là việc làm quan trọng. Cần nhấn mạnh trách nhiệm chính quyền địa phương, bộ ban ngành nếu các đơn vị này đề nghị xây dựng dự án tránh trường hợp đầu tư lãng phí. “Phải cắt khúc trách nhiệm của từng cơ quan đến đâu để quy trách nhiệm chứ không mãi đổ cho công tác giải phóng mặt bằng, để cuối cùng tiền đổ vào rồi nhưng dự án cứ “đắp chiếu” – ĐB Hường kiến nghị.

Nếu nguồn tiền ít mà rải đều tất cả 16 chương trình thì chẳng chương trình nào hiệu quả dẫn đến việc đất nước đã nghèo càng nghèo. Phải đầu tư thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất….

H.Giang