“Hiến” môi trường cho phát triển kinh tế
Với nhận định, “làng nghề là tương lai của nông thôn, nông nghiệp Việt Nam, nhưng hiện mới chỉ tạo điều kiện để dân giàu chứ chưa tạo ra nước mạnh”, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, nguyên nhân là nhiều DN đã “trá hình” bằng cách “đội lốt” cơ sở sản xuất trong làng nghề để trốn thuế, nhiều vấn nạn xã hội cũng lấy lý do “làng nghề” để phát triển như thất học, sản xuất hàng giả, hàng nhái….
Hậu quả là sản xuất nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy làm” nên không có cơ chế tập trung trong bảo vệ môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường. ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho rằng, chính sự phát triển làng nghề tràn lan, thiếu khoa học, tiêu chí cụ thể như hiện nay đã khiến môi trường làng nghề bị ô nhiễm nặng.
Cũng như ý kiến của nhiều ĐB khác, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận thấy, một trong những nguyên nhân của tình trạng “tàn phá không thương tiếc” môi trường KKT và làng nghề hiện nay là chưa có hệ thống văn bản pháp luật và chế tài đủ mạnh để xử lý và buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, do chưa xác định rõ trách nhiệm cua Bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc quản lý môi trường KKT, làng nghề, dẫn đến tình trạng “ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm khi có sự cố môi trường xảy ra”. Vì thế, “trong thực tế nhiều doanh nghiệp vi phạm qui định về bảo vệ môi trường nhưng việc kiểm tra, xử lý không “đến nơi đến chốn” nên tình hình ngày xấu đi” - ĐB Sơn phản ánh.
Các ĐBQH cũng chỉ ra, không hiếm địa phương vì muốn thu hút đầu tư nên đã “buông lỏng” yêu cầu về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án mới. Nên các chủ đầu tư chỉ làm “cho hoàn thiện hồ sơ” khiến môi trường chịu hậu quả nặng nề.
Giám sát sâu hơn nữa về vấn đề môi trường
Lo ngại cho “số phận” môi trường tại các KKT và làng nghề, đa số các ĐBQH đề nghị cần tiếp tục giám sát sâu hơn nữa về vấn đề môi trường, trong đó có môi trường làng nghề, KKT, không thể “phát triển kinh tế bằng mọi giá mà bỏ quên môi trường sinh thái”. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) còn đề nghị, phải giảm sát cả môi trường ở cả cụm công nghiệp, chứ không chỉ KKT và làng nghề vì thực tế, ảnh hưởng môi trường người dân phần nhiều là từ các khu và cụm công nghiệp, nhất là khi cụm công nghiệp không có điều kiện để giải quyết ô nhiễm môi trường.
Xử lý tình trạng nhỏ lẻ, cản trở các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, theo ĐB Sơn, cần chấm dứt hoạt động của một số làng nghề nhất định, đưa các làng nghề vào các cụm công nghiệp không để lẫn trong các khu dân cư “để làng nghề mới phát triển được”, cũng như đảm bảo kiểm soát được vấn đề xử thải, ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ra.
Nhiều ĐBQH đề nghị sửa luật môi trường, và tăng chi phí ngân sách cho xử lý môi trường từ 1% lên thành 2% và “phải công bố công khai doanh nghiệp vi phạm môi trường, người tiêu dùng phải tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp gây ô nhiễm, có như vậy mới tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, khiến họ phải quan tâm đầu tư thỏa đáng cho bảo vệ môi trường” - ĐB Thông kiến nghị.
Tương tự, đặt “trách nhiệm” bảo vê môi trường KKT, làng nghề cho hệ thống VBQPPL, ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đề nghị phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung các VBQPPL về môi trường, lưu ý đến cảnh báo của Bộ Công an là vi phạm xảy ra phổ biến, nhưng xử lý còn nhẹ. Qui định rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong bảo vệ môi trường, cơ quan nào thẩm định phê duyệt dự án thì phải chịu trách nhiệm đến cùng về vi phạm xảy ra./.
Hương Giang