Đề án bình chọn danh hiệu “Hãng luật và luật sư”: Sôi nổi hiến kế hoàn thiện

14/07/2011
…“Nên có danh hiệu “Hãng luật, LS triển vọng”, đưa khách hàng của các hãng luật, LS vào bộ mẫu để đánh giá tiêu chí, rồi Hội đồng bình chọn cần có đại diện của Cơ quan Điều tra…” Đó là một vài trong nhiều ý kiến đóng góp tại Hội thảo hoàn thiện Đề án bình chọn danh hiệu “Hãng luật và luật sư của năm” lần thứ hai do Báo PLVN tổ chức ngày 13/7 tại TP.HCM.

Đồng tình và hiến kế

LS Trần Thị Quang Vinh (nguyên phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) khẳng định: “Ý tưởng xây dựng “Chương trình bình chọn danh hiệu “Hãng luật và luật sư của năm” là ý tưởng xác đáng - những LS chúng tôi biết ơn Ban tổ chức bởi đó là động lực để giới LS nỗ lực hơn trong nghề nghiệp, đặc biệt là đối với những người “lấy công lý” làm trọng. Tôi nhiệt liệt ủng hộ và hoan nghênh.” LS Trần Công Ly Tao - Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM - hoan nghênh báo PLVN tổ chức chương trình, đồng tình với LS Vinh về thời gian 3 năm bình chọn một lần: “Tôi đề nghị nên đặt tên gọi là “Tôn vinh tổ chức hành nghề LS, LS”. Còn Hội đồng bình chọn phải là những người công tác tại VKSNDTC, TANDTC và kể cả Cơ quan Điều tra – Bộ Công an; cần chọn những người am hiểu nghề LS” – LS Tao góp ý.

Còn đại diện VPLS Lê Nguyễn chỉ ra rằng, để việc đánh giá được khách quan thì nên đưa khách hàng vào trong phần mẫu tiêu chí đánh giá vì bản thân khách hàng của LS chính là những người đánh giá được những gì mà LS đã mang lại cho họ. Có ý kiến cho rằng đề án cần thêm “âm hưởng” của cuộc sống, đó là tiếng nói của những người sử dụng dịch vụ - cộng đồng. Một giải thưởng sẽ có sức sống hơn khi được cộng đồng chia sẻ. Ý kiến này đã được nhiều đại biểu đồng tình.

Đề cử danh hiệu: “Hãng luật và LS triển vọng”

Ông Phan Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Nai - nêu ý: “Đã tôn vinh danh hiệu thì phải có trao giải thưởng, tôn vinh mà không có thưởng thì rất buồn”, “Tôn vinh và trao giải thưởng cho Hãng luật và LS” là tên gọi mà ông Châu góp ý hội thảo. Ông cho rằng hội đồng bình chọn của chương trình khi đưa ra thành phần cần bảo đảm sự tương đồng giữa các ngành với nhau (Bộ Tư pháp, VKSNDTC, TANDTC, Liên đoàn LSVN…).

Về quy trình xem xét bình chọn, ông Châu và LS Lưu Văn Tám – Đoàn LS BR-VT cho rằng, cần thông qua địa phương và Đoàn LS, tránh trường hợp đạt danh hiệu của Ban tổ chức nhưng ở địa phương lại “ vấn đề”. Đặc biệt, nên cân nhắc mở rộng số lượng hãng LS, LS được tôn vinh, chỉ xét 5 thôi thì quá ít so với gần 6000 LS của cả nước, vì muốn phấn đấu cũng thấy quá khó.  

Thạc sỹ Trịnh Anh Nguyên, Giám đốc Trung tâm đào tạo ngắn hạn - Trường ĐH Luật TP.HCM góp lời: Nên chăng đưa thêm danh hiệu “Hãng luật và LS triển vọng” vì  mới thành lập thì không thể có được kết quả trong nhiều năm. Nếu có danh hiệu cho họ thì đây là sự động viên, khuyến khích để họ làm tốt trong tương lai.

Đánh giá trên nhiều tiêu chí

LS Nguyễn Thị Cam - Cty Đất Luật - tỏ ra yêu nghề khi cho rằng, có những LS không xem trọng số lượng vụ việc và doanh thu mà quan tâm đến công việc của mình như mang ý nghĩa cao đẹp cho công lý, cũng không loại trừ có những LS hoạt động vì lý tưởng “hiệp sỹ”… Họ làm từ thiện, làm nghề với hiệu quả cho khách hàng và xã hội, nhưng làm một cách âm thầm, thì sao đánh giá được(?!) Ý kiến này được ông Võ Minh Thành – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Long An - tiếp lời, nên có sự đề cử từ các tổ chức (MTTQ, các cơ quan quản lý Nhà nước…). Đồng tình với LS Cam, LS Huỳnh Phước Hiệp nói, có những LS làm việc thầm lặng giúp dân tránh được nhiều rủi ro, họ không muốn “đao to, búa lớn”, tích cực ở những “Ngày pháp luật” ở các địa phương… thì sẽ khó ghi nhận những công lao của họ. LS Nguyễn Đức, Đoàn LS Bình Phước cho rằng doanh thu và số lượng vụ việc chỉ là một phần trong việc đánh giá tổ chức hành nghề đó hoạt động tốt hay không, chứ không mang tính quyết định. Bởi lẽ, hoạt động hành nghề luật sư là một hoạt động đặc thù, trong đó chất lượng dịch vụ mới quan trọng nhất. Chất lượng dịch vụ có thể thể hiện qua các nội dung: Chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức hành nghề, hiệu quả công việc, văn hóa ứng xử luật sư, việc tuân thủ pháp luật, hiệu quả công việc… mỗi nội dung nên có một thang điểm riêng…/.

Phong Trần

Công khai, minh bạch quy trình bình chọn

TS Nguyễn Thái Phúc – Vụ trưởng, trưởng Cơ quan Đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM: Bản chất 3 tiêu chí trong đề án đã phản ánh đúng chỉ cần cụ thể, chính xác nữa là hoàn chỉnh…Vấn đề là điều chỉnh tỷ lệ thang điểm giữa 3 tiêu chí, không nên nhấn mạnh quá vào tiêu chí doanh thu, vì đây chưa phải là tiêu chí số một… Cần một quy trình, trình tự công khai, minh bạch thì sẽ không dẫn đến sai lệch, gây mất uy tín cho chương trình bình chọn… Bộ tiêu chí chỉ mang tính chất khái quát, còn quy chế thì mỗi năm sẽ thay đổi chứ không nên “cứng”!

 

Cần làm một “cái gì đó”!

Đó là suy nghĩ có ý nghĩa thiết thực cho nghề luật sư Việt Nam của  TS Đào Văn Hội - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam - chia sẻ tại hội thảo. TS Hội “quyết” tổ chức bằng được chương trình bình chọn để lựa chọn các tổ chức, cá nhân luật sư có hoạt động hiệu quả nhất.

Chương trình bình chọn đã nhận được sự đồng tình của nhiều cơ quan, tổ chức, đặc biệt là Lãnh đạo Bộ Tư pháp. Theo đó, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Vụ Bổ trợ tư pháp phối hợp với Báo thực hiện chương trình này. Báo đã mời Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam cùng phối hợp tổ chức để đảm bảo chất lượng của danh hiệu. Lần lượt các luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có uy tín trong lĩnh vực tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng đã đăng ký tham gia chương trình. Các tổ chức luật sư tên tuổi như Cty Vilaf Hồng Đức, Cty Invest Consult, Cty Vision and Associates, Luật Việt, Cty luật Baker and Mc Kenzie Việt Nam, Cty YKVN… và các luật sư như Luật sư Lê Thành Kính, Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Luật sư Đỗ Trọng Hải… đã có tên trong danh sách hàng chục tổ chức hành nghề và luật sư tham gia, “phá tan” những hoài nghi không đáng có về chương trình.