Hội thảo về xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho luật sư

13/07/2011
Hội thảo về xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho luật sư
Sáng nay - 13/7, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Luật sư Canada đã khai mạc Hội thảo quốc tế về xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho Luật sư do Liên đoàn Luật sư (LĐLS) Việt Nam tại Hà Nội.

Đây là hoạt động được Chính phủ Canada tài trợ thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Canada (CIDA) và chương trình Đối tác Tư pháp (JPP) do Chính phủ Đan Mạch, Thụy Điển, Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Hội thảo cũng sẽ góp phần củng cố vai trò, vị trí của LĐLS Việt Nam trong việc tập hợp, đoàn kết giới LS cùng chung sức xây dựng LĐ vững mạnh.

Tại Hội thảo, các LS Việt Nam, Campuchia, Lào và Canada đã nêu lên các cơ sở khoa học và thực tiễn về việc xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho LS nhằm góp phần nâng cao chất lượng hành nghề của LS.

LĐLS hy vọng, qua việc tập trung thảo luận về thực trạng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho LS ở Việt Nam, so sánh với chương trình ở một số nước, các LS sẽ đưa ra được định hướng cho việc xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho LS để phù hợp với thực trạng về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm hành nghề và trình độ của mỗi LS trước yêu cầu và xu hướng xây dựng và phát triển nghề LS ở Việt Nam, nhằm xây dựng chiến lược phát triển nghề LS đông về số lượng, mạnh về chất lượng đáp ứng các yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý của LS đối với xã hội.

Thực tiễn cho thấy, xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho LS đòi hỏi phải luôn xuất phát từ trình độ và yêu cầu hành nghề LS ở các lĩnh vực khác nhau trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng mới đảm bảo chất lượng và hiệu quả công tác bồi dưỡng LS. Đó cũng là kinh nghiệm mà bà Avia Rotenberg (Hội Luật gia Canada) trao đổi từ thực tiễn ở Canada. Song “cần có sự hợp tác giữa LĐ và các LS theo tinh thần cầu thị, nhất là trong điều kiện LĐ mới được thành lập, đang hạn chế về nguồn lực” để đảm bảo hiệu quả của các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ cho LS do LĐLS tổ chức.

Còn ở Campuchia, ngoài nền tảng kiến thức từ các khóa đào tạo, LS phải thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ để cập nhật kiến thức mới, cùng trao đổi giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình hành nghề. Vì như Chủ tịch Đoàn LS Campuchia Chiv Song Hak chia sẻ, “học tập đào tạo chỉ cung cấp được 30% kiến thức, 70% còn lại có được là qua các khóa bồi dưỡng thường xuyên”.

Phó Chủ tịch LĐLS Việt Nam Nguyễn Văn Thảo khẳng định, LĐ rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng theo nhiều kênh như thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ LS, thực hiện nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về bồi dưỡng… Hiện do Trung tâm mới thành lập nên chưa có nhiều hoạt động nhưng dự kiến từ sang năm, LĐ sẽ tổ chức khoảng 10 khóa bồi dưỡng thường xuyên/năm, cùng với các lớp bồi dưỡng chuyên đề cho LS cả nước. Đồng thời, LĐ cũng đang dự thảo Quy chế nghĩa vụ học tập của LS, với chương trình bồi dưỡng có phân loại theo đối tượng: LS trẻ, LS từ cơ quan tiến hành tố tụng chuyển sang, LS có kinh nghiệm lâu năm.

Những ý kiến được đưa ra tại Hội thảo sẽ được LĐLS Việt Nam, ĐLS Campuchia và Lào tham khảo để xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho LS cho những năm tiếp theo.

H.Giang