Lai Châu: Chung sức phát triển trợ giúp lưu động

23/06/2011
Để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) cho các đối tượng được trợ giúp theo quy định, cùng với vai trò tích cực, quan trọng của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lai Châu thì không thể không kể tới sự đóng góp, nỗ lực của các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh.

TGPL lưu động về cơ sở là hình thức TGPL phù hợp với từng địa bàn, được tiến hành qua khảo sát, tiếp thu, tổng hợp những vấn đề nhân dân quan tâm. Vì vậy, các buổi tư vấn, TGPL lưu động được chuẩn bị nội dung sát thực tế, có tác dụng đi sâu và phát huy hiệu quả trong đời sống nhân dân, góp phần làm giảm tình trạng khiếu kiện, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thực hiện TGPL lưu động đến 10 xã với 40 bản theo các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân - gia đình, đất đai, chế độ chính sách… Các đợt TGPL lưu động ưu tiên lựa chọn các xã vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, nơi có nhiều thắc mắc của nhân dân như các xã của huyện Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ. Chẳng hạn, thực hiện đợt cao điểm phục vụ cho công tác bầu cử, Trung tâm đã cử 2 đoàn công tác TGPL lưu động tại 2 xã Dào San và Mù Sang của huyện Phong Thổ - là 2 xã biên giới với gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Hình thức TGPL lưu động được Hội Nông dân tỉnh Lai Châu coi là một cách thức tuyên truyền pháp luật khá hiệu quả. Các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với ngành Tư pháp, Công an, Tài nguyên môi tr­ường, Ban A toàn giao thông tỉnh... tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, TGPL tập trung ở những nơi giải toả đền bù đất đai để xây dựng các công trình công cộng, xây dựng thuỷ điện; những nơi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện và nơi vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí còn thấp... Mỗi cuộc lưu động luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo hội viên, nông dân.

Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị, các buổi tập huấn thì các đợt tư vấn pháp luật, TGPL lưu động tại các xã, thôn, bản cũng là một trong những hình thức hiệu quả để Hội Luật gia tỉnh Lai Châu làm tốt công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật cho người dân. Hội đã tư vấn trực tiếp cho nhân dân một số địa phương, cơ sở về các lĩnh vực pháp luật như Luật Giao thông đường bộ, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Đất đai, pháp luật hình sự, dân sự, hôn nhân – gia đình…

Kết quả, Hội Luật gia tỉnh đã mở 18 hội nghị tập huấn và phổ biến kiến thức pháp luật cho 810 lượt là bí thư chi đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội phụ nữ, Chủ tịch hội đồng nhân dân, trưởng các thôn bản; 135 hội viên là lãnh đạo tại UBND và các Ban, ngành tỉnh. Bên cạnh đó, Hội cũng đã tư vấn pháp luật cho trên 15.000 lượt người và trợ giúp lưu động được 15 lượt tại các xã, thôn, bản khó khăn, vùng nhiều dân tộc thiểu số sinh sống hoặc có nhiều tụ điểm, tệ nạn phức tạp; trong đó đã TGPL được 628 vụ việc liên quan đến các việc hành chính, chế độ chính sách, đất đai.

Các Chi hội cũng đã tích cực tham gia tư vấn, TGPL như tham gia bào chữa 324 vụ việc cho 344 đối tượng nghèo và gia đình chính sách; tư vấn phát luật 151 vụ việc liên quan đến công tác thi hành án tại cơ sở. Qua hoạt động xét xử lưu động của ngành toà án, các hội viên là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của Hội đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho hàng trăm lượt người dân trong toàn tỉnh Lai Châu. 

Cẩm Vân