Tiếp tục đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên tại Học viện Tư pháp, quyết tâm xây dựng Học viện thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh Tư pháp

03/06/2011
Ngày 30/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Phiên họp 24 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban Chỉ đạo. Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến chính thức về Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp.

Tờ trình của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp (sau đây gọi tắt là “Đề án”) nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung đầu mối đào tạo các chức danh tư pháp, tiếp tục đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên tại Học viện Tư pháp để thực hiện nghiêm chủ trương của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW; tạo điều kiện trang bị mặt bằng kiến thức chung về chuyên môn, nghiệp vụ cho Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, là những người trực tiếp tham gia tố tụng, cùng giải quyết một vụ án, vụ việc, tạo cơ sở thực hiện chủ trương trong các Nghị quyết của Đảng về việc mở rộng, nâng cao chất lượng tranh tụng tại Tòa án, góp phần làm cho hoạt động tố tụng ngày càng chuyên nghiệp hơn, nhanh chóng hơn, tiết kiệm chi phí tố tụng cho Nhà nước và xã hội, đồng thời mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên từ Luật sư, góp phần phục vụ việc luân chuyển giữa các chức danh này, đồng thời tạo điều kiện tập trung các nguồn lực từ giảng viên, giáo trình, tài liệu đến cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo.

Để tạo chuyển biến căn bản trong hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp, Đề án đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, mà trọng tâm là đổi mới mô hình đào tạo hiện nay theo hướng tổ chức kỳ thi tuyển tư pháp quốc gia để lựa chọn những người giỏi vào đào tạo nguồn bổ nhiệm chức danh tư pháp; thực hiện việc đào tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư theo một chương trình chung. Riêng đối với cán bộ đã có trong biên chế các cơ quan tư pháp thì vẫn do các ngành cử đi học. Trong mô hình này, hằng năm sẽ tổ chức kỳ thi tuyển tư pháp quốc gia để lựa chọn học viên từ những cử nhân luật giỏi, tâm huyết với các nghề tư pháp nhằm đào tạo được một đội ngũ cán bộ trẻ, chuyên nghiệp, có trình độ cao, làm nguồn bổ nhiệm các chức danh tư pháp. Sau khi trúng tuyển, học viên đào tạo nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư sẽ được đào tạo theo một chương trình nhằm trang bị mặt bằng chung về chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy vậy, việc đổi mới mô hình đào tạo là một vấn đề lớn, cần phải có lộ trình và các bước đi thích hợp. Đề án xác định lộ trình từ nay đến năm 2013 cần chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết để tiến hành thí điểm thi tuyển và đào tạo chung Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư cho khoảng 100 người. 

Phát biểu tại Phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đều khẳng định sự cần thiết phải xây dựng Đề án, cơ bản tán thành với những nội dung chính của Đề án. Về vấn đề đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên tại Học viện Tư pháp, mặc dù Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giữ quan điểm được đào tạo riêng Thẩm phán, Kiểm sát viên trong các cơ sở đào tạo của ngành mình, nhưng tuyệt đại đa số các thành viên Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đều nhất trí với việc tiếp tục đào tạo tập trung Thẩm phán, Kiểm sát viên tại Học viện Tư pháp, nhất trí phải nâng cao vị thế của Học viện thành Học viện Tư pháp Quốc gia để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp giữa các ngành trong thời gian qua, tạo tiền đề xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp như nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW.

Liên quan đến hoạt động đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương kết luận cần tiếp tục thực hiện chủ trương tập trung đào tạo Thẩm phán, Kiểm sát viên tại Học viện Tư pháp; các ngành chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ cho ngành mình, đồng thời phải xây dựng cơ chế đặc thù cho hoạt động đào tạo của Học viện, góp phần xây dựng Học viện Tư pháp thực sự trở thành Trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp của đất nước.

PV