Ký họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII: 11 ngày cho xem xét, quyết định nhân sự cấp cao

03/06/2011
Dự kiến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIII sẽ diễn ra trong vòng 13,5 ngày, trong đó có đến 11 ngày dành cho việc xem xét, quyết định các vấn đề nhân sự cấp cao.

Ngày 1/6, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phiên họp thứ 40 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp nghe báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; cho ý kiến vào chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII.

Nên có thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội

Về nội dung kỳ họp thứ nhất dự kiến khai mạc vào ngày 21/7 tới, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho biết: Tại phiên họp thứ 39 vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ nhất chủ yếu tập trung cho công tác tổ chức, nhân sự và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác, trong đó có tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011.

Do đó, theo ông Đàn, đề nghị tại kỳ họp này, bố trí để Chính phủ báo cáo, Quốc hội dành một buổi thảo luận tại tổ và 1 ngày thảo luận tại hội trường về nội dung nêu trên.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển thì chỉ nên dừng ở việc Chính phủ báo cáo và Uỷ ban Kinh tế thẩm tra để cung cấp thông tin cho Đại biểu Quốc hội. Theo ông Hiển, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XII (diễn ra vào tháng 10 /2010) vấn đề này đã thảo luận. “Nếu tình hình không có gì mới thì không cần thảo luận thêm. Nếu có thảo luận mà không ra Nghị quyết thì cũng không có giá trị”.

Không đồng ý, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền lại cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội hiện đang diễn biến phức tạp với giá cả, lạm phát tăng cao. “Tình hình như vậy mà Quốc hội không bàn thì cũng không nên. Chính phủ khoá tới cũng cần phải lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội  mới và đại biểu tái cử.”

Chủ tịch Hội đồng dân tộc KSoPhước đồng tình: Đại biểu Quốc hội khi “ngồi” vào cái “ghế” đó là phải làm nhiệm vụ ngay, không phải dành thời gian để làm quen, do đó trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay cần phải có thời gian thảo luận.

Quốc hội bàn và đưa ra giải pháp về tình hình kinh tế hiện nay, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu là mong mỏi của nhiều cử tri trên cả nước. “Nếu có những chủ trương, quyết sách mới thì có thể ra Nghị quyết riêng. Việc thảo luận là cần thiết và nên truyền hình trực tiếp cho cử tri theo dõi”. Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Công tác chuẩn bị phải chu đáo

Về công tác xây dựng pháp luật, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho biết: Chính phủ đã có văn bản đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học sang kỳ họp thứ hai để có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ hơn, nên đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa đưa vào dự kiến chương trình kỳ họp lần này. Nhiều ý kiến đồng tình với đề nghị này, nhằm có thời gian cho Chính phủ chuẩn bị kỹ hơn các dự án luật.

Phát biểu tại phiêp họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: kỳ họp đầu tiên Quốc hội khoá mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, do đó công tác chuẩn bị phải đặc biệt chu đáo. “Một trong ba nội dung lớn là phải làm tốt công tác nhân sự, đây là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu, có tính chất quyết định” Chủ tịch cũng nêu rõ: Nhiệm vụ xem xét tình hình kinh tế - xã hội dứt khoát phải làm, ngoài ra còn xem xét và thông qua chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh toàn khoá và năm 2012. Chủ tịch cũng yêu cầu cơ quan chức năng sớm có báo cáo về các nội dung nói trên để còn có thời gian cho việc thẩm tra.

Thu Hằng