Ngày 31 tháng 5 năm 2011 Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang có Công văn số 181/STP-HCTP đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính cho công chứng viên Phòng công chứng thi nâng ngạch lương. Đây là một vấn đề cần được xem xét và giải quyết đối với ngạch lương của công chứng viên mà từ nhiều năm nay công chứng viên các Phòng công chứng Nhà nước đang chịu sự thiệt thòi do quy định chưa hợp lý đối với ngạch lương công chứng viên.
Theo quy định về thang bảng lương thì: "Công chứng viên được hưởng lương theo chế độ chuyên viên". Nếu theo chế độ chuyên viên thì có ba ngạch bậc là : chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp nhưng khi chuyển sang hệ số lương hành chính sự nghiệp tại Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993, lương của công chứng viên chỉ được quy định cứng trong khung hưởng mã số 03.019 ngạch lương chuyên viên mà không được chuyển tiếp hệ số lương chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp. Từ đó, dẫn đến sự thiệt thòi, bất cập đối với lương công chứng viên các Phòng công chứng Nhà nước, năm 2000 Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 về công chứng, chứng thực có quy định về vấn đề lương của công chứng viên như sau: "Công chứng viên được hưởng chế độ lương tương xứng với trách nhiệm nghề nghiệp của mình. Chính phủ quy định chế độ lương đối với công chứng viên”. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã phối hợp với một số Bộ, Ban ngành đề xuất chuyển đổi ngạch bậc lương của công chứng viên nhưng chưa được các cơ quan thống nhất. Xét thấy sự thiệt thòi, bất cập đối với lương công chứng viên các Phòng công chứng, năm 2005 Bộ Tư pháp đã có báo cáo và đề nghị tăng phụ cấp trách nhiệm cho công chứng viên Phòng công chứng và được chấp nhận. Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 233/2005/QĐ-TTg ngày 26.9.2005 cho công chứng viên được hưởng chế độ phụ cấp theo nghề 15% là sự động viên rất lớn cho những người làm công tác công chứng, góp phần tạo điều kiện cho công chứng viên an tâm công tác và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong khi thi hành nhiệm vụ.
Nhưng, cũng từ đó đến nay, ngoài chế độ phụ cấp 15% thì lương của công chứng viên các Phòng công chứng vẫn chưa có quy định nào khác về việc chuyển ngạch bậc lương, công chứng viên các Phòng công chứng vẫn phải chịu sự hạn chế trong ngạch chuyên viên mà không được thi chuyển ngạch như ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc các ngạch tương đương với ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp nhưng dành cho công chứng viên. Trong khi đó trách nhiệm công chứng viên rất lớn, tại các quy phạm pháp luật về công chứng đều quy định công chứng viên phải "Chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng.". Mặt khác, theo quy định thì tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên đòi hỏi rất cao, phải có thời gian công tác pháp luật là 5 năm, ngoài bằng cử nhân luật trở lên còn phải có chứng chỉ hành nghề công chứng ( đào tạo 6 tháng), sau khi có chứng chỉ đào tạo nghề công chứng người được đề nghị bổ nhiệm công chứng viên còn trải qua thời gian tập sự là 12 tháng mới đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm công chứng viên. Hiện nay, một số công chứng viên đã có thời gian công tác hơn 20 năm trong nghề, có bằng cử nhân Luật tại Liên Xô, cộng hoà dân chủ Đức, Ba Lan hiện đang là tiến sĩ luật, thạc sĩ luật và kiêm nhiệm giảng dạy tại Học viện tư pháp và một số cơ sở đào tạo khác nhưng khi hết ngạch lương chuyên viên vẫn không được thi chuyển lên ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp dẫn đến sự thiệt thòi về chế độ lương đối với đội ngũ công chứng viên của các Phòng công chứng.
Luật Công chứng được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 ban hành năm 2006 đã có thay đổi đối với công chứng viên. Theo quy định của Luật thì công chứng viên có hai loại: công chứng viên của Phòng Công chứng (là viên chức nhà nước) và công chứng viên thuộc Văn phòng Công chứng (không phải là viên chức nhà nước). Số lượng công chứng viên các Văn phòng công chứng sau hơn bốn năm kể từ khi có Luật công chứng đến nay phát triển gần bằng công chứng viên hơn hai mươi năm từ khi có các Phòng công chứng. Tính đến thời điểm hiện nay (tháng 6 năm 2011) số lượng công chứng viên các Phòng công chứng chỉ có 437 công chứng viên. Chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với công chứng viên các Phòng công chứng là 15% đã không thực sự còn là nguồn động viên, khuyến khích đối với công chứng viên các Phòng công chứng yên tâm công tác. Vì vậy, một số công chứng viên đã chuyển công tác sang các cơ quan nhà nước khác hoặc xin thôi việc ở Phòng công chứng để ra mở Văn phòng công chứng tại các tỉnh, thành phố dẫn đến gây sự thiếu hụt công chứng viên của các Phòng công chứng nhất là ở những địa bàn các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Từ khi Luật công chứng được ban hành, hoạt động của các Phòng công chứng đang từng bước chuyển dần sang theo xu hướng xã hội hoá khi đủ điều kiện. Do vậy, số lượng công chứng viên trong thời gian tới chỉ còn lại rất ít tại các Phòng công chứng khi chưa có điều kiện chuyển đổi ở vùng sâu, vùng xa như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, các tỉnh Tây nguyên, Đồng bằng Nam, Trung bộ vv.... Để động viên công chứng viên các Phòng công chứng ổn định tư tưởng, yên tâm công tác phục vụ nhân dân ở những nơi không có người muốn đầu tư để mở Văn phòng công chứng thì cần có chính sách sửa đổi ngạch lương cho công chứng viên các Phòng công chứng. Hãy để cho công chứng viên các Phòng công chứng được thi nâng ngạch lương khi đủ tiêu chuẩn. Hiện tại cũng đã có một số địa phương nhận thấy sự bất cập nêu trên nên vận dụng giải quyết cho các công chứng viên Phòng công chứng thi chuyển ngạch. Nhưng còn rất nhiều địa phương, khi xét cho thi chuyển ngạch lương của cán bộ công chức, viên chức của địa phương hàng năm thì các công chứng viên mặc dù có đủ điều kiện vẫn không được thi ( ví dụ như Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang có Công văn gửi Bộ Tư pháp và một số địa phương khác ).
Thực tế cho thấy, việc duy trì chế độ phụ cấp trách nhiệm nghề đối với chức danh công chứng viên các phòng công chứng là cần thiết, bởi đây là đặc thù nghề nghiệp. Tuy nhiên, không quy định cho công chứng viên được chuyển đổi ngạch lương mà chỉ bó buộc suốt đời công tác trong ngạch lương chuyên viên là một vấn đề cần nên xem xét lại.
Nhất trí với đề xuất của Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính trong phạm vi trách nhiệm của mình cần phối hợp với Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung ngạch lương cho công chứng viên các Phòng công chứng. Cần có quy định cho công chứng viên các Phòng công chứng được thi chuyển ngạch lương khi đủ tiêu chuẩn và điều kiện để đội ngũ cán bộ này yên tâm công tác.
PT