Đề xuất thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp

04/07/2011
Chiều qua(29/6), tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 Chính phủ đề nghị bổ sung 07 dự án vào Chương trình năm 2011.

Các dự án này bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến thủ tục hành chính của các luật; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh liên quan đến thủ tục hành chính của các pháp lệnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Cơ yếu; Luật Biển Việt Nam; Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành biểu mức thuế bảo vệ môi trường.

Thẩm tra nội dung nói trên, Ủy ban Pháp luật tán thành với Chính phủ về việc điều chỉnh chương trình, ngoại trừ Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến thủ tục hành chính của các luật; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh liên quan đến thủ tục hành chính của các pháp lệnh để có thời gian nghiên cứu kỹ hơn.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã chính thức có Tờ trình đề nghị điều chỉnh thời hạn trình dự án Luật Giáo dục đại học và Luật tài nguyên nước sửa đổi.

Đặc biệt, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào chương trình thông qua ngay tại kỳ họp thứ nhất dự thảo Nghị quyết thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Nhiều thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất này, vì cho rằng, đã đến thời điểm “chín muồi” để sửa đổi Hiến pháp, trên cơ sở đó điều chỉnh nhiều chính sách khác.

Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, Chính phủ đề nghị gồm tổng số 52 dự án (47 dự án luật, 5 dự án pháp lệnh), trong đó có 33 dự án thuộc Chương trình chính thức và 19 dự án thuộc Chương trình chuẩn bị.

Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá XIII (dự kiến tháng 5/2012), Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua 11 dự án luật, trong đó có 3 dự án Luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo là: Luật Giám định tư pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Luật sư cũng dự kiến được cho ý kiến tại kỳ họp này để thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Các dự án Luật khác là Luật Hòa giải cơ sở, Luật Hộ tịch, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (dự kiến diễn ra vào tháng 10/2012). Riêng Dự án Luật Thủ đô được đề nghị thông qua cũng trong kỳ họp thứ 4 này.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật lại cho rằng, Dự án Luật thủ đô nên để Quốc hội khóa XIII xem xét, quyết định khi thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII. Tuy nhiên, cũng có thường vụ cho rằng, Luật Thủ đô đã xây dựng đến “tầm” như vậy thì cần tiếp tục và hoàn thiện để thông qua.

Bình An