Hợp tác pháp luật giữa Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) và Bộ Tư pháp Việt Nam

14/07/2011
Liên Hợp quốc nói chung và UNDP nói riêng là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác pháp luật. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LHQ trong 30 năm qua có thể coi là một mẫu hình của quan hệ đối tác vì sự phát triển. Quan hệ này bắt đầu hình thành từ cuối những năm 80, phát triển mạnh từ đầu những năm 90, và tới nay LHQ/UNDP  đã trở thành một trong những đối tác tiềm năng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật, xét cả về mặt phạm vi, nội dung hỗ trợ cũng như chất lượng các chương trình, Dự án. 

Bài viết dưới đây điểm lại một số kết quả chính về hợp tác pháp luật giữa Bộ Tư pháp và UNDP.

Bài viết gồm 3 phần:

1. Phần 1 tóm tắt về hỗ trợ của UNDP trong lĩnh vực pháp luật (i) các dự án đã thực hiện; ii) Dự án đang thực hiện;

2. Phần 2 đánh giá sơ bộ hoạt động hợp tác giữa Bộ Tư pháp với UNDP;

3. Phần 3 đề xuất một số lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác với UNDP trong thời gian tới phù hợp với khuôn khổ Kế hoạch chung Một Liên hợp quốc 2011-2016

I. TÓM TẮT VỀ HỖ TRỢ CỦA UNDP TRONG LĨNH VỰC PHÁP LUẬT

Trong lĩnh vực hợp tác pháp luật, Bộ Tư pháp và UNDP đã đạt được nhiều  thành tựu toàn diện và hiệu quả  như sau:

1. Các Dự án đã được thực hiện và hoàn thành:

Dự án VIE/94/003 “Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam” (2003 – 2008)

Ngay từ đầu những năm 90,  Bộ Tư pháp đã chủ động đàm phán và hình thành  Dự án hợp tác pháp luật giữa Chính phủ Việt Nam với UNDP, có tên gọi  là  Dự án VIE/94/003 "Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam" nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ  Việt Nam trong việc củng cố và tăng cường pháp chế XHCN. Mục tiêu tổng thể của Dự án là “Thiết lập một khung pháp luật phù hợp với những điều kiện cụ thể của Việt Nam, đưa ra được những lĩnh vực ưu tiên của hoạt động kinh tế dựa trên cơ chế thị trường và quản trị dân sự trong bối cảnh phát triển con người bền vững.” Các mục tiêu cụ thể/trước mắt của Dự án là 1)  Hình thành một khung pháp luật đồng bộ, cũng như  xây dựng một chiến lược pháp luật (tập trung vào các vấn đề có tính nhất quán và trình tự  phù hợp đối với việc ban hành và thực hiện các đạo luật và quy định được ưu tiên liên quan tới cải cách và các chính sách mở cửa (với ưu tiên ban đầu dành cho các vấn đề kinh tế, tài chính, thương mại và môi trường); 2) Tăng cường khả năng của Bộ Tư pháp để điều phối quá trình soạn thảo Luật và quy định hành chính và 3)  Hỗ trợ vai trò mới của Quốc hội và Uỷ ban pháp luật Quốc hội trong việc thẩm định, chỉnh lý và điều phối các dự thảo luật.

Dựa trên những kết quả đã đạt được và trên cơ sở đánh giá những nhu cầu tiếp theo về hoàn thiện khung pháp luật đối với các hoạt động kinh tế và bảo vệ môi trường, Bộ Tư pháp và UNDP đã ký kết tiếp Dự án VIE/98/001 về “"Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam" – Giai đoạn II, được thực hiện trong 3 năm, từ 1998 – 2001.

Dự án VIE98/001 Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt nam - Giai đoạn 2 (9.1998 – 7.2002)

Mục tiêu chung của Dự án là tăng cường nhà nước pháp quyền nói chung và thi hành pháp luật nói riêng thông qua việc rà soát và hệ thống hoá văn bản pháp luật hiện hành nhằm loại bỏ sự thiếu đồng bộ, chồng chéo; thông qua việc hoàn thành khung pháp luật cho hoạt động kinh tế và bảo vệ môi trường; thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng như nâng cao công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến công chúng.

Dự án đạt được 03 mục tiêu trực tiếp trực tiếp là 1) tăng cường năng lực của Bộ Tư pháp – cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, bao gồm cả điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia nhằm xác định và đề xuất huỷ bỏ hoặc sửa đổi các quy định trái với Hiến pháp, trái với các văn bản có hiệu lực cao hơn, huỷ bỏ hoặc sửa đổi các văn bản không đồng bộ, lỗi thời, chồng chéo, trùng lặp không cần thiết hay không đầy đủ về nội dung; 2) Hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực soạn thảo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ hoạt động kinh tế, tài chính, thương mại và bảo vệ môi trường như đã hình thành trước đây trong khuôn khổ Dự án VIE/94/003; tăng cường năng lực của Bộ Tư pháp – cơ quan đầu mối thực hiện nhiệm vụ thẩm định và hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của các văn bản đó; và 3) Tăng cường năng lực quốc gia đối với công tác phổ biến và giáo dục pháp luật nhằm đưa các quy định pháp luật tới công chúng ở các cấp tỉnh, huyện và xã để công chúng – bao gồm cả những người nghèo và dân tộc thiểu số - hiểu được các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật định và cách sử dụng hệ thống pháp luật để thi hành các quyền và nghĩa vụ đó.

Dự án PA VIE/02/002 “Hỗ trợ đánh giá nhu cầu phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam” (7.2002-8.2003)

UNDP đóng vai trò điều phối các nhà tài trợ trong việc huy động vốn cho Chính phủ Việt Nam thực hiện hoạt động đánh giá nhu cầu phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam (LNA). Hơn 120 chuyên gia Việt Nam và 20 chuyên gia quốc tế đã được Ban chỉ đạo liên ngành huy động nhằm góp ý cho Báo cáo tổng thể kết quả đánh giá nhu cầu phát triển toàn diện hệ thống pháp luật Việt Nam. Sau hơn 15 tháng làm việc tích cực cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và Chính phủ nước ngoài, Báo cáo tổng thể về đánh giá nhu cầu phát triển toàn diện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 đã được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ. Dựa trên cơ sở kết quả hoạt động đánh giá nhu cầu phát triển toàn diện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp phối hợp với một số cơ quan hữu quan tiếp tục xây dựng Chiến lược phát triển toàn diện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010. 

Dự án VIE/02/015 "Hỗ trợ thực thi Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010’’ (9. 2003-6. 2009)

Tiếp nối những hỗ trợ về “Đánh giá nhu cầu phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam’ và soạn thảo Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam tới năm 2010, định hướng tới năm 2020, UNDP đã huy động các nhà tài trợ Sida Thuỵ Điển, Tổ chức Phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA), Ai Len hỗ trợ thực thi Chiến lược nói trên. Ngày 4/9/2003, Bộ Tư pháp và Cơ quan phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Sida (Thuỵ Điển) và DANIDA (Đan Mạch) đã tiến hành ký kết Dự án VIE 02/015 ‘‘Hỗ trợ thực hiện chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 ’’.

Đây là một Dự án có quy mô lớn, đa ngành, đa nhà tài trợ, được thực hiện trong vòng 4 năm (2003 – 2007) và đã được gia hạn thêm 1 năm, tới tháng 12 năm 2008. Các mục tiêu mà  Dự án này đã đặt ra và đạt được bao gồm:

Hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam để trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn;

Tăng cường năng lực của Chính phủ Việt Nam và các cơ quan hữu quan khác đặc biệt là của Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Công tác liên ngành và Ban thư ký (Cơ chế quản lý Chiến lược) để chỉ đạo, điều phối, giám sát và đánh giá một cách có hiệu quả toàn bộ tiến trình thực thi Chiến lược;

Thực hiện một số nội dung ưu tiên của Dự án này và những nhu cầu phát sinh mới thông qua việc thiết lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hệ thống pháp luật nhằm hỗ trợ thường xuyên việc thực thi Chiến lược.

Các kết quả chính mà Dự án VIE/02/015  đã đạt được:

Xây dựng Dự thảo Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam tới năm 2010, định hướng tới năm 2020 (Chiến lược)

Thiết lập Quỹ Hỗ trợ phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam

Hỗ trợ  thực thi Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam:

Sau hơn bốn năm triển khai thực hiện, Dự án VIE/02/015 đã thực hiện một khối lượng công việc tương đối lớn thông qua việc triển khai các công việc liên quan đến hoàn thiện Dự thảo Chiến lược và thực thi các nội dung ưu tiên đã được xác định trong văn kiện Dự án cũng như những nội dung ưu tiên mới phát sinh của các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam.  Các nội dung ưu tiên được Dự án hỗ trợ ngay sau khi bắt đầu thực hiện Dự án. Đó là các nội dung 1) tăng cường năng lực xây dựng pháp luật  thông qua việc xây dựng, triển khai Luật ban hành văn bản QPPL (cả ở cấp trung ương và địa phương); hỗ trợ việc xây dựng một số văn bản QPPL liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ công dân như: Luật Khiếu naị tố cáo (Thanh tra Chính phủ); Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật thi hành án; Luật bồi thường Nhà nước, Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Toà án, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;  2) tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, Tăng cường năng lực cán bộ tư pháp địa phương; Hỗ trợ công tác xây dựng và thực thi pháp luật tại 6 tỉnh, thành phố được lựa chọn là Hải phòng, Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tiền Giang,Lâm Đồng; về các công tác trợ giúp pháp lý, Hoà giải ở cơ sở, phổ biến pháp luật, hoạt động tư vấn pháp luật của các tổ chức chính trị, tổ chức chính chị - xã hội và tổ chức xã hội- nghề nghiệp; các hoạt động hỗ trợ cải cách Toà án hành chính, Tăng cường năng lực thẩm phán cấp huyện; 3) triển khai thực hiện “Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính” trong lực lượng Công an nhân dân và 4) tăng cường năng lực cho cán bộ chính trị cấp cơ sở. ... Dự án cũng là cầu nối giữa Ban chỉ đạo liên ngành cũng như các cơ quan Nhà nước Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế trong lĩnh vực hợp tác pháp luật với nước ngoài. Các hoạt động được thiết kế trong khuôn khổ Dự án đều phù hợp với các nguyên tắc mang tính chất định hướng của Việt Nam và các nhà tài trợ như như xây dựng nhà nước pháp quyền, tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho người nghèo, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền trung ương và địa phương trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách và pháp luật.

Dự án VIE/02/015 đã kết thúc vào giữa năm 2009. Nhằm phát triển, kế thừa và  nhân rộng các kết quả mà Dự án này đã đạt được, Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP và các cơ quan có liên quan xây dựng Dự án hợp tác mới giai đoạn 2009 – 2015.  Các hoạt động của Dự án mới với tên gọi "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam" được tiếp tục thiết kế trên các nguyên tắc định hướng hợp tác giữa LHQ và Việt Nam  như xây dựng nhà nước pháp quyền, tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho người nghèo, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền trung ương và địa phương... 

2. Dự án đang thực hiện:

Dự án 58492 "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam"- Dự án bắt đầu được triển khai từ cuối tháng 11.2009:

Dự án "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam" với sự tham gia của một số đơn vị trong Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật Hình sự, hành chính, Vụ Các vấn đề chung về XDPL, Vụ Kế hoạch tài chính, Văn phòng Bộ, Vụ Pháp luật quốc tế, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành tư pháp, Viện Khoa học pháp lý, Cục Công nghệ thông tin), Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, một số cơ quan trung ương và sở tư pháp địa phương khác (sẽ được xác định cụ thể trong quá trình thực hiện dự án).  Dự án được thiết kế với 5 cấu phần chính:

Tiếp tục hỗ trợ thực hiện các Nghị quyết 48-NQ/TW  và 49-NQ/TW  của Bộ Chính trị ban hành các Chiến lược Xây dựng và  hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Chiến lược cải cách pháp luật) và Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 (Chiến lược cải cách tư pháp): tổng kết, đánh giá đầy đủ quá trình và kết quả 5 năm triển khai Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 900/UBTVQH11 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị; đánh giá nhu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, trên cơ sở đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và các năm tiếp theo (trước mắt là Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá XIII và XIV), phục vụ cho công tác xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020; xây dựng cơ chế đánh giá và giám sát việc thực thi Chiến lược xây dựng pháp luật giai đoạn 2011 – 2020;

Điều phối quan hệ đối tác giữa Chính phủ, các nhà tài trợ, các cơ quan, tổ chức  và các chủ thể khác trong xã hội nhằm thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Chiến lược cải cách tư pháp  thông qua việc tăng cường đối thoại chính sách trong lĩnh vực pháp luật, củng cố và duy trì mô hình diễn đàn đối tác pháp luật như đã quy định trong Nghị định 78 của Chính phủ về quản lý hợp tác với nước ngoài về pháp luật và Kế hoạch chung thực hiện Một Liên hợp quốc tại Việt Nam; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý công tác điều phối hoạt động hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; tăng cường công tác truyền thông, đối thoại chính sách giữa chính phủ, các nhà tài trợ và các tổ chức xã hội;

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp thông qua việc xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020 trong mối quan hệ tương tác với những yêu cầu mới về vị trí vai trò của ngành tư pháp trong thời kỳ hội nhập (nghiên cứu và xây dựng các chiến lược, kế hoạch tổng thể phát triển ngành tư pháp và kế hoạch phát triển một số lĩnh vực cụ thể thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ của ngành về xây dựng pháp luật, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; tương trợ tư pháp; tăng cường vai trò mới của Bộ Tư pháp về theo dõi thi hành pháp luật và một số lĩnh vực khác);

Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền trong đó dự kiến các nội dung chính là   xây dựng Bộ Chỉ số tư pháp cấp tỉnh (Provincial Justice Index - JPI); nghiên cứu, đề xuất xây dựng chiến lược về Trao quyền pháp lý cho người nghèo, phối hợp triển khai Sáng kiến của UNDP toàn cầu về trao quyền pháp lý cho người nghèo tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; tăng cường việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về nhân quyền và nội luật hoá các cam kết quốc tế này vào pháp luật trong nước;

Tăng cường cải cách tư pháp thông qua hỗ trợ nghiên cứu các nội dung và các sáng kiến mang tính liên ngành, trong đó có việc nghiên cứu mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, vai trò của cải cách tư pháp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; nghiên cứu so sánh về công tác quản lý toà án, đổi mới các chức danh và công chức tư pháp; hỗ trợ các sáng kiến và thử nghiệm về cải cách tư pháp có tính chất liên ngành theo phương pháp hỗ trợ linh hoạt.

II. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC GIỮA BỘ TƯ PHÁP VỚI UNDP

Với lợi thế so sánh của mình, hoạt động hợp tác với các tổ chức Liên hợp quốc, đặc biệt là UNDP đã mang lại nhiều tác động tích cực trong việc cung cấp nguồn lực chuyên gia có chất lượng cao, có kinh nghiệm và hiểu biết rộng, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện các nhiệm vụ công việc chuyên môn của ngành Tư pháp cũng như các cấp chính quyền địa phương.

UNDP trong thời gian vừa qua đã hỗ trợ thực hiện các nhóm các vấn đề có tính gắn kết chặt chẽ với công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp nói riêng và của công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam nói chung.

Một số dấu ấn góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả xây dựng và thi hành pháp luật do hoạt động hợp tác với các tổ chức Liên hợp quốc đa mang lại cụ thể là: hỗ trợ tích cực xây dựng hai Chiến lược cải cách pháp luật và cải cách tư pháp; hỗ trợ xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan trung ương cũng như các cấp địa phương, đặc biệt là một số văn bản quy phạm pháp luật luật có tính chất cải cách, đổi mới mạnh mẽ quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Trung ương (Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, 2002 và 2008), của các cơ quan địa phương (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004) và một số văn bản có phạm vi tác động rộng như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật thi hành án dân sự, Luật Phòng chống buôn bán người, Luật Xử lý vi phạm hành chính, và rầt nhiều văn bản QPPL khác; hỗ trợ việc thực thi các văn bản QPPL khác. ..

Mô hình phối hợp hỗ trợ hoạt động của các Tổ chức của Liên hợp quốc thông qua cơ chế thực hiện Một Liên hợp quốc ngày càng tỏ ra phát huy hiệu quả nhằm huy động được tối đa nguồn kiến thức và tiết kiệm được nguồn ngân sách. 

Hoạt động hợp tác đối với LHQ/UNDP đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho Việt Nam nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng và. Các cơ quan pháp luật và tư pháp ở TW và địa phương đã tham gia ngày càng nhiều hơn vào công tác hợp tác quốc tế và được thụ hưởng nhiều lợi ích hơn từ các quan hệ hợp tác này. Công tác hợp tác pháp luật đã tuân thủ đầy đủ các yêu cầu theo chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước. Các nội dung hợp tác đang dần gắn chặt với việc hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và của Ngành.

III. MỘT SỐ LĨNH VỰC ƯU TIÊN TRONG HỢP TÁC PHÁP LUẬT VÀ TƯ PHÁP  VỚI UNDP TRONG THỜI GIAN TỚI THEO TINH THẦN XÂY DỰNG KẾ HOẠCH CHUNG MỘT LIÊN HỢP QUỐC GIAI ĐOẠN 2011 - 2016

Các mục tiêu của hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp đã, đang và luôn cần phải phù hợp với Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam tới năm 2010, định hướng tới năm 2020; Chiến lược cải cách tư pháp; các khuôn khổ hỗ trợ phát triển của Liên hợp quốc cho Việt Nam; Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia Hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc trong từng giai đoạn, Kế hoạch một Liên hợp quốc .

Trong thời gian tới đây, với những lợi thế so sánh của mình, UNDP ưu tiên hỗ trợ cải cách tư pháp và pháp luật trong những lĩnh vực dưới đây:

- Tăng cường công tác đào tạo luật và cán bộ tư pháp, hỗ trợ Bộ Tư pháp xây dựng Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh trở thành các trung tâm đào tạo pháp luật lớn của cả nước, góp phần cải thiện chất lượng đào tạo pháp luật cho Việt Nam nhằm đáp ứng và theo kịp các điều kiện phát triển toàn diện của Việt Nam trong thời gian tới đây;

- Tăng cường công tác lồng ghép vấn đề giới trong các hoạt động cải cách pháp luật và tư pháp;

- Tăng cường tiếp cận công lý thông qua triển khai thực hiện các sáng kiến về trao quyền pháp lý cho người nghèo của Liên hợp quốc;

- Tăng cường các hoạt động/ chương trình mang tính gắn kết liên ngành, có sự phối hợp tham gia  của nhiều tổ chức của Liên hợp quốc nhằm triển khai các hoạt động ưu tiên của ngành tư pháp

- Tăng cường vai trò điều phối hợp tác pháp luật của Bộ Tư pháp và UNDP thông qua các Diễn đàn dối tác pháp luật và Diễn đàn trao đổi chính sách pháp luật.

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp