Luật kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Làm luật cho ai?

24/03/2006
Luật kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Làm luật cho ai?
Những quy định khá ngặt nghèo được đưa ra đối với một lĩnh vực không quá phức tạp là dịch vụ đòi nợ, một lần nữa cho thấy quan niệm về quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực kinh doanh mới vẫn còn rất nặng nề và quá cầu toàn

Lập doanh nghiệp đòi nợ: cần 5 tỷ đồng  

 Quan hệ giao dịch dân sự ngày càng đa dạng và phức tạp, làm nảy sinh nhu cầu về dịch vụ đòi nợ, đặc biệt là đối với các DN. Chính vì vậy, bên cạnh những hoạt động đòi nợ thuê mang tính xã hội đen, các DN hoạt động trong lĩnh vực này đã bắt đầu xuất hiện. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng ban pháp chế của VCCI, hiện có khoảng 50 DN tại Hà Nội có đăng ký kinh doanh dịch vụ này. Còn theo một đại diện của công ty dịch vụ đòi nợ Công Minh, có ít nhất 10 DN đã và đang hoạt động trong lĩnh vực này dù doanh thu còn khiêm tốn. 

Nhưng khi đặt vấn đề phải quản lý lĩnh vực này, Bộ Tài chính, cơ quan được giao soạn thảo nghị định, lại tỏ ra quá thận trọng trong việc đưa ra các quy định. Để đạt được hai mục tiêu đồng thời là "đáp ứng nhu cầu chính đáng về dịch vụ đòi nợ trong nền kinh tế" và "ngăn chặn, hạn chế tiến tới xóa bỏ tình trạng đòi nợ thuê bất hợp pháp", Bộ Tài chính chủ trương cho mở rộng đối tượng được kinh doanh theo hướng không phân biệt thành phần kinh tế, nhưng đồng thời cũng đưa dịch vụ này vào lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. 

Xuất phát từ quan điểm này, nghị định đã được soạn thảo với những điều khoản khá ngặt nghèo, mà theo nhận xét của một số chuyên gia thì hầu hết các DN tham gia lĩnh vực này hiện nay đều không thể đáp ứng được. Chẳng hạn, để kinh doanh dịch vụ này, DN phải có vốn điều lệ 5 tỷ đồng trở lên, phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ, lao động được tuyển dụng phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý hoặc tài chính 3 năm... Một số quy định khác cũng khá chung chung và mơ hồ, chẳng hạn như "không được xâm phạm đời tư của khách nợ", có thể đưa đến nhiều cách hiểu khác nhau... 

 

Chính cách đặt vấn đề và xử lý ngặt nghèo như vậy nên khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến của các chuyên gia và đối tượng liên quan lại gặp nhiều phản ứng. Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho nghị định tổ chức tại Hà Nội cuối tuần trước, riêng với vấn đề vốn điều lệ, các chuyên gia và DN đều lên tiếng phản đối. Ông Trương Thanh Đức, trưởng phòng pháp chế Ngân hàng TMCP Hàng hải nói rằng đây là một số vốn quá lớn, không cần thiết đưa ra đối với lĩnh vực này. Nếu so sánh với các lĩnh vực kinh doanh khác thì có thể thấy các DN môi giới chứng khoán cũng chỉ cần có 3 tỷ đồng. Luật sư Lê Thu Hương bức xúc: "Không hiểu các nhà làm luật căn cứ vào đâu để đưa ra quy định này. Quy định là để hạn chế rủi ro cho khách hàng, nhưng ngay cả Luật DN cũng chỉ quy định vốn điều lệ do DN tự khai, tự chịu trách nhiệm. Tiến sĩ luật Phạm Ngọc Thạch cho rằng trên thực tế không có gì chứng minh được mối liên hệ giữa mức vốn điều lệ với việc đảm bảo nghĩa vụ của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 

 

Cơ quan quản lý quá cầu toàn 

Chuyện xây dựng nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ một lần nữa báo động về vấn đề làm luật của cơ quan quản lý nhà nước để "quản" những lĩnh vực mới, theo đó tư tưởng làm luật sao cho "an toàn" và đẩy các khó khăn sang phía DN vẫn còn chi phối rất nặng nề.

 

Theo một số chuyên gia, vấn đề của nghị định này là ở chỗ, xuất phát từ quan điểm cho rằng dịch vụ này có thể gây ra những vấn đề phức tạp về xã hội, các nhà làm luật đã đưa ra các quy định "cứng" để ngăn chặn từ xa. Nhưng cách xử lý như vậy lại không hợp lý ở chỗ, lẽ ra cần phải có các quy định rõ ràng và chi tiết về trách nhiệm và quyền hạn của DN kinh doanh dịch vụ quản lý nợ, thì cơ quan quản lý nhà nước lại đưa ra các quy định quá chặt chẽ đối với DN muốn tham gia thị trường. Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, giám đốc công ty tư vấn VFAM Việt Nam, giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà cơ quan quản lý nhà nước đặt ra thực chất là một giấy phép con, thậm chí là một "giấy phép con siêu hạng". Với cách hành xử như với dịch vụ đòi nợ, rồi đây các lĩnh vực kinh doanh mới xuất hiện một cách liên tục cũng sẽ phải chịu chung số phận.

Không chỉ vậy, các quy định mới vô hình chung lại "làm khó" chính các DN đã và đang làm ăn nghiêm túc trong lĩnh vực này, theo nhận xét của luật sư Lê Thu Hương. Có cần thiết phải đưa ra các quy định quá chặt chẽ như vậy không, khi mà dịch vụ đòi nợ vẫn đang phát triển và bước đầu đã được thị trường thừa nhận? Nếu các DN làm ăn nghiêm túc thì có cần thiết phải để họ phải "chịu" thêm một gánh nặng pháp lý như vậy nữa hay không? 

(theo Sài gòn tiếp thị)