* Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, do các doanh nghiệp đã quá tự do "đẻ " ra nhiều chi nhánh nên xảy ra không ít sai phạm trong lĩnh vực này?
- Trong thời gian qua, sai phạm phần nhiều xảy ra ở các chi nhánh do doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động không quản lý chặt chẽ hoặc có tình trạng khoán trắng cho các chi nhánh. Rất nhiều chi nhánh đã nhân danh doanh nghiệp để tự ký hợp đồng với đối tác nước ngoài, tự tuyển chọn và thu tiền của người lao động như một doanh nghiệp độc lập. Do khoán trắng nên doanh nghiệp không nắm được hoạt động cụ thể của các chi nhánh như thế nào, thậm chí công tác quản lý lao động tại nước ngoài cũng hết sức phân tán. Bước đầu, một số doanh nghiệp vi phạm đã bị xử lý khá thích đáng.
* Đã có không ít doanh nghiệp lẩn tránh trách nhiệm khi chi nhánh do chính mình "đẻ " ra có sai phạm?
- Đúng là đã có chuyện đó. Đã có doanh nghiệp có giấy phép, nhưng ủy quyền cho nhiều chi nhánh hoạt động. Tới khi có chuyện xảy ra thì lại coi như mình vô can. Tình trạng này tới đây sẽ phải chấm dứt.
Căn cứ vào các quy định cụ thể của Luật sắp ban hành, chúng tôi sẽ thắt chặt quản lý các doanh nghiệp và trách nhiệm của doanh nghiệp khi có giấy phép xuất khẩu lao động.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng phải tự quản lý mình, nếu không đủ năng lực sẽ bị rút giấy phép.
* Dự thảo Luật Đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Quan điểm chung được đưa ra trong Dự thảo Luật là tăng cường quản lý và hạn chế các đầu mối hoạt động của doanh nghiệp. Trước đây, Nghị định 81 chỉ cho phép doanh nghiệp không được có quá hai đầu mối. Dự thảo Luật cũng vẫn duy trì quan điểm này, song để được trở thành chi nhánh hoạt động xuất khẩu lao động thì phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện cụ thể.
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng giới hạn và quy định rõ những việc chi nhánh không được làm như ký hợp đồng cung ứng lao động và hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài, không được thu phí dịch vụ , phí môi giới...
Căn cứ vào những quy định này, doanh nghiệp sẽ có cơ sở pháp lý quản lý chi nhánh được làm gì và không được làm gì.
* Liệu những doanh nghiệp đã từng có sai phạm trong việc này có tiếp tục được cấp phép hoạt động nếu Luật được Quốc hội ban hành và chính thức có hiệu lực?
- Chúng tôi đang xem xét để ban hành các điều kiện để doanh nghiệp đổi giấy phép khi Luật được ban hành và chính thức có hiệu lực. Sẽ có các quy định cụ thể về điều kiện đổi giấy phép. Tuy nhiên, chúng tôi đang xem xét những doanh nghiệp đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính hai lần trở lên có thể sẽ bị rút giấy phép hoạt động. Những doanh nghiệp khác đủ điều kiện sẽ được đổi giấy phép mà không phải nộp phí.
* Những doanh nghiệp đang muốn được cấp mới giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động có hy vọng không sau khi Luật ra đời, thưa ông?
- Theo chủ trương chung của Luật doanh nghiệp mới, mọi doanh nghiệp (không phân biệt các thành phần kinh tế) sẽ được tham gia hoạt động xuất khẩu lao động nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, do hoạt động xuất khẩu lao động mang tính đặc thù cao, nên tới đây sau khi Luật được ban hành, Chính phủ sẽ quy định cụ thể loại hình doanh nghiệp nào được cấp phép, vốn điều lệ và tiền ký quỹ như thế nào...
Sau khi Nghị định của Chính phủ ra đời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào đó để cấp phép cho các doanh nghiệp mới tham gia.