Dự thảo Luật Dạy nghề đang được đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội. Bên cạnh thiện chí của ban soạn thảo khi nỗ lực đưa ra một dự luật có tính chuyên ngành, đáng tiếc lại có những nội dung chưa phù hợp
Trước hết, dự thảo đưa ra một hệ thống trình độ dạy nghề gồm các bậc sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề, (điều 6, chương 1 và chương 2). Cách đặt vấn đề này không những không giải quyết được tính tản mạn và kém hiệu quả về quản lý đào tạo nghề nghiệp mà còn khoét sâu thêm sự cát cứ và giẫm chân.
Chia cắt hoạt động đào tạo nhân lực làm 2 mảng
Trong hệ thống giáo dục và đào tạo chuyên môn cho nguồn nhân lực, từ công nhân kỹ thuật cho đến sau tiến sĩ đều là các bậc học mà người kinh qua và tốt nghiệp đúng chất lượng đều có những năng lực nhất định để tiến hành một hoạt động nghề nghiệp. Không ai có thể cho rằng chỉ có các bậc như công nhân kỹ thuật, trung cấp hay cao đẳng nghề mới đào tạo ra nghề, vì nếu nói như vậy, các cử nhân, kỹ sư, bác sĩ hay thạc sĩ, tiến sĩ sẽ được xem là không có năng lực thực hiện một nghề nghiệp nào đó để đóng góp vào hoạt động xã hội, nghĩa là họ không có nghề. Do đó, việc đưa ra các khái niệm về sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề thực chất đã chia cắt hoạt động đào tạo chuyên môn nguồn nhân lực ra làm 2 mảnh. Một mảnh thực hiện việc quản lý đào tạo nghề ở 3 cấp này giao cho Bộ LĐ-TB-XH quản. Còn những bậc học cung ứng những tay nghề cao hơn như đại học, sau đại học thì để cho Bộ GD- ĐT.
Cũng tại điều 6, chương 1 và mục 2, chương 5, Dự thảo Luật Dạy nghề đưa ra một hệ thống cơ sở gồm: Lớp dạy nghề, trung tâm dạy nghề, trường trung cấp, trường cao đẳng. Việc đưa lớp dạy nghề thành một đơn vị hành chính khiến mọi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp muốn tổ chức đào tạo ngắn hạn cho công nhân của chính họ đều phải xin phép và chúng ta sẽ có một hệ thống thủ tục xin-cho không những không tinh giản mà còn phình ra kinh khủng hơn. Đó là chưa nói đến việc những quy định như vậy sẽ gây nhiều ngộ nhận về pháp nhân của lớp dạy nghề bởi bên trong các cơ sở khác như trung tâm, trường trung cấp, trường cao đẳng cũng có đơn vị lớp.
Hợp đồng học nghề hay là sự phức tạp hóa
Tại điều 36, chương 4 quy định học viên đi học tại các cơ sở dạy nghề phải ký hợp đồng học nghề. Chúng tôi đồng ý rằng trong xã hội có những nghề cha truyền con nối, nghề có tính gia đình mà việc truyền nghề cho một cá nhân bất kỳ phải có sự bảo đảm nhất định về quyền lợi hay nghĩa vụ đối với người chủ. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp cấp tiền hoặc cho thời gian để người lao động (NLĐ) đang làm việc được đi học nghề, họ có quyền đòi hỏi NLĐ phải có nghĩa vụ trở lại làm việc một khoảng thời gian thỏa thuận sau khi kết thúc lớp. Trong những trường hợp như vậy, việc học nghề là một khế ước xã hội và sẽ cần đến hợp đồng. Nhưng nếu vì thế mà bắt buộc ngay cả những học viên tự do, học ở các lớp dạy nghề và trung tâm dạy nghề cũng phải ký hợp đồng học nghề thì là cả một sự phức tạp. Lâu nay, quy chế học vụ là những quy định mà người học khi đăng ký vào học các cơ sở đào tạo luôn được hướng dẫn và cam kết thực hiện. Đấy là một loại hình của thỏa thuận xã hội thay cho những ràng buộc giấy tờ quá mức cần thiết. Việc đưa ra quy định hợp đồng học tập rõ ràng là một quan điểm không thể hiểu được trong thời đại mà chúng ta đang nỗ lực tinh giản thủ tục hành chính.
Một trong các vấn đề được quan tâm nhiều nhất là kiểm định chất lượng dạy nghề. Thông thường, việc xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo phải là một tổng thể gồm 3 bước: 1) Xây dựng chuẩn chất lượng đào tạo gồm hệ thống các đặc trưng có tính mẫu của một đầu ra mẫu được xây dựng trên yêu cầu của xã hội về những tiêu chí phải có của nhân lực mà họ sẽ sử dụng. Từ chuẩn mẫu của một học viên, chúng ta xây dựng chuẩn mẫu cho một cơ sở đào tạo, một hệ thống đào tạo nghề cả nước. Trong đó, lưu ý tiềm năng rút ngắn về chuẩn so với cơ sở hay hệ thống đào tạo nghề đang là tối ưu của thế giới; 2) Từ chuẩn về chất lượng của một học viên, một cơ sở, cả hệ thống, chúng ta tiến hành xây dựng chuẩn về điều kiện hoạt động và kiểm soát quy trình hoạt động để bảo đảm rằng hệ thống, cơ sở chắc chắn sẽ tạo được những sản phẩm (học viên) đạt chuẩn chất lượng; 3) Xây dựng hệ thống đánh giá ngoại quan và nội quan để bảo đảm việc thực hiện chuẩn.
Từ điều 89 đến 96 của Dự thảo Luật Dạy nghề chỉ đưa ra những chuẩn về điều kiện hoạt động (tức một bộ phận của bước thứ hai), còn ngoài ra chỉ nhấn mạnh đến trách nhiệm và chủ thể thực hiện kiểm định. Việc xây dựng một hệ thống kiểm định không bài bản và không bắt đầu từ gốc không thể tạo ra một sản phẩm tốt.
Quyền lựa chọn học nghề, ở đâu?
Vấn đề thông tin về tình hình và chất lượng đào tạo cũng như tình hình nhân dụng của lực lượng đã qua đào tạo nghề không được nhắc đến trong dự thảo, mặc dù nó là một bộ phận rất quan trọng để bảo đảm rằng người dân được thông tin cân xứng hầu có thể đưa ra những lựa chọn đúng trong học nghề. Nghĩa là không có một dòng nào để bảo đảm quyền lựa chọn học nghề của nhân dân.
Từ chương 5 đến các chương sau, nhất là từ điều 45 đến 57, Dự thảo Luật Dạy nghề lặp đi, lặp lại một số nội dung và còn nhặt nhạnh nhiều nội dung từ các luật khác để đưa vào một cách thiếu hợp lý như quy định về hiệu trưởng, hội đồng trường, hội đồng tư vấn...
Hai hệ quả VIệc đưa ra các khái niệm về sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề tạo ra ít nhất 2 hệ quả: Một là, những trường cao đẳng lâu nay (có đào tạo các bậc chuyên môn thấp hơn) do Bộ GD-ĐT quản lý sẽ phải tiến hành xin phép Bộ LĐ-TB-XH để được đào tạo nghề, cũng như phải xin thông qua chương trình đào tạo, mở ngành, xin chỉ tiêu, đăng ký chuyên môn, xin mua phôi bằng và xin chuẩn hóa giáo viên dạy nghề... Cơ sở đào tạo như thế sẽ có 2 ông quản lý ngành cấp Nhà nước mà chỉ chuyện xin và cho đã chiếm hết thời gian làm việc. Hai là, các bậc học mà những trường trung học chuyên nghiệp và cao đẳng hiện đang do Bộ GD-ĐT quản lý đào tạo ra nguồn nhân lực không được xem là biết nghề, và những bằng cấp như trung học chuyên nghiệp, cao đẳng xưa và nay vốn đã không được xem là những văn bằng có tính học thuật, nay sẽ được xem là không phải văn bằng nghề và những hệ đào tạo ở các trường ấy không thuộc diện quản lý của luật. |
(Theo Người lao động)