Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực: Cơ hội để cải cách hành chính và hội nhập

13/03/2006
Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực: Cơ hội để cải cách hành chính và hội nhập
Lần đầu tiên Việt Nam có một Bộ Luật do một Ủy ban Quốc hội soạn thảo. Đó là Luật Giao dịch điện tử, có hiệu lực từ ngày 1-3. TS Vũ Minh Mão, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ - Môi trường Quốc hội cho rằng Luật Giao dịch điện tử là cơ hội cho doanh nghiệp và thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam.
Thông điệp điện tử có giá trị như văn bản viết!

* Thực chất, giao dịch điện tử ở Việt Nam thời gian qua mới ở mức sơ khai. Sẽ rất lâu người ta mới có thể coi một thư điện tử giống một văn bản giấy trắng mực đen, dấu đỏ?

- Đến ngày 1-3-2006 thì tất cả đã phải coi văn bản điện tử có giá trị tương tự giấy trắng mực đen, dấu đỏ! Bởi Luật Giao dịch điện tử quy định rõ thông điệp dữ liệu được gửi đi trên mạng có giá trị lưu trữ như văn bản có giá trị như bản gốc, nghĩa là nó cũng như văn bản giấy tờ, khi xảy ra tranh chấp nó cũng có giá trị làm chứng cứ!

* Trên luật thì như vậy, nhưng đi vào thực tế chắc còn khó khăn vì người Việt Nam ta chưa quen?

- Nhìn toàn bộ xã hội mà nói thì có thể người dân chưa quen. Nhưng đa số không phải là tất cả bởi vì có một bộ phận dân chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp đã tiến hành giao dịch điện tử với nhau từ lâu. Làng gốm Bát Tràng đã chào bán hàng với thị trường London, New York qua mạng từ cách đây 2-3 năm. Sở dĩ như thế vì giao dịch điện tử nhanh, tiện lợi, chi phí thấp. Trước nếu một ngân hàng từ Cần Thơ giao dịch với ngân hàng ở Hà Nội bằng giấy phải mất một tuần chuyển đi chuyển lại (chưa kể có sai sót) nhưng nếu bằng phương tiện điện tử chỉ mất 10 giây. Nên nhiều nơi khác người ta đã thanh toán với nhau những khoản tiền rất lớn chỉ qua thông điệp điện tử.

Không chỉ trong kinh doanh, ngay lĩnh vực hành chính công cũng đã và phải có giao dịch điện tử. TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, thậm chí một số bộ như Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục - Đào tạo... đã sử dụng hệ thống điện tử để gửi/nhận công văn, kiểm tra công việc, họp hành. Chi phí tiết kiệm được rất nhiều. Tới đây có cả Luật CNTT nữa thì ứng dụng phương tiện điện tử của chúng ta sẽ được nâng cao hơn và mang lại lợi ích tốt hơn.

Cơ hội rất lớn

* Trước đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã không ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong nước do không thể giao dịch điện tử. Có phải Luật giao dịch điện tử ra đời là để phục vụ người dân và giải phóng sản xuất?

- Thương mại thế giới cần nhanh nhạy. Người ta không mua được ở nước này thì sẽ mua ở nước khác. Thương mại thế giới không chờ một nước nào cả. Muốn tăng trưởng, muốn giao dịch mua bán tăng lên thì phải ứng dụng phương tiện điện tử. Với thế giới đây không phải là một hoạt động mới nên không nhanh chóng hội nhập thì doanh nghiệp sẽ thiệt.

* Người dân mong rằng Luật Giao dịch điện tử điều chỉnh ngay vào hoạt động hành chính công vốn nhiều nhiêu khê?

- Luật Giao dịch điện tử đề cập đến nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực hành chính công. Trong hoạt động của các bộ các ngành trước đây, việc cấp phép phải qua nhiều nấc, nhiều khâu, nhiều cửa, giao dịch điện tử sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, bớt cho người dân phải đi lại. Đây là hướng đi trong tương lai, song thực tế đã có một số việc đang được làm rồi.

* Luật Giao dịch điện tử không can thiệp vào một hoạt động đang "nóng" và rất cần cải cách hiện nay: cấp sổ đỏ?

- Một số giấy tờ có giá hay quan trọng (giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh...) do tâm lý của dân ta vẫn thích hiện vật nên luật này loại trừ để bảo đảm an toàn tuyệt đối và giữ sự tin tưởng của người dân. Nhưng nếu trình độ phát triển cao hơn, chúng ta có thể sửa đổi những điều loại trừ này.

* Vậy một loại giấy tờ không có giá: giấy đăng ký tạm trú liệu có được ứng dụng giao dịch điện tử không? Người dân đang kêu cứ mấy tháng lại phải đi đăng ký tạm trú, phải đóng 20.000 đồng/lần, mệt mà số tiền khổng lồ (do hàng triệu người đóng) trên không biết sẽ đi đâu?

- Luật Giao dịch điện tử không loại trừ lĩnh vực đó. Tôi tin rằng các cơ quan tư pháp của Việt Nam sẽ suy nghĩ để dần đưa vào thực hiện lĩnh vực này. Các cơ quan đó phải có nhân lực CNTT mới vận hành được. Ở đây cần cả sự sẵn sàng từ phía người dân và từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

* Doanh nghiệp có lợi nên đã tiến hành giao dịch điện tử rất sớm. Nhưng với một số cơ quan nhà nước lại không như vậy. Luật Giao dịch điện tử quy định không được cản trở giao dịch điện tử, nhưng cũng cho tự nguyện, hai điều đó có mâu thuẫn không?

- Luật quy định không được cản trở là nguyên tắc pháp lý, nếu người ta có điều kiện tham gia thì cơ quan, cá nhân không được cản trở. Còn tự nguyện có nhiều ý: chưa có đủ phương tiện kỹ thuật thì không bắt tham gia đồng loạt được. Như vậy, trong giai đoạn chuyển tiếp này vẫn phải tồn tại cả hình thức điện tử lẫn truyền thông để công chức thích nghi dần, người dân cũng chuyển biến dần. Nghĩa là hai quy định "cấm cản trở" và "tự nguyện" không có gì mâu thuẫn.

* Nhưng đấy lại là điều người dân lo lắng, vì có thể ở một số khâu phiền hà nhất thì cơ quan nhà nước lại trì hoãn không thực hiện giao dịch điện tử. Luật có thiếu chế tài về điều đó?

- Thực tế có thể có một số cán bộ mang tâm lý như vậy. Nhưng nói tự nguyện không có nghĩa là tùy tiện. Luật này có quy định: căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ phải quy định một lộ trình hợp lý để thực hiện. Kinh tế phát triển, nhận thức của người dân, của doanh nghiệp nâng cao thì giao dịch điện tử phải được đẩy mạnh. Tới đây Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn lộ trình, có thể trong một, hai năm chứ không thể tự do vì Thủ tướng đã cam kết với các nước ASEAN đến 2010 sẽ thực hiện Chính phủ điện tử. Nay đã là 2006 rồi, mà triển khai phương thức này có rất nhiều việc phải làm.

* Thời gian còn rất ngắn mà mục tiêu phát triển thương mại điện tử (TNĐT) ở Việt Nam đến năm 2010 là: 60% doanh nghiệp lớn; 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ; 10% hộ gia đình sẽ giao dịch TMĐT. Mua sắm của Chính phủ cũng được công bố trên web. Theo ông, mục tiêu đó có bao nhiêu phần trăm khả thi?

- Tôi nghĩ là khả thi vì giữa các cơ quan nhà nước với nhau có mua sắm, các doanh nghiệp và người dân có mua sắm. TMĐT tiện ích và rẻ như vậy nên họ sẽ triển khai nhanh thôi. Còn mua sắm, Chính phủ cũng có Luật Đấu thầu rồi nên mục tiêu đó tôi cho là hiện thực.

Cẩn thận không thừa!

* Các giao dịch điện tử rất thuận lợi nhưng thiệt hại cũng rất lớn nếu bảo mật không tốt?

- Đúng vậy. Nhưng ngay cả giao dịch truyền thống cũng có giả mạo. Nên bằng phương tiện nào đi nữa vẫn phải bảo mật. Hiện nhiều nước có các biện pháp rất chặt chẽ, càng giao dịch lớn thì bảo mật càng cao. Luật Giao dịch điện tử có hẳn chương VI quy định vấn đề này. Tuy nhiên, độ an toàn còn phụ thuộc vào người sử dụng chứ không chỉ công nghệ là xong. Đây là vấn đề mới, tương đối khó và mang tính kỹ thuật.

* Giao dịch điện tử chắc chắn cũng sẽ có nhiều tranh chấp nhưng trong luật chưa có chế tài cụ thể. Theo ông, có phải luật này chưa hoàn chỉnh?

- Luật nhiều nước có chế tài cụ thể, có phạt tiền, có hình sự. Nhưng theo truyền thống Việt Nam, những chế tài không ghi cụ thể vì đây là luật khung. Cái gì chung nhất thì đưa vào, còn vấn đề để dao dộng hoặc chưa sát với thực tế thì phải qua thực tế nghiên cứu, bổ sung. Để các văn bản hướng dẫn của Chính phủ quy định chế tài cụ thể sẽ linh hoạt hơn. Tới dây Chính phủ sẽ ban hành luật về xử lý vi phạm hành chính thì những vi phạm sẽ quy về một mối xử lý chứ không rải rác. Ở Việt Nam mình có truyền thống như vậy nên tôi nghĩ Luật Giao dịch điện tử đã hoàn chỉnh.

* Với sự ra đời của luật, việc công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước trong giao dịch điện tử như thế nào?

- Theo tinh thần của luật này thì những chữ ký điện tử, chứng thực điện tử có độ tin cậy tương đương với các quy định của nước ta thì được công nhận. Tất nhiên sau này Chính phủ sẽ có các điều ước quốc tế công nhận chữ ký số với các nước. Nếu tin tưởng thì công nhận lẫn nhau, như các nước vẫn gọi là quan hệ đối đẳng.

* Hiện chưa có các điều ước quốc tế thì việc người dân "đi chợ" qua mạng là không có gì bảo đảm?

- Thực tế nhiều người đã mua hàng qua mạng từ lâu rồi. Đương nhiên đó là giao dịch do tin tưởng. Khi luật và các điều ước quốc tế có hiệu lực, nó mới điều chỉnh những xung đột, nếu xảy ra. Khi luật được thông qua, các cơ quan giúp việc của Chính phủ đã nghiên cứu để ký kết hiệp định song phương, đa phương tùy theo từng lĩnh vực. Trong hoạt động thương mại phải làm điều đó thật nhanh để bảo đảm cho các doanh nghiệp của Việt Nam khi họ giao dịch với nước ngoài.

(Theo Tuổi trẻ)