Người dân phải chạy quyền cư trú

13/03/2006
Chúng ta đề cao hiến pháp, coi hiến pháp là tối thượng nhưng qui định của hiến pháp thì chúng ta không tôn trọng. Ông NGUYỄN ĐÌNH LỘC, tiến sĩ luật học, ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp, nói như vậy về việc quản lý dân sự bằng hộ khẩu. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lộc cho rằng hộ khẩu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử.

* Nhiều ý kiến cho rằng quản lý dân sự bằng hộ khẩu vẫn hiệu quả nên chưa thể bỏ hộ khẩu vào thời điểm này, ý kiến của ông ra sao?

- Ông NGUYỄN ĐÌNH LỘC: Vấn đề hộ khẩu liên quan đến quyền tự do cư trú của công dân, việc quản lý bằng hộ khẩu tạo ra sự bất bình thường trong quan hệ giữa người dân với người dân.

Một người có hộ khẩu được xem là một công dân có đầy đủ các quyền mà hiến pháp đã qui định và người ta hưởng quyền đó một cách rất tự nhiên với tư cách một công dân hoàn chỉnh. Còn những người ở nơi khác đến chưa có hộ khẩu thì sao? Hết sức vất vả. Điều đó tạo ra một bức xúc thật sự, dẫn đến phản cảm về mặt tâm lý không chỉ cho bản thân người đó mà cho cả gia đình họ, người thân của họ. Tôi thấy đây là chuyện rất không bình thường.

Tôi cho rằng đây là vấn đề rất bức xúc. Nếu bằng hộ khẩu mà thật sự quản lý được dân thì khác, nhưng thực tế chúng ta không quản được vì người dân rất biến động và thật ra chúng ta không có sức để làm.Với hàng triệu dân làm sao ngày nào cũng đi kiểm tra xem ai có hộ khẩu, ai không có hộ khẩu? Rõ ràng hộ khẩu không phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân sự. Đã đến lúc phải tìm con đường khác để quản lý.

Ông Nguyễn Đình Lộc
- Ảnh: K.H.

* Ông có hay bị nhờ vả để đăng ký giúp hộ khẩu không?

- Nhiều lắm. Chủ nhật này (12-3), tôi tiếp một người bạn quê ở Thái Bình đến nhờ đăng ký giúp hộ khẩu. Ông ấy ở Hà Nội mươi năm rồi, đã có nhà nhưng vẫn không đăng ký được hộ khẩu. Ông ấy bảo tôi: “Mày có quen biết chỗ nào xin hộ không?”. Tôi không thể khuyên ông ấy đưa ít tiền cho người ta để có hộ khẩu.

Có những người muốn làm theo đúng pháp luật thì rất khó khăn, còn những người luồn lách lại rất nhanh.  Nhưng đáng buồn nhất là để có hộ khẩu, người ta phải tìm cách “chạy” hộ khẩu. Như thế, người ta phải “chạy” để được quyền hợp hiến, hợp pháp là quyền cư trú, một quyền tự do của người dân. Rõ ràng chúng ta đang khuyến khích người dân đi con đường bất hợp pháp để hưởng quyền hợp pháp. Đấy là một bi kịch.

* Nhưng Nhà nước đã duy trì việc quản lý dân sự bằng hộ khẩu một thời gian dài mà không ai có ý kiến gì, tức là nó có hiệu quả?

- Thời bao cấp, hộ khẩu là cái thiết thân của người dân, là cuộc sống của người dân. Bây giờ, trừ một số trường hợp cần hộ khẩu, còn lại hằng ngày người ta không còn cần hộ khẩu. Nếu được hỏi, người ta đưa chứng minh thư ra là xong. Đi mua vé máy bay người ta cũng hỏi chứng minh thư chứ đâu có ai hỏi hộ khẩu. Một mặt quản lý bằng chứng minh thư, một mặt quản lý bằng hộ khẩu nên thành ra là hai “tròng” mà không hiệu quả.

Chúng ta đề cao hiến pháp, coi hiến pháp là tối thượng, nhưng qui định của hiến pháp thì chúng ta không tôn trọng. Đấy là do cơ chế chứ không phải do hiến pháp.

* Vậy việc quản lý dân sự bằng hộ khẩu có vi phạm hiến pháp không, thưa ông?

- Nếu tôi không có hộ khẩu, tôi dứt khoát không được ở đây, tôi phải về nơi tôi có hộ khẩu để ở. Trên thực tế, tôi vẫn sống ở đây một cách bình thường. Tôi vẫn đi làm, tôi vẫn có lương... Nhưng không có hộ khẩu lại ảnh hưởng đến các quyền khác của tôi.

Học tập là một quyền, là một nghĩa vụ nhưng con tôi chưa có hộ khẩu sẽ không được vào học trường nó muốn, phải học trái tuyến. Từ đó phát sinh ra những vi phạm khác nữa chứ không đơn thuần là vi phạm quyền cư trú.

Quyền có chỗ ở là quyền thiêng liêng của con người, “sống cái nhà, già cái mồ”, thế mà bây giờ họ bảo tôi không có hộ khẩu sẽ không được mua nhà, nhưng đi xin hộ khẩu lại bị hỏi anh có nhà chưa. Thành ra biến con người thành “con kiến mà leo cành đa...”.

Tất cả những điều đó trái với tinh thần của hiến pháp, trái với lời văn của hiến pháp. Nó không chỉ hạn chế quyền tự do cư trú mà còn hạn chế cả những quyền khác nữa.

* Như vậy, bản thân hộ khẩu đâu có lỗi, lỗi là do chúng ta đặt ra quá nhiều qui định phải đi kèm với việc có hộ khẩu?

- Lẽ ra khi chuyển sang thời đổi mới, chúng ta phải tính toán xem cái gì của thời kỳ bao cấp quản lý bằng hộ khẩu là cần thiết thì duy trì. Chúng ta chưa kịp tính vì xem việc đó là bình thường, về sau nó kéo theo bao nhiêu hậu quả. Nói cách khác, hộ khẩu đã hết "sứ mệnh lịch sử".

* Ông cho rằng quản lý dân sự theo chứng minh thư là một giải pháp?

- Ở một số nước, khi một người sinh ra, người ta gắn cho họ một số và số đó được ghi vào trong chứng minh thư. Trong điều kiện điện tử hóa như hiện nay, chúng ta đưa hết dữ liệu vào máy, bấm một cái sẽ biết hết về con người đó.

Hiện nay người ta đang lấy lý do quản lý dân sự để đề nghị tiếp tục duy trì hộ khẩu. Trên thực tế thì sao? Những người dân ngoại tỉnh vẫn sống ở thành phố bình thường và không có vấn đề gì giữa người có và không có hộ khẩu. Chỉ đến lúc cần đến Nhà nước mới cần có hộ khẩu. Duy trì hộ khẩu nghĩa là chúng ta tự phức tạp hóa, gây khó cho chính mình.

* Thưa ông, khi ông còn là bộ trưởng Bộ Tư pháp, tại sao ông không đặt ra vấn đề này?

- Trước đây việc kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp của văn bản pháp luật là do Viện Kiểm sát thực hiện. Sau này việc đó mới chuyển sang Bộ Tư pháp và năm ngoái họ mới làm lần đầu tiên (kiểm tra tình hình ra văn bản trái luật tại các địa phương - PV). Trước đây có thời gian dài chúng ta chấp nhận hộ khẩu theo thói quen, nhưng sau này tình hình dân trí cao lên, đòi hỏi dân chủ cao hơn, qua đó ngày càng bộc lộ những mặt trái của việc quản lý bằng hộ khẩu.

Ngoài ra, chúng ta chưa dành cho người dân quyền đi kiện một qui định nào đó của pháp luật. Khi có tòa bảo hiến, một qui định nào trái với hiến pháp sẽ bị người dân kiện ra tòa dù là luật hay nghị định, tòa bảo hiến đều xem xét coi văn bản đó có hợp với hiến pháp không. Nếu tòa tuyên văn bản đó vi phạm hiến pháp, nó sẽ bất hiệu lực. Nhưng chúng ta chưa giao quyền đó cho người dân. Người dân mới chỉ biết kêu thôi.

* Xin cảm ơn ông.

KHIẾT HƯNG  (Báo Tuổi trẻ)

 

      Sổ hộ khẩu là sổ chứng nhận nơi thường trú của công dân VN do cơ quan quản lý cư trú có thẩm quyền cấp cho cá nhân, hộ gia đình. Sổ hộ khẩu được cấp cho cá nhân, hộ gia đình đã đăng ký thường trú hoặc đã đăng ký tạm trú từ một năm trở lên.

Sổ hộ khẩu được cấp cho cá nhân gồm người chưa thành niên từ 15 tuổi trở lên có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha mẹ; người được giám hộ từ 15 tuổi trở lên có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ; người từ 18 tuổi trở lên có đủ năng lực hành vi dân sự, sống độc lập với hộ gia đình của người đó, có chỗ ở hợp pháp… Đối với gia đình, sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình và mỗi hộ gia đình cử một người từ 18 tuổi trở lên làm chủ hộ. 

(Trích dự thảo Luật cư trú)