Dự án Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

10/03/2006
Dự án Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là loại hoạt động dịch vụ có điều kiện, cần được quản lý chặt chẽ bằng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp cấp phép và quản lý, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ. Việc cho phép doanh nghiệp giao nhiệm vụ cho quá nhiều chi nhánh mà chính bản thân doanh nghiệp cũng không quản lý được sẽ dẫn đến tuỳ tiện tuyển chọn, đào tạo, thu phí của người lao động trái pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh

Đó là một trong những nội dung quan trọng được thể hiện trong Tờ trình Quốc hội về Dự án Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo.

 Hiện nay, tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài khoảng 400.000 người. Chất lượng nguồn lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài từng bước được cải thiện, đội ngũ doanh nghiệp được hình thành, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả... Tuy nhiên, hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường trong nước và nhu cầu việc làm ngoài nước. Thị trường lao động ngoài nước phát triển nhưng chưa ổn định. Trình độ tay nghề, ngoại ngữ của người lao động Việt Nam chưa cao. Một số nơi còn xảy ra tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp, nhất là ở những thị trường có thu nhập cao. Hoạt động lừa đảo của các tổ chức, cá nhân không có chức năng còn xảy ra ở một vài địa phương, cơ sở. Công tác quản lý của nhiều doanh nghiệp còn bất cập, chưa bảo vệ tốt quyền lợi của người lao động làm việc ở ngoài nước. Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm còn hạn chế.

Dự thảo Luật quy định doanh nghiệp chỉ được giao nhiệm vụ cho không quá hai chi nhánh có đủ các điều kiện thực hiện một số nội dung trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không được ký hợp đồng cung ứng lao động và hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, không được thu phí dịch vụ, phí môi giới và tiền ký quỹ của người lao động.

Với mục tiêu phát triển, quản lý chặt chẽ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và xử lý nghiêm các vi phạm, Chính phủ đã xem xét và trình Quốc hội Dự án này. Theo đó, Dự thảo Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gồm 8 chương, 69 điều với những nội dung cơ bản về những quy định chung; doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; người lao động đi làm việc ở nước ngoài; dạy và học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng; quỹ hỗ trợ phát triển việc làm ngoài nước; quản lý Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm...

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật lần này là quy định về các điều kiện để doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Dự thảo Luật quy định doanh nghiệp chỉ được giao nhiệm vụ cho không quá hai chi nhánh có đủ các điều kiện thực hiện một số nội dung trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không được ký hợp đồng cung ứng lao động và hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, không được thu phí dịch vụ, phí môi giới và tiền ký quỹ của người lao động. Đối với hình thức tổ chức sự nghiệp của Nhà nước đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Dự thảo Luật quy định hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, người điều hành tổ chức sự nghiệp phải có trình độ đại học trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hợp tác quốc tế.

Do các vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong nhiều trường hợp xảy ra ở nước ngoài, song pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành lại chưa quy định cụ thể xử phạt đối với các vi  phạm loại này, nên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng cần thiết có các quy định về hình thức, thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính nói trên trong Dự án luật này./.

Theo Website của Chính phủ