Sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Phí và Lệ phí

23/03/2006
Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về Phí và Lệ phí. Một trong những điểm nổi bật của sửa đổi lần này là việc sẽ đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, bổ sung thêm các trường hợp được miễn phí và thêm một số khoản phí chưa có trong danh mục... Ông Quách Đức Pháp - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) trao đổi ý kiến về vấn đề này.
* Ông có thể cho biết Pháp lệnh về Phí và Lệ phí ban hành đã đạt được kết quả như thế nào trong thời gian qua và tại sao phải sửa đổi?

- Vào những năm trước năm 2000 tình hình phí và lệ phí ở nước ta rất lộn xộn, không thể kiểm soát được. Sau khi có Nghị định số 57/2002/NĐ - CP ngày 3-6-2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về Phí và Lệ phí ra đời, với mục đích lập lại trật tự về tình hình thu phí và lệ phí ở nước ta nên đã có những quy định rất chặt chẽ như: Những loại phí, lệ phí có tên trong Nghị định mới được thu, những loại phí chưa có hướng dẫn thi hành cũng không được thu; phân cấp rõ ràng cấp nào được ban hành những loại phí gì; đặc biệt, lần đầu tiên đưa ra quy định về mức thu sao cho hợp lý....

Căn cứ vào đó Bộ Tài chính đã rà soát và loại bỏ được trên 300 loại phí và lệ phí không có tên trong danh mục; hạ được giá phí, lệ phí xuống mức hợp lý. Nhiều loại phí và lệ phí đã được rà soát lại, hầu hết các ngành đều giảm được nhiều loại thu như: Hàng hải giảm được 30%, cầu đường giảm 20%, thông tin liên lạc. Các thẻ ưu tiên cũng góp phần đem lại sự công bằng trong công tác nộp phí và lệ phí... Mặc dù, các khoản thu có giảm nhưng tổng thu phí lại không những không giảm mà còn tăng, hằng năm thu về cho ngân sách Nhà nước xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Đây chính là thắng lợi lớn nhất của thu phí và lệ phí trong thời gian qua.

Tuy nhiên, hiện nay trước những phát sinh từ thực tế cuộc sống một số điều trong Nghị định 57/2002/NĐ-CP chưa phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam. Cũng có những khoản phí, lệ phí mới phát sinh không có tên trong danh mục nhưng lại phát sinh trong quá trình thực hiện các điều ước quốc tế như: Phí phê duyệt, đánh giá kế hoạch an ninh tàu biển, lệ phí cầu chứng nhận an ninh tàu biển, phí thẩm định đánh giá an ninh cảng biển... Chính vì thế cần phải sửa đổi bổ sung để công tác thu phí và lệ phí phù hợp với tình hình hiện nay.

* Vậy sẽ có bao nhiêu khoản phí và lệ phí sẽ được bổ sung và sửa đổi?

Tại Nghị định 24/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung lần này, sử dụng tiền phí và lệ phí sẽ được bổ sung các điểm sau:

- Khấu hao tài sản cố định sử dụng cho việc thu phí.

- Chi tiền lương cho lao động thu phí: Không được chi tiền lương cho những cán bộ đã được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

- Chi khen thưởng, phúc lợi: Nếu số thu cao hơn năm trước thì được trích tối đa là ba tháng lương, nếu số thu bằng hoặc thấp hơn năm trước thì chỉ được cho tối đa bằng hai tháng lương.


Nghị định 24/2006/NĐ-CP sửa đổi bổ sung lần này sẽ thêm vào danh mục 19 khoản phí và lệ phí mà pháp luật chuyên ngành mới ban hành như: Phí thẩm định thiết kế cơ sở được ban hành theo Luật Xây dựng năm 2003, phí phá sản theo Luật Phá sản năm 2004, lệ phí kháng cáo theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Đồng thời, đưa ra khỏi danh mục 13 khoản phí đã được thực hiện theo Pháp lệnh Giá hoặc trong thực tế không sử dụng: Phí sử dụng cơ sở hạ tầng cảng hàng không, phí trọng tài, lệ phí dán tem kiểm soát xuất bản phẩm...

* Một trong những nội dung sửa đổi của công tác phí và lệ phí đó là việc đẩy mạnh phân cấp. Vậy chủ trương này cụ thể là như thế nào?

- Đúng thế. Tại Nghị định số 08/2001/NĐ- CP đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp cho các cấp địa phương và đến nay thấy rằng việc thực hiện cũng khá tốt. Đồng thời thực hiện Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30-6-2004 của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền cấp tỉnh nên trong Dự thảo Nghị định đã phân cấp thêm 10 khoản phí và 18 khoản lệ phí gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền cấp tỉnh như: Phí thẩm định kết quả đấu thầu, phí thẩm định cảng cá, lệ phí địa chính, lệ phí cấp giấy phép xây dựng, lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...

* Trong NĐ 24/2006 sửa đổi, bổ sung lần này cũng có đề cập đến vấn đề miễn, giảm phí và lệ phí. Có quy định các trường hợp cụ thể và dựa theo tiêu chí nào không, thưa ông?

- Về nguyên tắc là không miễn giảm. Tuy nhiên, ngoài các trường hợp đã có quy định từ trước thì sửa đổi, bổ sung lần này có thêm một số trường hợp bất khả kháng như: Xe chở bệnh nhân đi cấp cứu (không phải là xe cứu thương), xe tham gia vào việc chở thuốc men, máy móc, thiết bị vật tư, hàng hoá đến những vùng thiên tai, dịch bệnh... sẽ miễn phí cầu đường. Trên các tuyến quốc lộ phí cầu đường đối với xe máy được miễn hoàn toàn. Còn đối với tỉnh lộ thì do địa phương quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với tình hình cải cách hành chính của địa phương. Đồng thời miễn một số lệ phí đối với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa như lệ phí đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi...

* Xin cảm ơn ông!

(Thời báo Tài chính)