Quy định về đặt biển hiệu: Quyết định ''đá'' nghị định

22/03/2006
UBND TP Hồ Chí Minh ra Quyết định số 108/2002/QĐ-UB lại ''đẻ'' thêm một quy định ngoài NĐ 11/2006/CP : "Kích thước của bảng hiệu tối đa 1,2mx8m. Mỗi địa điểm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chỉ treo, gắn 1 bảng hiệu".

 

Sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 1387/QĐ-TTg ngày 29/12/2005 về việc yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bãi bỏ các văn bản trái luật đã ban hành và được một số nơi thực thi thì có khá nhiều đơn thư bạn đọc gửi đến Báo CAND tiếp tục yêu cầu điều chỉnh một số quyết định "vượt rào" của tỉnh, thành nơi họ cư ngụ. Trong đó, riêng ở TP Hồ Chí Minh, đơn thư tập trung nhiều ở quy định đặt biển hiệu, vì ở lĩnh vực này có liên quan đến hàng chục, hàng trăm ngàn đơn vị, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố. Vì các quy định chưa cụ thể, thiếu tính đồng nhất không chỉ gây lúng túng cho người dân mà còn tạo điều kiện cho cán bộ thực thi gây khó khăn, sách nhiễu người kinh doanh.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cách đây hơn 10 năm, Chính phủ ban hành Nghị định  87/CP, trong đó, ở chương 6 có quy định: "Việc viết biển hiệu nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân không phải xin phép nhưng phải tuân thủ những quy định như: Phải ghi đầy đủ tên gọi bằng chữ Việt Nam theo đúng quyết định thành lập, giấy phép kinh doanh; tên cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp, địa chỉ giao dịch, ngành nghề kinh doanh; tên riêng, tên giao dịch quốc tế bằng tiếng nước ngoài có kích thước không được lớn hơn chữ Việt Nam viết trên cùng biển hiệu…".

Gần 6 năm sau, Chính phủ mới ban hành NĐ số 31/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin. Tuy nhiên, khoản 1, điểm a, Điều 49 của NĐ này lại quy định mức xử phạt đối với hành vi "treo, đặt biển hiệu có kích thước, màu sắc, kiểu chữ không đúng quy định" mà quy định này hoàn toàn không có trong NĐ 87/CP.

Rồi năm 2002, UBND TP Hồ Chí Minh ra Quyết định số 108/2002/QĐ-UB lại "đẻ" thêm một quy định ngoài NĐ, đó là "kích thước của bảng hiệu tối đa 1,2mx8m. Mỗi địa điểm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chỉ treo, gắn 1 bảng hiệu". Đến đầu năm 2006, Chính phủ ban hành NĐ 11/CP để thay thế NĐ 87/CP, có hiệu lực kể từ ngày 31/1/2006. Trong đó, chỉ có một điểm khác rất quan trọng là "biển hiệu phải đảm bảo mỹ quan". Tuy nhiên, giống như trước đây, NĐ đã có hiệu lực nhưng lại chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Từ đó, xảy ra tình trạng các địa phương vẫn xử lý vi phạm theo quy định cũ.

Mặt khác, vì hiện tại điều khoản quy định về đặt biển hiệu trong QĐ 108 của UBND TP Hồ Chí Minh chưa được chỉnh sửa nên người dân dù có làm đúng theo NĐ 11/CP thì vẫn vi phạm quyết định của TP.

Đơn cử như trường hợp của Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi bị UBND phường 11 (quận 10) lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi "treo đặt biển hiệu có kích thước, màu sắc, kiểu chữ không đúng quy định" tại chi nhánh ở số 318, Điện Biên Phủ vào ngày 22/2. Qua xác minh của chúng tôi thì Doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi hoàn toàn không làm sai quy định của NĐ 11/CP nhưng cán bộ văn hóa thông tin của phường 11 thì lại đem NĐ 31 và QĐ 108 ra để "xử" nên mới có sự nhập nhằng này.

Có ba vấn đề cơ quan chức năng cần xem xét để có sự thay đổi, điều chỉnh cho hợp lý, đó là: Khi NĐ ban hành thì nhanh chóng có hướng dẫn thi hành, càng cụ thể càng tốt để tránh tình trạng chính quyền địa phương làm khó người dân khi quy định chung chung, muốn áp dụng sao cũng được. Thứ hai, khi ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính cần bám sát nội dung với những quy định trước đó. Thứ ba, khi phát hiện những văn bản trái luật hay ngoài phạm vi điều chỉnh của luật thì cần sớm bãi bỏ, hoặc điều chỉnh kịp thời.

(Theo CAND)