Quản lý hoạt động bán đấu giá tài sản ở địa phương: Cần tăng cường vai trò của sở tư pháp

14/01/2009
Năm 2008 là năm công tác bán đấu giá tài sản (BĐGTS) có nhiều chuyển biến tích cực. Sự ra đời của nhiều tổ chức BĐG (Trung tâm dịch vụ BĐGTS, các doanh nghiệp BĐGTS) đồng nghĩa với việc tăng trách nhiệm của các Sở Tư pháp địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, vai trò của Sở Tư pháp nhiều nơi lại rất mờ nhạt.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, đến nay cả nước đã có 62/63 tỉnh, TP thành lập Trung tâm dịch vụ BĐGTS (riêng Lai Châu chưa có Trung tâm). Thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động BĐGTS, đến nay số lượng Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng tăng lên đáng kể (71 DN), tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhiều DN đã có chi nhánh ở ngoại tỉnh làm cho hoạt động BĐGTS ngày càng trở nên sôi nổi, tính cạnh tranh cao, nhưng điều đó cũng làm cho môi trường đấu giá ngày càng phức tạp (trước đây hoạt động này thuần tuý hơn do Nghị định 86/CP cũ chưa công nhận hoạt động của các DN BĐGTS mà chỉ có các Trung tâm thuộc Sở Tư pháp). Đặc biệt là năm vừa qua là năm gia tăng đáng kể số lượng đấu giá viên (hiện Bộ Tư pháp đã cấp thẻ đấu giá viên cho 350 người, trong đó có đến 198 đấu giá viên của các doanh nghiệp hoạt động đấu giá). Đây là mô hình mới, các đấu giá viên cũng mới được cấp thẻ nên cần thiết hơn bao giờ hết là hoạt động thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.

Theo quy định hiện hành, Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh, TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực tư pháp, trong đó có hoạt động BĐGTS. Nghị định 05 về BĐGTS ngày 18/1/2005 cũng quy định rõ, một trong 4 chức năng chính của UBND cấp tỉnh là kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động BĐGTS trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền. Quy định như vậy, nhưng thực tế Sở Tư pháp chỉ quản lý tổ chức và hoạt động của các Trung tâm BĐGTS, còn đối với các tổ chức khác (như Doanh nghiệp và các Hội đồng BĐGTS) thì gần như bị bỏ ngỏ. Điều đó dẫn đến tình trạng hoạt động BĐG diễn ra khá lộn xộn ở nhiều nơi. Điển hình như tại địa bàn Hà Nội (cũ) chỉ qua vài chuyến kiểm tra với các doanh nghiệp hoạt động BĐGTS, Sở Tư pháp đã phát hiện ra gần chục doanh nghiệp “ma”. Có DN đăng ký nhưng lại không có trụ sở, không có phương tiện hoạt động, đấu giá viên được cấp thẻ nhưng lại không hoạt động đúng nghề mà đi làm việc khác…Tình trạng này cũng xảy ra ở một số địa phương, thậm chí có những DN thành lập ở địa bàn này nhưng lại quảng cáo rầm rộ ở địa bàn khác và có nhiều chiêu thức cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức BĐGTS khác. Bên cạnh đó, tình trạng “cò mồi”, hoặc sai phạm trong chính các Trung tâm BĐG thuộc Sở Tư pháp cũng không phải ít. Đánh giá hoạt động BĐGTS năm 2008, bà Nguyễn Thị Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp cũng thừa nhận: công tác kiểm tra, thanh tra về tổ chức, hoạt động BĐGTS ở một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên và chưa được quan tâm đúng mức.

Một trong những nguyên nhân rất đáng kể khiến cho các Sở Tư pháp chưa phát huy được vai trò của mình trong hoạt động BĐGTS là đội ngũ cán bộ quản lý nhiều nơi còn thiếu và hạn chế về trình độ. Hiện nay ở các Sở Tư pháp thường chỉ có 1 – 2 cán bộ phụ trách công tác BĐGTS, lại chưa được tập huấn một cách chuyên sâu nên nghiệp vụ không nhiều. Trong khi đó để phát hiện sai phạm của các tổ chức BĐG thì không hề đơn giản vì nó còn liên quan đến nhiều lĩnh vực đòi hỏi các cán bộ quản lý phải có hiểu biết vừa chuyên sâu vừa toàn diện.

“Hoạt động BĐGTS phải được chuyên nghiệp hơn”, ông Nguyễn Đại Dân, Giám đốc Trung tâm dịch vụ BĐGTS Hải Dương khẳng định. “Nhưng muốn chuyên nghiệp phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho những người đang hành nghề đấu giá, đặc biệt phải nâng cao tiêu chuẩn cho đấu giá viên bởi hiện nay quy định cấp thẻ đấu giá quá dễ dàng”. Theo ông Dân, một trong những tiêu chuẩn về trình độ cấp thẻ đấu giá viên là chỉ cần có bằng cử nhân Luật mà không cần phải qua trường lớp đào tạo về hành nghề đấu giá là được cấp thẻ đấu giá. Quy định này sẽ dẫn đến tình trạng cấp thẻ ồ ạt cho nhiều đấu giá viên của các doanh nghiệp hoạt động đấu giá mà trình độ của họ nếu có “vấn đề” mà không thanh tra, kiểm tra thì cũng không có cách gì biết được.

 Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 05 về BGĐGTS. Chủ trương vẫn tiếp tục khuyến khích phát triển các doanh nghiệp BĐGTS và củng cố, phát triển các Trung tâm hiện có, Nghị định mới còn quy định theo hướng nâng cao vai trò của Sở Tư pháp và các Sở, ngành ở địa phương trong việc phối hợp quản lý nhà nước trong lĩnh vực BĐGTS để kịp thời phát hiện, hạn chế tiêu cực, sai phạm. Bên cạnh đó, các địa phương còn đề nghị cần có chính sách khuyến khích vật chất đối với các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật về BĐGTS. Đồng thời, phải xử phạt thật nghiêm các sai phạm về BĐG, đặc biệt là việc BĐG các tài sản của nhà nước để tránh thất thoát, lãng phí.

Thu Hằng

UBND tỉnh, TP trực thuộc TW quản lý hoạt động BĐGTS tại địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1.Quyết định thành lập Trung tâm, bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc Trung tâm.

2.Bảo đảm biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc cho Trung tâm

3.Quy định cụ thể về mức phí đấu giá tại địa phương căn cứ vào quyết định của HĐND tỉnh, TP trực thuộc TW

4. Kiểm tra, thanh tra về tổ chức và hoạt động BĐGTS trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền.

(Điều 46 Nghị định 05 ngày 18/1/2005 về BĐGTS)