Tiếp theo các bài viết trước đây của tác giả Đặng Hoàng Oanh về cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án (trọng tài, hoà giải) tại Australia, Tây Ban Nha và một số nước khác, chúng tôi xin giới thiệu một nghiên cứu nữa về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại tại Nhật Bản, một đất nước có nhiều nét văn hoá Á Đông tương đồng với Việt Nam. Mục đích của bài viết là cung cấp một số thông tin pháp luật so sánh nhằm phục vụ việc hoàn thiện thể chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại tại Việt Nam, trong đó có việc xây dựng Luật trọng tài thương mại và Luật hoà giải.
Bài viết gồm 2 phần. Phần 1 giới thiệu tổng quan hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại tại Nhật Bản. Trong phần này, những đặc thù của xã hội Nhật Bản và phương thức giải quyết tranh chấp thương mại truyền thống cũng như ảnh hưởng của những biến đổi xã hội tới các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại sẽ được nghiên cứu, phân tích kỹ để hiểu rõ hơn lý do chiếm ưu thế của các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án (thương lượng, hoà giải, trọng tài) tại Nhật Bản. Phần 2 của bài viết sẽ giới thiệu một cách chi tiết pháp luật điều chỉnh giải quyết tranh chấp thương mại tại Nhật Bản với đa dạng mọi loại hình, cả giải quyết tranh chấp trong, lẫn ngoài Toà án. Các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án bằng phương thức hoà giải, trọng tài với quy tắc tố tụng vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt cũng sẽ được giới thiệu trong phần 2 của bài viết, nhằm đưa ra một bức tranh tổng thể, toàn diện về hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại tại Nhật Bản với nhiều nét đặc thù có thể tham khảo áp dụng cho Việt Nam..
I. TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI TẠI NHẬT BẢN
1. Những đặc thù của xã hội Nhật bản và phương thức giải quyết tranh chấp thương mại truyền thống.
Nhật bản có ảnh hưởng từ nền pháp luật đương đại và hệ thống tư pháp của Châu Âu hàng thế kỷ trước. Đất nước này cũng đã tiến hành tự do hoá hệ thống tư pháp nhằm tăng cường nhà nước pháp quyền trong quá trình dân chủ hoá hàng nửa thế kỷ trước đây. Tuy nhiên, người dân thường tại Nhật bản coi pháp luật không hẳn là công cụ để giải quyết tranh chấp, mà là công cụ của Chính phủ, hoặc thậm chí là công cụ của nhà cầm quyền sử dụng để trừng phạt, như pháp luật của Trung quốc trước đây mà Nhật bản đã du nhập từ hồi cổ xưa. Nhật bản là đất nước thuần nhất về văn hoá, chủng tộc và chịu ảnh hưởng của đạo Khổng từ hơn một nghìn năm trước đây. Người dân Nhật bản chia sẻ cho nhau nhiều giá trị và hiểu nhau dễ dàng hơn người Mỹ - một đất nước được mô tả như một cái hũ chứa đựng mọi chủng tộc khác nhau. Giá trị đạo đức được đặc biệt chú trọng tại Nhật bản hơn bất kỳ quốc gia nào. Một lời xin lỗi cá nhân, hay sự thể hiện lòng thông cảm, thay bằng sự khẳng định độc đoán rằng vấn đề này là đúng, có thể ngăn được một tranh chấp thực sự, hoặc có thể làm đơn giản hoá việc giải quyết tranh chấp. Pháp luật, vì thế chỉ là hình thức, được coi là “tatemae” (ý tưởng không thực tế, không tưởng) trong việc thiết lập những chuẩn mực và nguyên tắc pháp lý. Đặc trưng của việc giải quyết tranh chấp thương mại một cách hoàn toàn không hình thức tại Nhật bản là ở chỗ, người dân nước này thường cố tránh hình thức giải quyết tranh chấp tại Toà án và thay vào đó là giải quyết bằng hoà giải, hay bằng một phương thức không có sự can thiệp của bên thứ ba. Điều này thể hiện ở tỉ lệ rất thấp các vụ kiện tụng, đặc biệt là trong các vụ tranh chấp hành chính mà Chính phủ là bị đơn, và một mặt, theo đó, là quan điểm tự kiềm chế của Toà án, đối với các vụ kiện hành chính. Nói một cách khác, quan niệm về pháp quyền của các cơ quan tư pháp còn hạn chế cả về số lượng cũng như chất lượng, và Toà án thông thường là rất hạn chế trong việc can thiệp vào các nhánh hành pháp và lập pháp. Ví dụ, năm 1997, tỉ lệ các vụ giải quyết tranh chấp tại Toà án của Nhật bản chỉ bằng 1/6 của nước Anh hoặc xứ Wales.Còn trước đó, năm 1990, tỉ lệ này còn thấp hơn, chỉ bằng 1/10 tại nước Anh và 1/15 của nước Đức.
Khuynh hướng trên ít nhiều được tìm thấy trong cộng đồng kinh doanh. Mặc dù chưa làm rõ được những sự khác nhau trong vấn đề so sánh pháp lý nhân loại học, thì các doanh nhân nước ngoài cũng nên thức tỉnh rằng, thực tiễn giải quyết tranh chấp của Nhật bản rất khác so với ở nước họ. Tranh chấp thương mại thường trước tiên được giải quyết trong khuôn khổ những quan hệ nhất định: ví dụ, tập đoàn gia đình hay dòng họ, quan hệ kinh doanh và quan hệ với các bộ điều hành. Các quan hệ này hình thành nên một chiến lược kinh doanh được điều hành bởi chính sách của các bộ, bao gồm cả việc ngăn ngừa tranh chấp, và các kênh giải quyết thông qua cách tiếp cận nhất quán bằng tin tưởng lẫn nhau đang tồn tại trong các quan hệ gần gũi, ví dụ như những nhóm tập đoàn kinh doanh. Nói cách khác, tranh chấp thương mại thường được giải quyết không phải tại Toà án, mà là trong Câu lạc bộ, trước hết là thông qua phương thức thương lượng lẫn nhau. Trong trường hợp không tự thoả thuận được, thì doanh nhân Nhật bản sử dụng phương thức hoà giải (thông thường là hoà giải không chính thức), hoặc thông qua phương thức trọng tài hay Toà án.
2. Ảnh hưởng của biến đổi xã hội tới các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại
Trình tự giải quyết các vụ tranh chấp thương mại tại Toà án được quy định chung trong Bộ luật về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1890. Đây là Bộ luật hiện đại đầu tiên về Tố tụng Dân sự của Nhật bản trong thời Minh trị. Bộ Luật này được mô phỏng theo hình mẫu của Bộ luật Đức. Sau đó, Bộ luật này được sửa đổi về nội dung năm 1926, học tập những quy định của Bộ luật Áo năm 1895 nhằm tăng cường vai trò của các thẩm phán, theo chi phí của các bên. Sở dĩ có điều này là vì xã hội Nhật bản lúc đó thiếu các điều kiện để đảm bảo quyền tự quản của các bên, và việc Toà án trì hoãn các vụ án trở nên rất nghiêm trọng . Tuy nhiên, từ sau Thế chiến II, cùng với sự ra đời của Hiến pháp mới, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Hiến pháp Mỹ, hệ thống xét xử của Nhật bản lại một lần nữa có những biến động mới. Pháp luật Nhật bản cũng đã tiếp cận và chịu ảnh hưởng của hệ thống tranh tụng của hệ thống pháp luật Mỹ với việc đề cao nguyên tắc thuộc hệ thống xét xử đối kháng. Theo quy định mới của pháp tố tụng dân sự, quyền đương nhiên được kiểm tra nhân chứng của Toà án trước kia đã bị bác bỏ và thay vào đó là hệ thống kiểm tra chéo do các bên đương sự tiến hành. Với những thay đổi tích cực đề cao trách nhiệm của các bên đương sự trong quá trình xét xử, sử dụng tích cực các thủ tục tiền xét xử …., pháp luật Nhật bản , vì thế được phát triển theo hướng ngày càng dân chủ hoá hơn.
Tuy cũng đã qua nhiều lần sửa đổi, nhưng sự chậm trễ, không hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp của các Toà án Nhật vẫn luôn là vấn đề bị chỉ trích. Từ năm 1980 trở đi, các Toà án Nhật đã bắt đầu có những nỗ lực cần thiết để tăng cường hiệu quả của Toà án, trong khuôn khổ của Bộ luật về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Vào năm 1990, Hội đồng lập pháp (trực thuộc Bộ Tư pháp) của Nhật đã bắt đầu xem xét, rà soát lại Bộ luật này, dựa trên những kết quả thực tiễn của quá trình cải cách từ những năm 80.
Bộ luật Tố tụng dân sự được ban hành ngày 18 tháng 6 năm 1996 (Bộ luật số 109 năm 1996) cùng với những quy định mới về tố tụng dân sự do Toà án tối cao ban hành ngày 17 tháng 12 năm 6, đã có hiệu lực vào tháng 1 năm 1998. Bộ luật Tố tụng Dân sự này đã gần như thay thế toàn bộ Bộ luật cũ năm 1890.
So với thời gian trước, thì từ năm 1990 trở lại đây, tỉ lệ giải quyết tranh chấp tại Toà án đã tăng dần lên rõ rệt. Tới năm 1997, tỉ lệ này đã tăng gấp đôi so với năm 1990. Theo kết quả những lần khảo sát gần đây của một hiệp hội kinh doanh, thì các công ty Nhật bản đã lường trước được sự gia tăng của các vụ tranh chấp, và họ lại ngày càng ưa chuộng hình thức giải quyết tranh chấp bằng Toà án.
Tuy nhiên, như trên đã nói, về bản chất, Nhật bản là một dân tộc thuần nhất, hoà hợp. Người dân Nhật bản vốn rất né tránh việc giải quyết các bất đồng của họ một cách công khai, chính thức. Mọi hình thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba, đều là yếu tố cần cân nhắc trong xã hội Nhật bản. Chính vì vậy, khi tranh chấp thương mại xảy ra, phương thức mà các doanh nhân Nhật bản ưa chuộng lựa chọn nhất, vẫn là các biện pháp ngoài Toà án, như thương lượng, hoà giải và sau đó là trọng tài hay Toà án. Ngoài ra, với các khiếu kiện hành chính liên quan đến hoạt động thương mại, theo quy định của pháp luật, các doanh nhân có thể đưa ra giải quyết tại Toà án. Ở Nhật không có Toà hành chính chuyên trách như ở Việt Nam. Mọi vụ khiếu kiện hành chính phải được đưa ra Toà án có thẩm quyền (Toà giản lược hoặc Toà cấp Quận) giải quyết. Nếu không đồng tình với bản án của các Toà án này, các bên có thể đưa đơn kháng án lên Toà án cấp cao, rồi Toà án tối cao để giải quyết. Tuy nhiên, riêng với các khiếu kiện hành chính liên quan đến hoạt động thương mại, không thể không nhắc đến phương thức giải quyết không chính thức vốn được ưa chuộng của giới doanh nhân, trước khi đưa vụ việc ra giải quyết tại Toà án, đó là thông qua Văn phòng thanh tra thương mại và đầu tư. Quyết định của cơ quan này không có tính pháp lý, tuy nhiên, với tính chất là những kiến nghị được đề xuất trên cơ sở quan điểm công khai của các chuyên gia, nó cũng có những ảnh hưởng nhất định với cơ quan Nhà nước là đối tượng của khiếu nại liên quan.
Nghiên cứu dưới đây sẽ tập trung làm sáng tỏ thủ tục giải quyết các tranh chấp thương mại bằng Toà án và ngoài Toà án (ADR - thương lượng, hoà giải và trọng tài), cũng như giới thiệu cụ thể một số thiết chế giải quyết tranh chấp với chức năng cung cấp các dịch vụ thương lượng, hoà giải, trọng tài, hoà giải tại Nhật Bản.
II. CÁC PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI TẠI NHẬT BẢN
1. Thủ tục xét xử tại Toà án:
Sơ đồ hệ thống Toà án của Nhật bản như sau :
Nhật bản áp dụng chế độ 2 cấp xét xử : Cấp sơ thẩm và Cấp phúc thẩm.
Toà án cấp sơ thẩm bao gồm: Toà rút gọn, Toà gia đình và Toà cấp quận. Toà gia đình chuyên trách giải quyết các tranh chấp liên quan đến hôn nhân và gia đình và người chưa thành niên. Toà rút gọn giải quyết các kiện tụng dân sự hoặc hành chính mà giá trị vụ việc không vượt quá 900.000 Yên Nhật; hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo bị phạt tiền hoặc bị phạt không quá 15 ngày tù . Toà cấp quận giải quyết sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, hình sự, hành chính mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của 2 toà kể trên.
Toà án có quyền phúc thẩm bao gồm: Toà cấp quận, Toà Phúc thẩm và Toà án tối cao. Toà cấp quận có thẩm phúc thẩm chỉ đối với bản án sơ thẩm dân sự của Toà rút gọn , trong khi đó Toà Phúc thẩm có quyền phúc thẩm đối với bản án của Toà án quận, Toà Gia đình và bản án hình sự sơ thẩm của Toà rút gọn. Toà án tối cao có quyền phúc thẩm đối với các bản án của Toà Phúc thẩm. Trường hợp ngoại lệ , nếu như trong một vụ án dân sự được giải quyết ở Toà cấp quận , nếu như cả 2 bên đều đồng ý bỏ qua kháng cáo lên Toà Phúc thẩm mà kháng cáo trực tiếp lên Toà tối cao thì Toà tối cao có quyền phúc thẩm bản án của Toà án quận.
Nhật bản có 50 Toà cấp quận và Toà Gia đình nằm ở các trung tâm hành chính của tỉnh , thành phố trực thuộc trung ương, 438 Toà rút gọn đặt ở các địa phương , và 8 Toà Phúc thẩm đặt ở 8 thành phố lớn như Tokyo, Osaka , Nagoya , Hiroshima, Fukuoka, Sendai, Sapporo và Takamastu. Toà án tối cao đặt trụ sở tại Tokyo.
Thẩm quyền: Theo Luật tổ chức Toà án thì các vụ tranh chấp thương mại có thể được đưa ra Toà án cấp thấp nhất có thẩm quyền về địa hạt – Toà giản lược – nếu tổng giá trị của vụ việc đưa ra xét xử không quá 900.000 yên (tương đương với 1,500 USD) (Điều 33, khoản 1(1) luật Tổ chức Toà án). Có 575 Toà án thuộc loại này ở Nhật. Nếu tổng giá trị của vụ tranh chấp quá giới hạn xét xử của Toà giản lược thì các bên có thể lựa chọn đưa vụ việc ra giải quyết tại Toà án khu vực (Toà án quận). ở Nhật có 50 loại Toà án có thẩm quyền chung thuộc loại này. Tại Toà giản lược, thủ tục tranh tụng do một thẩm phán tiến hành công khai. Tại Toà Khu vực, tuỳ theo sự nghiêm trọng hay phức tạp của vụ án, mà lựa chọn 01 thẩm phán hoặc một Hội đồng thẩm phán gồm 03 thẩm phán để tiến hành vụ việc. Khoảng hơn 90% các vụ việc tại Toà khu vực do 01 thẩm phán giải quyết. Tuy nhiên, hầu hết các vụ phúc thẩm được gửi lên từ Toà Giản lược đều được Hội đồng thẩm phán xét xử.
Cũng liên quan đến Toà án có thẩm quyền, Bộ luật tố tụng dân sự quy định nguyên đơn phải gửi đơn kiện đến toà án nơi cư trú hoặc thường trú của bị đơn. Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ, trong các vụ việc đòi bồi thường thiệt hại, đơn kiện có thể được gửi tới toà án nơi xảy ra hành vi trái pháp luật, hoặc trong các vụ bất động sản, đơn kiện có thể được gửi tới toà án nơi có bất động sản đó.
Thủ tục tranh tụng:
Điều 133, khoản 1 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về nguyên tắc, một vụ việc phải được khởi kiện bằng việc nộp đơn kiện tại Toà án có thẩm quyền, trong đó nêu rõ mục đích và cơ sở của việc kiện. Thẩm phán được giao vụ việc (hoặc thẩm phán chủ toạ, nếu là vụ việc do Hội đồng thẩm phán giải quyết) có trách nhiệm kiểm tra đơn kiện, gửi giấy triệu tập cho đương sự và ấn định ngày tranh tụng. Thủ tục tranh tụng được tiến hành công khai tại Toà dưới sự chỉ đạo của thẩm phán chủ toạ. Nguyên đơn và bị đơn phải có mặt hoặc nhờ luật sư đại diện tại phiên toà để thực hiện các hành vi tố tụng như khởi kiện, khẳng định các tình tiết, đưa ra các chứng cứ v.v..Quyền hạn của người đại diện hợp pháp được pháp luật quy định. Nếu nguyên đơn hay bị đơn không có năng lực tố tụng, thì bắt buộc phải có người đại diện hợp pháp. Năng lực tố tụng và đại diện hợp pháp của một người không có năng lực tố tụng được quyết định, về nguyên tắc, theo các quy định của Bộ luật dân sự, các luật khác và quyết định của toà án (Điều 28). Trong trường hợp đối với pháp nhân thì người đại diện hợp pháp có thể là giám đốc đại diện, giám đốc hay quản đốc (Điều 29) . Giống như người đại diện hợp pháp, một người được uỷ quyền hoàn toàn đại diện cho một bên tiến hành một vụ kiện, cũng như nhận lại những hành vi tố tụng của toà án và của phía bên kia, thông qua uỷ quyền trong một vụ kiện, được gọi là là luật sư bào chữa. Phạm vi quyền hạn nhất định của bào chữa viên được quy định tại Điều 55 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Nội dung chính của yêu cầu khiếu kiện phải rõ ràng và chính xác (vụ kiện đòi thực hiện một hành vi, đòi sự khẳng định, hoặc vụ kiện đòi xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp lý). Lý do khiếu kiện cần phải được trình bày rõ ràng trong đơn kiện, là tình tiết để xác định khiếu kiện theo thủ tục tố tụng. Bộ Luật tố tụng dân sự cũng quy định việc các bên phải chuẩn bị bản tóm tắt bằng văn bản (Điều 161, khoản 1). Các vấn đề được trình bày tóm tắt (điều 161, khoản 2) đã được cho phép đưa vào đơn kiện, ví dụ viêc đưa ra chứng cứ hay tình tiết làm sáng tỏ và biện luận cho các yêu cầu của nguyên đơn. đây là những vấn đề nội dung tự nguyện được trình bày trong đơn kiện. Bản tóm tắt nộp cho Toà án sẽ được tống đạt cho bên đương sự kia. Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên tắc tranh tụng miệng, để đảm bảo công bằng cho các bên đương sự, thì nội dung nêu tại bản tóm tắt bằng văn bản không trở thành tài liệu xét xử là căn cứ để ra bản án. Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định rằng các vấn đề không được trình bày trong bản tóm tắt không thể được một bên trình bày khi tranh tụng miệng tại phiên xét xử chính thức, trừ khi có mặt của bên kia. Điều này cũng chủ yếu nhằm tránh các bên làm chậm trễ quá trình xét xử.
Đối với các vụ việc phức tạp, Toà án có thể họp chuẩn bị trước khi tiến hành thủ tục tranh tụng. Đây là thủ tục trước xét xử, với sự có mặt của cả hai bên đương sự, do một trong số các thẩm phán của hội đồng xét xử tiến hành (còn gọi là thẩm phán được uỷ nhiệm), nhằm mục đích tạo điều kiện cho quá trình xét xử được thuận lợi hơn. Tại buổi họp này, các bên đưa ra bằng chứng và lập luận làm rõ lời khẳng định của mình. Buổi họp này không cần thiết phải đưa ra công khai (có thể được tiến hành tại phòng hoà giải, hay phòng của thẩm phán), bởi lẽ Toà án không cần phải đưa ra phán quyết nào về lời khai của các bên đương sự. Thẩm phán được uỷ nhiệm xét xử không được phép quyết định việc đưa ra chứng cứ hay xem xét chứng cứ văn bản.
Điều 170, khoản 6; Điều 165, Khoản 1 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định, sau khi kết thúc thủ tục chuẩn bị tranh tụng, Toà án và các bên có thể khẳng định các tình tiết cần phải được chứng minh thông qua việc xem xét chứng cứ sau này. Thẩm phán chủ toạ có thể yêu cầu các bên nộp tài liệu nêu tóm tắt kết quả thu xếp các vấn đề và chứng cứ khi kết thúc thủ tục chuẩn bị bằng văn bản, nếu thấy thích hợp (Điều 176, khoản 4; Điều 165, Khoản 2).
Sau khi các vấn đề cốt lõi giữa các bên đương sự đã được làm sáng tỏ ở giai đoạn chuẩn bị tranh tụng, thủ tục tranh tụng được chính thức tiến hành bằng việc Toà án xem xét chứng cứ để quyết định bản chất vụ kiện. Các bằng chứng được đưa ra Toà thông qua việc kiểm tra nhân chứng, kiểm tra tài liệu, kiểm tra bằng chứng thực và bằng chứng giám định, cũng như kiểm tra chính các bên đương sự. Điều 182 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy dịnh việc xem xét nhân chứng và bản thân các bên phải được tiến hành sau khi kết thúc việc thu xếp các vấn đề và chứng cứ.
Về cơ bản, việc xem xét chứng cứ được thực hiện theo kiến nghị của các bên. Toà án có toàn quyền quyết định việc chấp thuận đưa ra chứng cứ bằng quyết định chứng cứ. Điều 181, khoản 1 quy định Toà án có thể bác việc đưa ra chứng cứ, trong trường hợp Toà thấy không cần thiết. Với những chứng cứ quá hạn và việc đưa ra chứng cứ không hợp lệ, Toà án cũng có thể bác bỏ, theo quy định tại Điều 157, khoản 1. Trong quá trình tìm hiểu sự thật, các thẩm phán không bị hạn chế bởi bất cứ đạo luật cụ thể nào về đánh giá chứng cứ. Vấn đề này thuộc quyền tự do của Toà án.Tuy nhiên, mặc dù thẩm phán hay Hội đồng thẩm phán có quyền quyết định việc chấp nhận hay bác bỏ chứng cứ, về nguyên tắc, Toà án không được phép đương nhiên lấy chứng cứ nếu chứng cứ không phải là do các bên đương sự đưa ra.
Việc kiểm tra nhân chứng được quy định tại các Điều 194 – 205 của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Nhân chứng có nghĩa vụ báo cáo tình tiết đã xảy ra ngoài tố tụng mà họ chứng kiến. Lời trình bày của nhân chứng được gọi là lời khai và việc xem xét chứng cứ dựa trên tư liệu chứng cứ này gọi là kiểm tra nhân chứng. Mặc dù về nguyên tắc, nhân chứng có nghĩa vụ phải có mặt tại phiên toà, nhưng tuỳ từng trường hợp cụ thể, nếu không có sự phản đối của các bên, thay vì kiểm tra nhân chứng, Toà án có thế yêu cầu nhân chứng trình bày bằng văn bản (Điều 205). Đây là một trong các ngoại lệ cho quá trình xét xử tại Toà Giản lược, đơn giản hơn nhiều so với thủ tục Tố tụng Dân sự chung.
Trong quá trình tranh tụng, thư ký Toà phải có mặt và ghi biên bản, bao gồm lời khẳng định và viện dẫn chứng cứ của các bên, lời khai của các nhân chứng, của chính các đương sự, cũng như của giám định viên.
Quá trình xét xử rút gọn được thực hiện tại Toà Giản lược, nhằm giúp các bên đạt được giải pháp một cách tự nguyện mà không phải qua các bước xét xử chính thức. Theo kiến nghị của các bên, thoả thuận có thể đạt được trước khi bắt đầu xét xử. Thoả thuận được ghi vào biên bản có hiệu lực như một phán quyết chính thức cuối cùng. Đây là cách thức mà các chủ nợ thường áp dụng để nhanh chóng xác lập quyền của mình. Thủ tục đơn giản là biện pháp toà án ra lệnh trả nợ ngay sau khi có đơn kiện của chủ nợ (trong trường hợp đơn kiện là đơn đòi trả tiền, chuyển tiền, chứng từ có thể chuyển nhượng hoặc các vật có giá trị khác); đồng thời ra thời hạn là 02 tuần để bên nợ thông báo về ý định tranh tụng của mình. Nếu trong thời hạn này, bên nợ không thông báo về ý định tranh tụng của mình, thì Toà án có thể ra lệnh trả nợ cùng với việc tuyên bố thi hành tạm thời, dựa trên lệnh này, chủ nợ có thể cưỡng chế việc thi hành. Trái lại, nếu bên nợ không đồng ý với lệnh của Toà thì có thể đệ đơn khiếu nại trong thời hạn quy định. Khi đơn khiếu nại được thụ lý, vụ việc có thể được chuyển sang xét xử theo thủ tục pháp lý thông thường.
Một trong các cách xét xử theo thủ tục rút gọn là giải quyết các vụ việc thông qua thoả thuận và hoà giải. Ở Nhật, trong Tố tụng Dân sự không có hệ thống xét xử bồi thẩm, nhưng có một hệ thống xét xử thông qua Uỷ ban hoà giải hoặc uỷ viên xét xử với thủ tục tương tự như hệ thống bồi thẩm. Thành phần của Uỷ viên xét xử mà Toà án lựa chọn để tham gia phiên toà và đưa ra phán xét một cách khách quan sau khi nghe các ý kiến, là những người có uy tín và kiến thức rộng rãi. Họ cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hoà giải.
Các yêu cầu chính về mặt thủ tục là:
- Vụ kiện được khởi kiện hợp thức và khiếu kiện đã được tống đạt hợp thức;
- Các bên phải tồn tại và ít nhất 1 bên phải có đủ năng lực để trở thành một bên tham gia tố tụng.
Nguyên tắc về mặt thủ tục:
Những yêu cầu về mặt thủ tục sau đây là có tính bắt buộc để Toà án có thể ra quyết định về vấn đề chính. Nếu khiếu kiện không đáp ứng một trong những yêu cầu về thủ tục trong khi vấn đề chính của vụ khiếu kiện đang được xem xét, thì Toà có thể ra quyết định bác đơn kiện (quyết định về thủ tục) mà không cần tiếp tục xem xét đến vấn đề chính của vụ kiện.
- Vụ kiện được khởi kiện hợp thức và khiếu kiện đã được tống đạt hợp thức;
- Các bên phải tồn tại và ít nhất một bên phải có đủ năng lực để trở thành một bên tham gia tố tụng .
- Bị đơn là đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án Nhật bản.
- Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ kiện
- Đơn kiện phải liên quan đến lợi ích hợp pháp và cần thiết phải có một quyết định của Toà án.
Hoà giải tại Toà án:
Hoà giải là hình thức giải quyết tranh chấp rất được chú trọng tại Nhật bản. Luật hoà giải dân sự của Nhật bản điều chỉnh sự thoả thuận tại Toà án giữa các bên trong các vấn đề dân sự và thương mại. Đây là một bước củng cố thoả thuận giải quyết tranh chấp thông qua sự nhượng bộ giữa các bên, đồng thời cũng là một hoạt động có tính thủ tục để tuyên bố và báo cáo kết quả trong một phiên toà. Việc hoà giải tại Toà án thông thường do uỷ ban hoà giải, do Toà án tổ chức và giám sát. Vì vậy, hoà giải tại Toà án khác với hoà giải ngoài Toà án. Hoà giải qua Toà cũng có thể được thực hiện trong thời gian chờ Toà xét xử (Điều 89). Toà án có thể gợi ý các bên hoà giải qua toà vào bất kỳ lúc nào trước khi toà xét xử. Điều 264 và Điều 265 quy định, về nguyên tắc, việc hoà giải qua toà phải được tuyên bố trực tiếp trong ngày tranh tụng, trong quá trình tố tụng trước tranh tụng và hoà giải vụ kiện. Khi các bên đã đạt được thoả thuận, và uỷ ban hoà giải quyết định rằng thoả thuận đó là phù hợp, thì thoả thuận được ghi vào biên bản, và có hiệu lực như một bản án của Toà án. Biên bản hoà giải bao gồm việc thực hiện cụ thể, thời hạn thực hiện và phương thức thực hiện sẽ có hiệu lực thi hành.
Ra bản án:
Thủ tục tranh tụng tại Toà có thể chấm dứt với nhiều lý do và hình thức khác nhau:
- Trong trường hợp hoà giải tại Toà án không thành, và sau khi đã xem xét chứng cứ, nếu Toà án quyết định rằng đơn kiện của một trong các bên đương sự là đúng thì toà sẽ kết thúc thủ tục tranh tụng và ra quyết định. Quyết định được công bố tại phòng xử án dưới hình thức một phán quyết trong đó nêu rõ quá trình xét xử, các yếu tố của vụ án, lý do, ngày chấm dứt tranh tụng, các bên và đại diện pháp lý của họ, lời khẳng định của cả hai bên đương sự, ngày chấm dứt tranh tụng, lý do ra quyết định, toà án nơi ra bản án, thẩm phán ra bản án sẽ ký tên và đóng dấu vào bản án. …
- Trong trường hợp phát hiện bán án trái pháp luật, Toà án có thể ra bản án thay thế trong vòng một tuần kể từ ngày tuyên án (Điều 256). Trong trường hợp này, Toà án có thể ra một bản án mới để thay đổi nội dung của bản án cũ.
Hiệu lực của bản án:
Khi một bên có quyền kháng cáo mà không nộp đơn xin kháng cáo trong thời hạn luật định, bản án sẽ có hiệu lực khi hết thời hạn đó. Thậm chí ngay cả trước khi thời hạn kháng cáo hết, nếu bên có quyền kháng cáo (các bên có quyền kháng cáo tuỳ theo mức độ thua kiện) khước từ quyền này, bản án sẽ có hiệu lực cuối cùng khi quyền đó bị khước từ.
Điều 284và 313 quy định, trong trường hợp các bên đạt được thoả thuận không kháng cáo, bản án sẽ có hiệu lực ngay khi nó được Toà tuyên. Trong trường hợp các bên đạt được thoả thuận từ bỏ kháng cáo thì bản án sẽ có hiệu lực khi thời hạn nộp kháng cáo hết.
Ngược lại, khi việc kháng cáo hợp pháp được thực hiện trong thời hạn kháng cáo, bản án sẽ chưa có hiệu lực. Cho đến khi đơn kháng cáo bị bác do không hợp lý thông qua một quyết định thì bản án vẫn bị hoãn và chưa có hiệu lực. Bản án gốc sẽ có hiệu lực vào thời điểm khi quyết định bác đơn kháng cáo có hiệu lực.
Quyết định của toà Giản lược có thể được khiếu nại lên Toà án Khu vực, và quyết định phúc thẩm của Toà án khu vực có thể được khiếu nại lên Toà án Cấp cao có thẩm quyền. Quyết định của Toà án Cấp cao có thể được khiếu nại tiếp lên Toà án Tối cao nếu có liên quan đến các vấn đề Hiến định. Tại Toà án tối cao, các vụ việc thông thường do 1 Hội đồng nhỏ bao gồm 5 thẩm phán của Toà án tối cao. Tuy nhiên, Luật tổ chức Toà án quy định: các vụ việc liên quan đến Hiến pháp sẽ do Hội đồng lớn bao gồm tất cả các thẩm phán của Toà án tối cao, tức là 15 thẩm phán.
2. Giải quyết tranh chấp ngoài Toà án:
a. Hoà giải tư (ngoài Toà án)
Hoà giải tư (ngoài Toà án) chia thành hoà giải theo vụ việc và hoà giải thiết chế. Việc giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải tư có hiệu lực như một hợp đồng theo Điều 696 của Bộ Luật Dân sự. Để kết quả hoà giải tư này có hiệu lực như một bản án, nó phải được gửi đến Toà Giản lược để ghi vào Biên bản của Toà án và bằng cách đó, thoả thuận hoà giải sẽ có hiệu lực thi hành. Để làm cho những quyết định hoà giải này có hiệu lực quốc tế, nhiều khi nó được chuyển tải thành quyết định trọng tài tuỳ thuộc vào điều khoản giải quyết tranh chấp. Hoà giải vụ việc không được coi là biện pháp giải quyết tranh chấp phù hợp tại Nhật bản bởi lẽ các bên không dễ dàng tìm được hoà giải viên phù hợp đề tiến hành một việc hoà giải có hiệu quả.
Chủ yếu do yếu tố bao trùm của thực tiễn pháp lý, bao gồm cả giải quyết tranh chấp do các luật sư tiến hành theo Điều 72 của luật về luật sư, các thiết chế tư giải quyết tranh chấp ngoài Toà án không được phát triển tại Nhật. Ngoại lệ chỉ có Công ty vận tải biển, và Hiệp hội trọng tài Nhật bản. Cả hai thiết chế này có chức năng giải quyết các tranh chấp thương mại, và cho đến giờ vẫn không được coi là đất của luật sư. Vì vậy, trung tâm trọng tài của hội luật gia mới đây cũng đã được các luật sư thành lập để mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp ngoài Toà án nhằm tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của công dân.
Các thiết chế hoà giải:
Công ty vận tải biển (JSE), và Hiệp hội trọng tài Nhật bản (JCAA) cung cấp không chỉ dịch vụ trọng tài, mà còn dịch vụ cần thiết để điều hành hoà giải, các tranh chấp trong nước và quốc tế theo quy chế về hoà giải. Theo quy chế JSSE và JCAA, các bên có thể chỉ định các hoà giải viên theo thoả thuận giữa họ, còn JSE và JCAA có thể chỉ định hoà giải viên nếu các bên đề nghị như vậy hoặc trong trường hợp các bên không tự thoả thuận được.
Nhiệm vụ của hoà giải viên cũng như ảnh hưởng pháp lý của việc hoà giải cũng tương tự như trường hợp hoà giải vụ việc ngoại trừ việc hoà giải thiết chế được điều chỉnh bởi quy chế riêng của tổ chức mình. JSE cung cấp dịch vụ hoà giải, độc lập với dịch vụ trọng tài. Đó là Quy chế hoà giải năm 1992 của JSE. Quá trình tiến hành hoà giải không nhất thiết phải được tiến hành sau khi trọng tài hay Toà án đã thụ lý vụ án, nhằm mục địch làm cho quá trình này tiến hành hiệu quả theo quy định tại Điều 19 của Quy chế hoà giải. Điều 22 của Quy chế thiết kế tương tự như Điều 20 của Quy chế hoà giải của Uỷ ban Thương mại quốc tế, cấm các bên dựa vào/ hoặc chia sẻ những chứng cứ có được trong giai đoạn hoà giải tại trọng tài hay Toà án, bất kể việc quá trình tố tụng này liên quan đến quá trình hoà giải.
Theo quy định tại Điều 16 của Quy chế, thoả thuận giải quyết tranh chấp có thể thiết kế thành quyết định trọng tài nhằm mục đích làm cho thoả thuận này có tính thi hành (kể cả ở nước ngoài). Như vậy, sau khi đã đạt được thoả thuận hoà giải, các bên tiến hành thủ tục trọng tài bằng cách chỉ định hoà giải viên với tư cách là trọng tài viên, và trọng tài viên này sẽ tuyên bố quyết định trọng tài dựa trên các điều khoản đã có của thoả thuận hoà giải. Tuy nhiên, thủ tục hoà giải này không được sử dụng nhiều lắm bởi lẽ nó không được công chúng biết đến nhiều. Một lý do nữa là trọng tài JSE có thể tiến hành hoà giải vào bất kỳ thời điểm nào theo quy định tại Điều 28 của Quy chế trọng tài, và do hầu hết các vụ tranh chấp giải quyết bằng phương thức trọng tài đều thành công.
JCAA có Quy chế hoà giải thương mại lâu đời, với vẻn vẹn chỉ 05 điều, và Quy chế này hầu như không được sử dụng. Điều này không chỉ bởi lẽ chính sách chủ yếu của JCAA là thiên về phát triển trọng tài, mà còn bởi lẽ việc hoà giải thông thường được tiến hành trong quá trình giải quyết bằng trọng tài, có sự nhất trí của các bên theo quy định tại Điều 39 của Quy chế trọng tài
Thực tế này đã được các nhà hoạt động thực tiễn của hệ thống pháp luật chung đặt câu hỏi, đặc biệt là khi đề cập đến vấn đề nền tảng của hệ thống tư pháp. Một số học giả cho rằng, mặc dù Quy chế JCAA không có điều khoản quy định về những bảo đảm nhất định cho công lý, vẫn có thể hiểu rằng những cuộc gặp cá nhân (ex parte) cho việc hoà giải thực tế (de facto) cần phải được tiến hành trên cơ sở có sự đồng ý của cả hai bên. Tuy nhiên những luật sư hành nghề của Nhật bản ngày càng thận trọng hơn với nỗ lực giải quyết tranh chấp – nhất là khi một hay hai bên tranh chấp đều từ nước có hệ thống pháp luật án lệ. Cũng rất thú vị rằng, mặt khác, nhiều luật sư hành nghề nước ngoài chấp nhận cơ chế hoà giải của trọng tài JCAA như một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài toà án. Tuy nhiên, nhiều học giả Nhật cũng rất băn khoăn về tác động của yếu tố văn hoá tới hiệu quả của phương thức hoà giải. Rõ ràng rằng không có một quan niệm và nhận thức chung về giá trị văn hoá, thì rất khó đạt được thoả thuận hay hoà giải. Vì vậy, việc trang bị kiến thức và năng lực hoà giải cho các hoà giải viên là rất quan trọng, đặc biệt là khả năng nhận thức và hài hoà giao tiếp trong hoàn cảnh khác biệt về văn hoá. Và như vậy, thông qua thực tiễn công tác, những luật sư hay các nhà kinh doanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành những quy phạm và thủ tục có tính chất công nhận và áp dụng chung cho nhiều nền văn hoá, xã hội.
Những mặt ưu và khuyết của hình thức giải quyết tranh chấp bằng phương thức hoà giải ngoài Toà án:
Giải quyết tranh chấp bằng phương thức hoà giải ngoài Toà án có ưu điểm ở tính chất đơn giản, nhanh chóng, bảo đảm bí mật cá nhân và tiết kiệm chi phí. Hoà giải viên có thể linh hoạt lựa chọn các giải quyết phù hợp và thực tế tuỳ thuộc vào nội dung của vụ tranh chấp, bởi lẽ hoà giả viên không có nghĩa vụ phải áp dụng bất kỳ một luật nào cho nội dung của vụ tranh chấp cũng như không bắt buộc phải tuân theo một thủ tục tố tụng nào của quá trình hoà giải.
Tuy nhiên, hoà giải viên lại không thể trông đợi sự hỗ trợ từ Toà án, thậm chí kể cả khi đương sự có liên quan từ chối cung cấp chứng cứ cho hoà giải viên cũng như có mặt với tư cách là nhân chứng. Thủ tục tố tụng tại Toà án vẫn là cần thiết trong trường hợp các bên trong vụ hoà giải không tự nguyện thi hành nghĩa vụ của mình theo phương thức giải quyết ôn hoà, nếu như nó chưa được chuyển đổi thành dạng quyết định trọng tài.
b. Trọng tài:
Trọng tài là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án đượccác bên lựa chọn đêr giải quyết tranh chấp thương mại. Đó là việc các bên đồng ý trước việc giải quyết một tranh chấp (thoả thuận trọng tài) bằng việc tuân thủ một phán quyết của trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba. Mặc dù việc phân xử trọng tài thường được sử dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan tới các giao dịch quốc tế, nhưng lại không được ưa chuộng trong sử dụng để giải quyết các tranh chấp trong nước.
Thoả thuận trọng tài:
Điều 786 Bộ luật tố tụng Dân sự quy định rằng thoả thuận đưa tranh chấp ra giải quyết bằng phương thức trọng tài có hiệu lực khi các bên hoàn toàn thoả thuận về đối tượng của tranh chấp. Điều 787 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định rõ ràng thêm rằng thoả thuận đưa tranh chấp giải quyết bằng trọng tài có hiệu lực chỉ khi nó liên quan đến quan hệ về quyền và tranh chấp phát sinh từ quan hệ đó. Bộ luật Tố tụng Dân sự công nhận sự khác nhau giữa thoả thuận đưa vụ tranh chấp đang có cũng như tranh chấp sẽ xảy ra trong tương lai ra giải quyết bằng trọng tài. Tuy nhiên không có sự phân biệt đặc biệt trong việc áp dụng nhiều điều khoản khác nhau quy định về trọng tài. Mỗi loại thoả thuận này đều được coi là thoả thuận trọng tài. Điều khoản trọng tài trong hợp đồng thương mại liên quan đến thoả thuận trọng tài về tranh chấp đang có và tranh chấp xảy ra trong tương lai, có hiệu lực theo quy định tại các điều 786 và 787 của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Hình thức của thoả thuận trọng tài:
Không có quy định nào tại Bộ luật Tố tụng Dân sự Nhật bản rằng thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản. Thoả thuận trọng tài có thể được lập trực tiếp hoặc gián tiếp, bằng cách nêu rõ hay thông qua hành động ngụ ý. Tuy nhiên, riêng với Quy chế của trọng tài JCAA thì “thoả thuận trọng tài phải được lập thành văn bản”.
Các bên trong trọng tài:
Không có quy định nào hạn chế việc một người viện dẫn đến trọng tài để giải quyết tranh chấp. Thẻ nhân hay pháp nhân, không phân biệt quốc tịch, có thể là một bên trong vụ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nhà nước hay cơ quan Nhà nước có thể là một bên trọng vụ trọng tài với bên kia là công dân nước mình hay công dân nước ngoài.
Bất kỳ một cá nhân nào có năng lực pháp luật hoặc năng lực ký kết hợp đồng có thể ký kết thoả thuận trọng tài cũng như có quyền thoả thuận về đối tưuợng của vụ tranh chấp. Tương tự như vậy, bất kỳ người nào, dù là thể nhân hay pháp nhân, nếu có năng lực tố tụng có thể là một bên trong vụ trọng tài.
Thẩm quyền của trọng tài:
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, chỉ những vấn đề nào có thể đưa ra Toà án mới được giải quyết bằng trọng tài. Sự định giá giá trị của tài sản trong vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài, nhưng thoả thuận về việc định giá tài sản trong giải quyết tranh chấp cho một bên thứ ba là có hiệu lực và có tính thi hành bới nó thiết lập và xác định quyền hợp đồng và nghĩa vụ giữa các bên.
Những vấn đề không thuộc đối tượng của vụ tranh chấp theo thoả thuận của các bên sẽ không được giải quyết bằng trọng tài. Một ví dụ là những vấn đề kỹ thuật của bằng phát minh sáng chế. Điều 171 của Luật Phát minh sáng chế quy định rằng những nội dung kỹ thuật của bằng phát minh sáng chế thuộc thẩm quyền xác định của Tổng giám đốc của Văn phòng Phát minh sáng chế. Giải quyết bằng trọng tài những vấn đề liên quan đến bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá v.v.. phụ thuộc vào bản chất của vấn đề, được quy định tại Điều 786 của Bộ luật. Những vấn đề như phá sản hay vi phạm luật chống độc quyền không thuộc phạm vi giải quyết bằng trọng tài.
Vấn đề độc lập của điều khoản trọng tài:
Toà án coi điều khoản trọng tài độc lập với những vấn đề khác của hợp đồng thương mại. Trong vụ việc điển hình Kokusan Kinzoku KCgyC.K.K. v. Guard-Life Corporation, Toà án đã tuyên rằng: “Khi thoả thuận trọng tài độc lập được ký kết kèm theo hợp đồng chính, vấn đề hiệu lực của thoả thuận trọng tài cần được xác định một cách độc lập với hợp đồng chính. Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, hiệu lực của thoả thuận trọng tài không trực tiếp bị ảnh hưởng thậm chí cả khi hiệu lực của hợp đồng chính bị ảnh hưởng”.
Trọng tài viên:
Tiêu chuẩn:
Bộ luật Tố tụng Dân sự không quy định tiêu chuẩn của trọng tài viên. Bất kỳ một người nào có năng lực pháp luật có thể hành nghề trọng tài. Người nước ngoài cũng có thể hành nghề trọng tài trong một vụ tố tụng trọng tài tại Nhật bản. Ban Hội thẩm trọng tài viên của JCAA liệt kê danh sách rất nhiều người với các quốc tịch và nghề nghiệp khác nhau. Một người không thường trú tại Nhật bản cũng có thể được chỉ định làm trọng tài viên. Các bên của thoả thuận trọng tài có thể đưa ra tiêu chuẩn của các trọng tài viên đã chỉ ra trong thoả thuận trọng tài.
Một nguyên tắc nền tảng của pháp luật Nhật bản là trọng tài viên cần phải khách quan. Điều 20 Quy chế trọng tài JCAA quy định: “không có ai có có quyền lợi liên quan trong vụ việc trọng tài được phép trở thành trọng tài”. Quy chế trọng tài hàng hải JSE , tại Mục 14 quy định rằng “Hội đồng trọng tài hàng hải chỉ định ứng cử trọng tài viên phải là “những người không có quan hệ gì với các bên đương sự hay nội dung của vụ tranh chấp”.
Thay đổi trọng tài viên:
Các bên trong vụ trọng tài có thể huỷ bỏ danh sách trọng tài viên khi nghi ngờ về sự không công bằng của họ. Điều 792(1) của Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định rằng các bên trong vụ trọng tài có thể thay đổi trọng tài viên dựa trên những lý do và điều kiện như khi các bên đương sự thay đổi thẩm phán trong vụ kiện tại Toà án. Thêm vào đó, Điều 792(2) quy định rằng trọng tài viên được chỉ định bằng cách khác ngoài các quy định trong thoả thuận trọng tài có thể bị thay đổi nếu không thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Các bên cũng có thể thay đổi trọng tài trong trường hợp trọng tài viên bị bệnh, câm, điếc, ốm đau v.v…
Số lượng trọng tài viên:
Bộ luật Tố tụng Dân sự không quy định số lượng trọng tài viên. Các bên có quyền tự xác định số lượng trọng tài viên. Bộ luật Tố tụng Dân sự chỉ đơn giản quy định trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng trọng tài viên. Điều 788 quy định rằng “trong trường hợp thoả thuận trọng tài không quy định về việc chỉ định trọng tài viên, mỗi bên sẽ chỉ định 1 trọng tài viên của mình”. Như vậy, Bộ luật Tố tụng Dân sự cho phép có số lượng chẵn các trọng tài viên trong một vụ việc trọng tài.
Tuy nhiên, theo Điêu 21(1) của Quy chế trọng tài JCAA, thì các bên có thể, bằng thoả thuận văn bản, chỉ định một hay nhiều trọng tài viên hoặc đưa ra số lượng và cách thức lựa chọn, cũng như thời hạn phục vụ của trọng tài viên. Điều 21(2) yêu cầu các bên thông báo cho trọng tài JCAA về những vấn đề họ đã thoả thuận tại đoạn 1 trong vòng ba tuần kể từ ngày nhận được thông báo của JCAA về việc thụ lý vụ trọng tài. Theo Điều 23, nếu các bên không thông báo cho JCAA về số lượng trọng tài viên mà họ đã thoả thuận, thì chỉ có một trọng tài viên duy nhất sẽ tiến hành vụ trọng tài, trừ trường hợp có một trong các bên đề nghị JCAA bằng văn bản về việc chỉ định 3 trọng tài viên trong thời hạn 4 tuần kể từ khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và JCAA đã chấp thuận thụ lý vụ yêu cầu đó.
Theo Quy chế trọng tài hàng hải JSE, Mục 14(1), Hội đồng trọng tài hàng hải Tokyo có nghĩa vụ chỉ định số lẻ các trọng tài viên, hoặc một trọng tài viên duy nhất.
Chỉ định trọng tài viên:
Nếu các bên không thoả thuận về phương thức chỉ định trọng tài viên, thì theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự Nhật bản, Điều 789(1), bên nguyên trong vụ trọng tài phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn về tên của trọng tài viên mà bên đó chọn, và đề nghị bị đơn cũng chỉ định trọng tài viên của mình trong thời hạn 7 ngày. Nếu trong thời hạn này mà bị đơn không chỉ định trọng tài viên của mình, thì nguyên đơn đề nghị Toà án thay mặt bị đơn chỉ định trọng tài viên.
Theo Điều 790, một bên đã chỉ định trọng tài viên sẽ bị ràng buộc với quyết định đó sau khi đã thông báo cho bên đương sự kia về trọng tài viên mà mình đã chỉ định. Ngoài ra, theo Điều 791, trong trường hợp trọng tài viên không được chỉ định tại thoả thuận trọng tài bị chết, hay bị tước chức vụ vì một lý do nào đó, hoặc trọng tài viên từ chối tuân thủ nghĩa vụ trọng tài, thì bên đã chỉ định trọng tài viên này, theo đề nghị của bên đương sự kia, sẽ chỉ định trọng tài viên khác trong thời hạn 7 ngày. Nếu quá thời hạn này, Toà án có thẩm quyền sẽ chỉ định trọng tài viên theo đề nghị của phía bên kia.
Quyền hạn và nghĩa vụ của trọng tài viên:
Luật trọng tài quy định những điều khoản sau về thủ tục trọng tài:
Trước khi đưa ra phán quyết, trọng tài cần phải nghe chất vấn các bên đương sự, và tiến hành các phiên họp khác nếu thấy cần thiết, nhằm điều tra các vấn đề là nguyên nhân của vụ tranh chấp theo Điêu 794 (1) của Luật trọng tài.
Trọng tài viên có thể thẩm tra các nhân chứng và chuyên gia đã tự nguyện có mặt, nhưng không có quyền điều chỉnh việc tuyên thệ của nhân chứng và chuyên gia theo Điều 795 của Luật trọng tài. Nếu nhân chứng hay chuyên gia không tự nguyện có mặt tại phiên xử trọng tài, thì các bên có thể đề nghị Toà án trong thẩm quyền của mình tiến hành thẩm vấn nhân chứng và đương sự theo quy định tại Điều 796(1) của luật trọng tài. Toà án đã ra lệnh triệu tập nhân chứng có thể áp dụng hình phạt với việc không có mặt tại phiên toà mà không có lý do chính đáng hình phạt hành chính không quá 100.000 yên, hoặc tạm giữ hành chính theo Điều 193, hoặc tạm giam người này theo Điều 194 của Bộ luật Tố tụng Dân sự trong trường hợp nhân chứng từ chối giám định hoặc cung cấp chứng cứ theo Điều 796(2) của Luật trọng tài.
Đối với trường hợp chuyên gia, Toà án có thể đề nghị mức hình phạt vắng mặt tại phiên toà mà không có lý do chính đáng mức phạt hành chính không quá 100,000 yên, hoặc tạm giam hình sự theo quy định tại điều 193 của Bộ luật Tố tụng Dân sự trong trường hợp chuyên gia từ chối giám định hoặc cung cấp chứng cứ.
Nếu trọng tài có đủ quyền hạn theo quy định tại Điều 797 của Luật trọng tài, trọng tài viên có thể tiếp tục thủ tục trọng tài và tuyên quyết định trọng tài, kể cả trong trường hợp các bên lấy cớ rằng thủ tục trọng tài không nên được chấp nhận, hoặc thoả thuận trọng tài vô hiệu, hoặc thoả thuận trọng tài không mô tả rõ ràng về tranh chấp, hoặc trọng tài viên không đủ thẩm quyền v.v...
Trọng tài viên có thể quyết định những vấn đề khác liên quan đến thủ tục trọng tài theo ý mình theo quy định tại Điều 794(2) của luật trọng tài.
Phí trọng tài: Không có quy định pháp luật nào điều chỉnh về phí trọng tài và điều này phụ thuộc vào thoả thuận giữa trọng tài viên và các bên trong trường hợp trọng tài vụ việc, và trong Quy chế trọng tài, đối với trọng tài thiết chế. Thậm chí trong trường hợp phí trọng tài quá cao đi nữa, thì toà án Nhật bản cũng không có quyền can thiệp bởi lẽ không có quy định nào điều chỉnh về việc này.
Đại diện của các bên: Mặc dù pháp luật không quy định đòi hỏi các bên cần có luật sư đại diện tại phiên toà, tuy vậy, mỗi bên vẫn có thể chỉ định một luật sư đại diện cho mình. Thậm chí cả luật sư nước ngoài cũng có thể được chỉ định theo Điều 58-2 của Luật về các biện pháp đặc biệt liên quan đến các vấn đề pháp lý trong kinh doanh áp dụng với luật sư nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 800 của Luật trọng tài, một quyết định trọng tài có hiệu lực pháp luật như quyết định của Toà án đối với các bên. Điều 802 quy định rằng quyết định trọng tài có thể được Toà án Nhật bản cưỡng chế thi hành theo thủ tục thi hành án, tương tự như thủ tục thi hành đối với các quyết định của Toà án.
Tóm lại, cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế - thương mại tại Nhật Bản, ngoài việc chịu ảnh hưởng của Hiến pháp và hệ thống pháp luật Mỹ và Tây Âu từ sau Thế chiến II, vẫn có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, do chịu ảnh hưởng của truyền thống văn hoá Á Đông với tư tưởng đạo Khổng từ hàng nghìn năm trước đây. Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế, việc tiếp cận và du nhập nền pháp lý dân chủ hoá của phương Tây là tất yếu và cần thiết. Tuy nhiên, những nét đặc thù của khoa học pháp lý Á Đông, thể hiện đậm nét trong chế định giải quyết tranh chấp ngoài Toà án của Nhật Bản vẫn nên được quan tâm nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện thể chế trọng tài, hoà giải của Việt Nam.
Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp
____________________________________
K. Fujikura (ed.), Japanese law and Legal Theory (Dartmouth, Aldershot, 1996), pp. xvii-xix.
See J.O. Haley, Authority without Power: Law and the Japanese Paradox (OUP, Oxforrd, 1991),pp. 58-64).
Nobuaki Iwai, một thẩm phán Nhật bản đã phát biểu rằng “ở Nhật bản, quan niệm về phương thức giải quyết tranh chấp thương mại truyền thống là các hình thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án, khác hẳn với các hình thức được chấp nhận chung phổ biến là bằng Toà án. Hình thức truyền thống này đã ảnh hưởng đến nền tư pháp hiện đại và thủ tục dân sự của Nhật bản. (N. Iwa, Some Features of Alternative Dispute Resolution in Japan and in the West - Một số đặc điểm của giải quyết tranh chấp ngoài Toà án tại Nhật bản và các nước phương Tây”. (Luận văn tốt nghiệp lưu tại trường Đại học Tỏng hợp Oxford năm 1990) tr.41). Tỉ lệ khiếu kiện tại Nhật bản nhỏ hơn một (0,125%) của khiếu kiện tại Liên bang Đức (S. Miyazawa, Ho Katei no Reality (Reality in Legal Process) (Shinzansha, Tokyo, 1996) p. 165 cite in note (5) at 177. S. Kimura, Ningen no Songen to Shihouken (Human Dignity and the Judiciary) )1990)p.45).
Bài viết nhan đề “Tập đoàn kinh doanh và công lý” trong tạp chí Nikei ngày 25 tháng 12 năm 1997 tường thuật rằng, vào khoảng tháng 12 năm 1996, Uỷ ban công bằng thương mại (“FTC”) của Nhật bản đã tuyên vụ việc trái pháp luật liên quan đến những thu xếp bảo hiểm tiền lãi của công ty bao hiểm cho thiết bị máy móc , trong đó Bộ Tài chính (MOF) đã hướng dẫn họ áp dụng tập thể cho việc đánh giá tỉ lệ, và đề nghị Bộ Tài chính không lặp lại những hướng dẫn cho những hoạt dộng trái pháp luật như vậy.
H. Oda, pháp luật Nhật bản (Butterworhts, London, 1992), p.366.
Y. Watanabe, Y. Eto, and T. Odanaka, Nihon no Saiban (Justice in Japan) (Iwanami Shoten, Tokyo, 1977)p. 74).
Watanabe, Eto and Odanaka, sacsh ddax daanx, pp. 70-71 (Note (I0 at P. 75 cites the Bureau of Civil Affairs, the MOJ, Minji Sosho Tetsuzuki ni kansuru Kento Fiko Hosoku Setsumei (Supplemental Explanation regarding Issue on Civil Procedure) (Shoji Homu Kenkyu Kai, Tokyo, 1991), p.1 and K. Yanagida, “Minji ShoshoTetsuzuki nikansuru Kento Jiko” no Gaiyo (I) )Summary of “Issues on Civil Procedure” (No.I) (1992) 1310 Kin’yu Homu Fijo 4-10) Xem Luật tổ chức toà án , Điều 33 khoản 1
______________________________________
Bài viết có liên quan: