TAND TP. Hà Nội trong công cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49: Nâng cao chất lượng xét xử thông qua yếu tố con người

14/01/2009
Không xét xử oan người có tội, giảm tỷ lệ xét xử sai, tích cực xét xử lưu động...là một trong những biểu hiện thể hiện sự chuyển biến nhằm nâng cao chất lượng trong hoạt động xét xử của TAND TP.Hà Nội sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 26/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Dẫn đầu cả nước về xét xử lưu động

            Kết quả công tác xét xử trong 3 năm (từ 1/1/2005- 31/5/2008) ngành TAND TP.Hà Nội, kể cả tỉnh Hà Tây cũ và huyện Mê Linh, đã thụ lý trên 58.380 vụ án các loại, giải quyết trên 56.030 vụ, đạt và vượt chỉ tiêu công tác hàng năm của ngành đặt ra. Trong đó, án hình sự trên 25.421 vụ với 41.356 bị cáo, đặc biệt có nhiều vụ án lớn, phức tạp, nhiều người tham gia tố tụng, nhiều bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt nghiêm khắc cao nhất như tù chung thân hoặc tử hình; án dân sự giải quyết trên 6.473  vụ; án hôn nhân và gia đình trên 18.729 vụ; và 1.523 các vụ án khác như án kinh doanh thương mại, lao động, hành chính.

            Cùng với số lượng, chất lượng xét xử cũng chuyển biến đáng kể với tỷ lệ án bị huỷ giảm dần theo tưng năm. Nếu năm 2005 án hình sự bị huỷ với tỷ lệ là 1,9%, án dân sự là 5,7% thì năm 2006 con số là 0,65% và 3,5%, năm 2007 0,75% và 1,18%. Trong 6 tháng đầu năm 2008, cả hai loại án hình sự và dân sự bị huỷ là 31 vụ trên tổng số 5.822 vụ án đã giải quyết (0,53%), còn các loại việc khác không có án huỷ.

            Đối với các vụ án hình sự, ngành TAND TP.Hà Nội đã liên tục dẫn đầu cả nước về công tác xét xử lưu động nhằm thực hiện mục tiêu răn đe, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật. Để làm tốt công tác này, Toà án các cấp của ngành đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng, cấp uỷ và chính quyền chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng bảo vệ. Trong 3 năm qua, trên 2.400 vụ với 2.6000 bị cáo phạm tội về ma tuý, mại dâm đã bị xét xử lưu động tại địa bàn nơi các bị cáo thực hiện tội phạm hoặc nơi cư trú. Bên cạnh đó, các vụ án trong điểm, phức tạp cũng được ngành TAND TP Hà Nội xét xử tốt, an toàn, đúng pháp luật, được sự đánh giá cao của dư luận cũng như đảm bảo được nhiệm vụ giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức đấu tranh phòng và chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho nhân dân Thủ đô.

Phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp và yếu tố nhân lực

            Một trong những yêu cầu của chiến lược cải cách tư pháp đối với các cơ quan tố tụng là việc tổ chức thành công và thường xuyên các phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp, trong đó đảm bảo việc xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đề cao tranh tụng công khai tại toà... Thực tế xét xử cho thấy, muốn có được các phiên toà như vậy, thì yếu tố nhân lực – những người trực tiếp tham gia vào phiên toà như Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký và các chức danh khác – là rất quan trọng. Xác định được điều này, trong những năm qua, song song với hoạt động tập huấn của TANDTC, lãnh đạo ngành TAND TP. Hà Nội cũng rất quan tâm  tổ chức tập huấn cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký và các chức danh khác trong toàn ngành học tập, rút kinh nghiệm thông qua các vụ án bị huỷ, sửa nghiêm trọng, tìm ra nguyên nhân của những sai lầm, khuyết điểm để rút ra bài học kinh nghiệm. Thực tế xét xử thời gian qua cho thấy, khi xét xử các Thẩm phán đã xác định tất cả các phiên toà xét xử các loại vụ án đều phải tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật, nghiên cứu kỹ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, phối hợp tốt với Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra, chú trọng đến việc tranh tụng tại phiên toà... sao cho các phiên toà đảm bảo được sự dân chủ, bình đẳng, khách quan, các quyết định, bản án có sức thuyết phục, chất lượng xét xử nâng cao theo đúng tinh thần cải cách tư pháp. Đối với các vụ án lớn, trọng điểm được dư luận quan tâm, ngành TAND TP. Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ trong hoạt động xét xử, mà còn cả tại các buổi rút kinh nghiệm về công tác tổ chức phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp và trên cơ sở pháp luật tố tụng quy định. Chính những việc làm này đã giúp cho các thành phần tham gia phiên toà như Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký... ý thức được vị trí, vai trò để từ đó đề cao trách nhiệm của mình hơn.

Sớm phát hiện uốn nắn cán bộ có sai phạm

            Bên cạnh những thành quả, hoạt động xét xử của ngành TAND TP. Hà Nội cũng còn khá nhiều các hạn chế có nguyên nhân từ yếu tố con người. Trong thời gian qua, chất lượng của công tác xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại còn chưa được đảm bảo do một số Thẩm phán, Thư lý, Hội thẩm nhân  dân còn hạn chế về năng lực chuyên môn, chậm đổi mới nhận thức, ý thức trách nhiệm chưa cao... Những điểm yếu này đã khiến cho quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong các loại án khác, có trường hợp Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà đã không thực hiện đầy đủ quyền năng theo quy định của pháp luật, điều hành phiên toà còn hạn chế, không đảm bảo việc tranh tụng tại toà... Cá biệt, có những Thẩm phán sa sút về phẩm chất đạo đức, chính trị, bị khởi tố điều tra về hành vi nhận hối lộ.

            Mặt khác, hệ thống văn bản  pháp luật phục vụ công tác xét xử và giải quyết các loại án vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ, các văn bản hướng dẫn, áp dụng ban hành chưa đầy đủ, cụ thể nên việc áp dụng còn vướng mắc, và việc giải thích những vướng mắc này của TANDTC cũng khá chậm trễ. Sự phối hợp của các cơ quan tư pháp thành phố có nơi có lúc chưa chặt chẽ khiến cho số vụ án hoàn trả Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung còn nhiều, thậm chí có một số vụ án phải trả hồ sơ đến lần thứ hai, thứ ba.

            Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49, ngành TAND TP. Hà Nội tiếp tục xác định việc lấy yếu tố con người làm trọng tâm. Qua đó, các  hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, giáo dục tư tưởng, tinh thần trách nhiệm, phong cách xét xử, tiếp dân... sẽ được tiến hành thường xuyên. Đặc biệt, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân sẽ được tiến hành khẩn trương, đúng pháp luật, để qua đó sớm phát hiện, uốn nắn và xử lý các cán bộ có sai phạm.

Minh Dương