Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH - ông Phạm Đỗ Nhật Tân: Sẽ có cơ chế phối hợp chặt chẽ để đảm bảo thực hiện

14/01/2009
Sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp cũng đã có hiệu lực để trở thành “chiếc phao cứu sinh” cho người lao động nói riêng và bảo đảm an sinh xã hội nói chung. Tuy nhiên, khi đi vào cuộc sống, loại hình bảo hiểm này có thể thực thi nhiệm vụ đúng như mục đích, tôn chỉ hay không thì cần phải có thời gian. Nhằm tìm hiểu kỹ hơn về những điều kiện đảm bảo tính khả thi cho việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH ông Phạm Đỗ Nhật Tân.
 

*Thưa ông, để giải quyết “câu chuyện” thất nghiệp, các điều khoản của đạo luật và Nghị định 127/2008/NĐ-CP đã quy định những vấn đề liên quan tới nghĩa vụ và quyền lợi  của các bên tham gia là người sử dụng lao động lẫn người lao động. Vì những điều này tác động rất lớn đến ý thức người tham gia, nên Nhà nước có cơ chế gì để đảm bảo những nghĩa vụ và quyền lợi trên luôn được thực hiện theo luật định?

- Ông Phạm Đỗ Nhật Tân: Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội khoá XI ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007, riêng đối với bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01/01/2009. Ngày 12/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 7,8,9 và 10 của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP đã quy định rõ về trách nhiệm, quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó, người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp có các trách nhiệm : Đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ và đúng theo quy định; Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Bảo quản, sử dụng Sổ Bảo hiểm xã hội quy định; Đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; Hằng tháng thông báo với cơ quan lao động về việc tìm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; Nhận việc làm hoặc tham gia khoá học nghề phù hợp khi được cơ quan lao động giới thiệu trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Và, có quyền lợi : được xác nhận đầy đủ về đóng bảo hiểm thất nghiệp trong Sổ Bảo hiểm xã hội; được nhận lại Sổ Bảo hiểm xã hội khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; được hưởng đầy đủ, kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp quy định; được uỷ quyền cho người khác nhận trợ cấp thất nghiệp hằng tháng; yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; yêu cầu cơ quan lao động, tổ chức Bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền khi người sử dụng lao động, cơ quan lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội có hành vi vi phạm các quy định về bảo hiểm thất nghiệp

 Về phía mình, người sử dụng lao động cũng có quyền từ chối thực hiện các yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền khi người lao động, cơ quan lao động, tổ chức Bảo hiểm xã hội có hành vi vi phạm các quy định về bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, có trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ và đúng theo quy định; bảo quản hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trong thời gian người lao động làm việc tại đơn vị; thực hiện đúng quy định về việc lập hồ sơ để người lao động đóng và hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp; xuất trình các tài liệu, hồ sơ và cung cấp thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có kiểm tra, thanh tra về bảo hiểm thất nghiệp; cung cấp các văn bản theo quy định cho người lao động để hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

            Để đảm bảo những nghĩa vụ và quyền lợi trên luôn được thực hiện theo luật định, tới đây Nhà nước sẽ văn bản quy định một cách cụ thể cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội từ trung ương đến địa phương cũng như các tổ chức công đoàn cơ sở, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khi triển khai bảo hiểm thất nghiệp trên phạm vi cả nước.

* Trong quá trình thực hiện luật, không thể tránh khỏi những tình huống ngoài ý muốn như người lao động từ chối tham gia BHTN, người sử dụng lao động “lách” luật để trốn tránh việc đóng BHTN cho người lao động, người lao động thất nghiệp bị làm khó dễ về thủ tục khi xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, tham gia các khoá học nghề… Từ góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, ông đã có dự liệu gì để giải quyết những tình huống này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động cũng như ngăn chặn những ảnh hưởng xấu lan rộng?

- Ông Phạm Đỗ Nhật Tân: Trước hết, cần nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động về trách nhiệm của họ. Đồng thời tuyên truyền để người lao động được biết tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách yêu cầu chủ sử dụng phải thực hiện theo đúng quy định. Hơn nữa, bên cạnh người lao động bao giờ cũng có tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi và cũng phải kể tới các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát để các bên thực hiện theo quy định.

Để giải quyết những tình huống xấu có thể xảy ra,  trong Kế hoạch tổng thể về triển khai bảo hiểm thất nghiệp, ngày 05/12/2008 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn số 4562/LĐTBXH-CVL gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị triển khai tuyên truyền phổ biến các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Và trong năm 2009, Chính Phủ sẽ ban hành Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động khi bị mất việc làm và khắc phục cao nhất những hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp của các đối tượng tham gia.

Hồng Minh

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp

            Trong cuộc họp báo giới thiệu Nghị định 127 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức vào cuối tháng 12 vừa qua, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ông Nguyễn Thanh Hoà đã khẳng định để ngăn chặn việc các doanh nghiệp “lách” luật nhằm trốn đóng BHTN cho người lao động, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra việc thực hiện tại các doanh nghiệp. Đồng thời, cũng cần nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động về trách nhiệm của họ, tăng cường văn hoá doanh nghiệp. 

Năm 2009, Việt Nam sẽ có thêm 3 triệu người thất nghiệp?

            Theo dự đoán, trong tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, mức sụt giảm GDP của Việt Nam gần 2%, năm 2009 tỷ lệ người thất nghiệp có thể tăng 0,65% tức là 3 triệu người. Việt Nam hiện có 9 triệu lao động chính thức và 36 lao động phi chính thức (chủ yếu ở khu vực nông thôn). Tuy nhiên, theo luật định phải sau 1 năm đóng quỹ, người lao động mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy, nếu tham gia ngay từ đầu năm 2009, thì sớm nhất cũng phải đến năm 2010 những đối tượng gặp cảnh khó khăn mới được tiếp cận hưởng lợi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (quỹ được hình thành từ 3% tiền lương, tiền thưởng của người lao động, trong đó người lao động đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1% và Nhà nước lấy từ ngân sách hỗ trợ 1%)