Thể chế pháp lý cho công tác quản lý người nghiện sau cai

14/01/2009
Nhằm cụ thể hoá quy định quản lý người nghiện sau cai tại nơi cư trú của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma tuý, dự thảo Nghị định về công tác quản lý sau cai nghiện đã quy định rất rõ ràng trách nhiệm của chính quyền địa phương với hàng loạt các đầu việc để làm khi thực hiện công tác này. Một vấn đề đặt ra là liệu với những đầu việc như vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương, có là quá nặng, ảnh hưởng đến tính khả thi của pháp luật?

Những việc có tên và không tên

            Điều 33 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma tuý có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 quy định người nghiện sau khi chấp hành xong thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện phải chịu sự quản lý sau cai từ 1-2 năm tại nơi cư trú, hoặc cơ sở quản lý sau cai đối với người có nguy cơ tái nghiện cao. Luật cũng quy định trách nhiệm của Bộ LĐ-TB& XH trong công tác quản lý sau cai nghiện với đối tượng chấp hành xong cai nghiện bắt buộc. Nhằm cụ thể hoá các điều luật trên, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn tất việc xây dựng dự thảo Nghị định về công tác quản lý sau cai nghiện để trình Chính phủ. Hiện nay, dự thảo đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Theo nội dung của dự thảo Nghị định, UBND quận, huyện, xã, phường có trách nhiệm thực hiện việc quản lý sau cai nghiện cho các đối tượng tại cộng đồng hoặc ra quyết định đưa vào Trung tâm quản lý sau cai nghiện. Cụ thể, đối với các đối tượng là người đã hoàn thành xong thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, UBND quận, huyện, xã, phường, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể quần chúng, các cơ quan chức năng như công an, y tế, lao động-thương binh và xã hội... tổ chức thực hiện công tác quản lý sau cai nghiện thông qua các nội dung: theo dõi, giám sát, hướng dẫn đối tượng cách ly môi trường ma tuý; tư vấn, giúp đỡ đối tượng học nghề, vay vốn, tạo việc làm, ổn định cuộc sống; đông viên đối tượng tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hoá, thể dục thể thao...

Còn đối tượng là người đã hoàn thành thời gian cai nghiện tại cơ sở bắt buộc, nhưng có nguy cơ tái nghiện cao và thuộc các trường hợp đã cai từ 2 lần trở lên, có thời gian nghiện ma tuý từ 3 năm trở lên hoặc 1 năm trở lên đối với tiêm chích, có tiền án về buôn bán và tổ chức sử dụng ma tuý... thì UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm ra quyết định đưa vào Trung tâm quản lý sau cai nghiện (Trung tâm là đơn vị sự nghiệp do UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể ở địa phương và số đối tượng cần quản lý sau cai nghiện để quyết định thành lập, giải thể). Việc thẩm định hồ sơ, ra quyết định đưa người có nguy cơ tái nghiện cao vào Trung tâm  cũng do Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định trên cơ sở tư vấn của Hội đồng tư vấn (thành phần bao gồm lãnh đạo Sở Y tế, Tư pháp, Công an, MTTQ và do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập).

Phụ thuộc sự nhiệt tình của chính quyền, cấp uỷ

Như vậy, có thể thấy, theo tinh thần của dự thảo thì chính quyền địa phương mà cụ thể là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, UBND quận, huyện, xã, phường, thành phố thuộc tỉnh tới đây sẽ có hàng loạt các đầu việc có tên (đã được nêu trong Nghị định) và không tên (phát sinh tuy theo điều kiện thực tế địa phương) để làm khi thực hiện công tác quản lý người nghiện sau cai. Một vấn đề đặt ra là liệu với những đầu việc như vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương,  có là quá nặng, dẫn đến không thể khả thi? Dù rằng, chủ trương phải có một khoảng thời gian nhất định để tiếp tục quản lý những đối tượng đã chấp hành xong việc cai nghiện bắt buộc trước nguy cơ tái nghiện ngày càng cao như hiện nay là rất cần thiết.

            Còn nhớ, bàn về nội dung này khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma tuý còn là dự thảo, cũng đã có nhiều ý kiến băn khoăn từ nhân dân cũng như của các đại biểu quốc hội, UBTVQH. Mà tựu trung lại là đều lo lắng cho tính khả thi của điều luật bởi chính quyền cơ sở đang quá tải, biên chế lại không tăng, tất yếu sẽ dẫn tới sự thiếu trách nhiệm trong quản lý, như đã từng xảy ra với việc quản lý người bị phạt tù cho hưởng án treo. Đó là chưa kể đến mô hình cơ sở quản lý sau cai nghiện nói dễ nhưng làm không dễ từ thực tế nhiều địa phương đang chật vật “nuôi” các Trung tâm cai nghiện hiện nay.

            Tuy nhiên, những nhà làm luật cũng có những chính kiến riêng để bảo vệ ý tưởng của mình. Đáp lại sự lo ngại này, quan điểm của Bộ LĐ-TB &XH là cần thiết phải áp dụng hình thức quản lý sau cai nghiện tại địa phương thay vì kéo dài thời gian cai nghiện bắt buộc để tạo điều kiện cho những người có nhu cầu cai nghiện hoặc cần cai nghiện được đi cai. Vì, hiện nay số người nghiện được đi cai mới được 40%, kinh phí nhà nước cho việc cai nghiện bắt buộc lại thiếu, mới “gánh” được 9 tháng trên tổng thời gian 1-2 năm. Hơn nữa, nếu chính quyền địa phương và cấp uỷ thật sự vào cuộc, thì ắt sẽ thành công như thực tế tại Nam Định.

            Hồng Minh

Nam Định - cả cộng đồng vào cuộc

            Theo thông tin của báo chí, thành phố Nam Định đã áp dụng mô hình cai nghiện tại cộng đồng từ cách đây gần 5 năm. Lý do để lãnh đạo thành phố quyết định áp dụng mô hình này là do địa phương có nhiều người nghiện, trong khi đó cả tỉnh chỉ có một điểm cai nghiện với khả năng điều trị có hạn. Sau khi thử nghiệm tại phường Phan Đình Phùng thành công, mô hình cai nghiện tại cộng đồng đã được áp dụng rộng rãi toàn thành phố bắt đầu từ đầu năm 2005.  Công tác cai nghiện triển khai thật cụ thể, ngoài việc quản lý của những người thân trong gia đình, mỗi người nghiện sẽ được người của tổ dân phố giúp đỡ, hội phụ nữ, chi bộ và đặc biệt là Cảnh sát khu vực giám sát đến nơi đến chốn. Các Bí thư chi bộ, Hội trưởng phụ nữ, cán bộ y tế đã đến tận nhà người cai nghiện động viên giúp đỡ. Thấy các chiến sĩ Công an luôn ở bên giúp đỡ nên các gia đình rất cảm động, nhiều người nghiện tự hứa với lòng mình quyết tâm cai. Mỗi người nghiện được hỗ trợ 1 triệu đồng. Sau gần 2 năm thực hiện mô hình xã hội hoá cai nghiện tại cộng đồng, qua kiểm tra tại 25 phường, xã của TP Nam Định, đã thu được kết quả bất ngờ. Thử test với 64 người thì kết quả là 55 người âm tính, 9 người dương tính. Để duy trì được kết quả này thì các cơ quan chức năng đã tích cực bố trí công ăn việc làm để người sau cai tái hoà nhập cộng đồng.

            Hiện cả nước có 178.305 người nghiện có hồ sơ quản lý, mỗi năm tăng thêm khoảng 1 vạn người nghiện mới. Từ 2001 đến nay đã phát hiện, bắt giữ trên 76.000 vụ, gần 120.000 đối tượng phạm tội ma tuý, xoá hơn 4.200 tụ điểm phức tạp (tăng 33% số vụ, 19% đối tượng so với thời điểm 1995-2000). Về công tác cai nghiện, có trên 20 vạn lượt người nghiện đã được cai nhưng tỷ lệ tái nghiện rất cao. (Nguồn Bộ Công an)