Đàm phán thương mại quốc tế không còn là vấn đề quá mới mẻ đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đã hội nhập kinh tế quốc tế thì đàm phán thương mại quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích thương mại của Việt Nam trong một sân chơi lớn.
Với sự hỗ trợ của Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn II (MUTRAPII) do Uỷ ban châu Âu tài trợ, ngày 26/02/2008 Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo "Kỹ năng đàm phán thương mại" nhằm nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm đàm phán cho nhà đàm phán, đồng thời Hội thảo còn giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn về quá trình gia nhập Tổ chức thương mại thế giới của Việt Nam và bài học kinh nghiệm.
Hội thảo do các chuyên gia EU và chuyên gia trong nước với nhiều kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy. Theo các chuyên gia EU thì mục đích chung của đàm phán thương mại quốc tế là nhằm thiết lập và thực hiện khuôn khổ các quy định được thống nhất điều chỉnh thương mại quốc tế, đồng thời nhằm khuyến khích trao đổi thương mại trên cơ sở công bằng và minh bạch. Đàm phán có thể diễn ra ở cấp độ đa phương, khu vực hoặc song phương, trong đàm phán thường không thảo luận trực tiếp về khuyến khích xuất khẩu hoặc một loại hàng hoá cụ thể, đây là chức năng riêng biệt của Chính phủ. Xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản trong đàm phán nói trên, trong đàm phán thương mại quốc tế cần phải hiểu rõ một số nguyên tắc cơ bản sau: Hiểu rõ tổ chức nơi diễn ra đàm phán; xác định rõ mục tiêu quốc gia; cần phải hiểu rằng các nước khác cũng có mục tiêu của mình; thảo luận không chính thức với các đối tác đàm phán khác; dự kiến chiến lược đàm phán của các đối tác; tham vấn không chính thức với các bên hữu quan. Tại Hội thảo các Chuyên gia EU cũng đề cập đến kỹ thuật đàm phán trong một số lĩnh vực quan trọng như hàng hoá, dịch vụ, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn kỹ thuật. Đây là những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của WTO, do đó dành được những ưu thế trong quá trình đàm phán liên quan đến những lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng đối với các nước khi tham gia đàm phán trong khuôn khổ đa phương, song phương hay thoả thuận thương mại khu vực…Trong bối cảnh chúng ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì trong tương lai Việt Nam chắc chắn sẽ tham gia nhiều hiệp định thương mại với các nước. Do đó, việc đào tạo để nâng cao kỹ năng đàm phán thương mại quốc tế là yêu cầu cần thiết đặt ra đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trần Thị Tuý