Để góp phần tạo điều kiện lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia đóng góp cho dự thảo Luật THADS, hôm qua (27/2), Hội Luật gia Việt Nam và Dự án STAR Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học góp ý kiến xây dựng Luật THADS. Ông Nguyễn Thanh Thuỷ – Phó Cục trưởng Cục THADS (Bộ Tư pháp), Tổ phó Tổ biên tập Luật THADS – đã thay mặt Tổ biên tập trình bày về sự cần thiết phải ban hành Luật THADS và những điểm mới của dự thảo Luật THADS so với Pháp lệnh THADS năm 2004.
Theo ông Thuỷ, THADS là một hoạt động quan trọng, phức tạp, liên quan trực tiếp đến các quyền cơ bản của con người (quyền về nhân thân, quyền về tài sản…) nhưng đến nay văn bản pháp lý cao nhất để điều chỉnh hoạt động này mới là Pháp lệnh. Bên cạnh đó, Pháp lệnh THADS (đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần) nhưng chỉ chủ yếu tập trung tạo cơ sở pháp lý để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trước mắt trong việc giải quyết án tồn đọng, chứ chưa giải quyết được một cách cơ bản những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế quản lý, mô hình tổ chức, thủ tục THADS… Do đó, sau 3 năm thi hành Pháp lệnh đã bộc lộ một số hạn chế như: thiếu tính hệ thống trong các qui định pháp luật cũng như thiếu tính tập trung, thống nhất trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành khiến công tác THA ở nước ta còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong công cuộc cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính hiện nay; cơ chế quản lý hiện hành chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát của xã hội đối với công tác THA, đòi hỏi một cơ chế quản lý hợp lý hơn để công tác THA được thực hiện thông suốt, tăng cường được sự giám sát của xã hội và các cơ quan chức năng đối với công tác THA. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề bức xúc liên quan đến quá trình THA chưa được pháp luật điều chỉnh như trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án đã được THA một phần hoặc toàn bộ thì lại có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm xử huỷ án, quyết định đó…Nhìn chung, Pháp lệnh THADS 2004 chưa thực sự tạo được cơ sở pháp lý để xã hội về THADS (một số nhiệm vụ (thẩm định giá, trông giữ tài sản…) có thể giao cho các cá nhân, tổ chức đủ điều kiện thực hiện nhằm giải tải cho các cơ quan THA nhưng hiện vẫn do các cơ quan THA thực hiện); chưa bảo đảm hiệu quả giữa THADS và THAHS; trình tự thủ tục THA còn nhiều bất cập…làm giảm hiệu quả công tác THA nói chung.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng đóng góp ý kiến, đưa ra đề xuất về các nội dung cụ thể trong dự thảo Luật THADS. Ông Dương Minh Công (THADS tỉnh Hà Tây) đề nghị dự thảo qui định thời gian Toà án phải giải quyết và trả lời cơ quan THADS trong trường hợp cơ quan THADS đề nghị Toà án xem xét bản án, quyết định theo trình tự Giám đốc thẩm, tái thẩm; qui định cụ thể về việc chuyển giao và nhận bản án, quyết định của toà án và cơ quan THADS; qui định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan THADS với Ngân hàng và UBND trong việc cung cấp thông tin đăng ký tài sản của người phải THA…
Về vấn đề quản lý nhà nước về THA, ông Lương Bá Sao (THADS tỉnh Bắc Ninh) bày tỏ sự nhất trí với qui định Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về THA, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về THA; UBND cấp tỉnh và huyện thực hiện quản lý nhà nước về THA trên địa bàn theo qui định của luật. Theo ông Sao, Chấp hành viên (CHV) là một chức danh tư pháp, hoạt động theo tố tụng, nếu không làm tốt chức trách, có vi phạm sẽ bị xử lý tuỳ mức độ theo qui định của pháp luật. Do đó, để CHV yên tâm công tác, gắn bó với nghề, tăng hiệu quả công tác thì không cần thiết phải qui định nhiệm kỳ của CHV như hiện nay…/.
H.Giang