Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) là một loại giấy tờ xác định một công dân có hay có tiền án hay không. Trong một số trường hợp pháp luật yêu cầu phải có LLTP như: tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể; đăng ký kinh doanh; xuất cảnh; xuất khẩu lao động; hành nghề luật sư và các trường hợp khác do pháp luật quy định.
. Thực hiện Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 08/02/1999 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an quy định về cấp LLTP (sau đây gọi tắt là TT 07), đến nay ngành Tư pháp cả nước đã đạt được những kết quả rất đáng biểu dương, đáp ứng được hầu hết các trường hợp đương sự có yêu cầu cấp LLTP một cách nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc cấp Phiếu LLTP còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần sớm được khắc phục để không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự khi việc cấp LLTP không đúng với thời gian quy định hoặc không giải quyết được do vướng mắc về thủ tục, thời hạn… chủ yếu do các nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất: Theo quy định hiện hành thì thời hạn cấp Phiếu LLTP tối đa là 33 ngày tính từ ngày thụ lý (bao gồm thụ lý, tra cứu và ra quyết định cấp), trong đó thời gian tra cứu tại cơ quan công an có thẩm quyền tối đa là 20 ngày. Song trong thực tế, việc tra cứu tại cơ quan công an hầu như không đảm bảo được yêu cầu này với lý do đương sự cư trú tại nhiều địa phương nên cơ quan công an phải chờ kết quả xác minh mở rộng của Công an tỉnh, thành phố khác. Do vậy mà, các Sở Tư pháp không có căn cứ để cấp LLTP cho đương sự đúng thời hạn đã quy định.
Thứ hai: Nhiều trường hợp cơ quan công an trả lại hồ sơ của đương sự với các lý do khác nhau như: Chưa có hồ sơ Chứng minh nhân dân (CMND) trong tàng thư; Chưa có kết quả tra cứu; Khai không rõ ràng; Sai lệch thông tin; CMND - Sổ hộ khẩu - Đơn của đương sự không thống nhất. Tuy nhiên, những trường hợp này TT 07 không quy định cụ thể nên việc giải quyết gặp rất nhiều khó khăn, gây không ít lúng túng cho cán bộ thụ lý, giải quyết khi giải thích cho đương sự.
Thứ ba: Có trường hợp cơ quan công an trả lại hồ sơ do đương sự thường xuyên tạm vắng ở địa phương và không khai báo trong đơn yêu cầu cấp LLTP. Tuy nhiên, ở Mục 3, phần Chú thích của mẫu đơn do Bộ Tư pháp phát hành quy định: Ghi theo nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì ghi theo nơi tạm trú và Ghi rõ “Tạm trú”… Theo quy định trên có thể hiểu rằng: Chỉ những trường hợp không có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì mới ghi theo nơi tạm trú, còn trường hợp có nơi thường trú thì chỉ ghi nơi thường trú. Thực tế không phải như vậy mà phải khai cả nơi đăng ký tạm trú, nếu rời khỏi địa phương nơi thường trú từ 6 tháng trở lên, vì trong trường hợp này cơ quan công an cũng cần phải xác minh nơi tạm trú. Do vậy, đối với những trường hợp này các Sở Tư pháp cũng không có căn cứ để giải quyết yêu cầu của đương sự.
Thứ tư: Về vấn đề thu nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp LLTP: Theo Điều 1, Quyết định số 94/QĐ-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính thì “Công dân Việt Nam cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa” theo Quyết định 135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ135) thì áp dụng mức thu lệ phí là 50.000 đồng/lần cấp/người”. Việc xác định cư trú ở đây là như thế nào? Theo Từ điển Tiếng Việt (NXB Giáo dục, 1996) thì cư trú là nơi ở, sinh sống nhưng có rất nhiều trường hợp làm việc thường xuyên, ổn định ở xã thuộc QĐ135 nhưng lại sống và có hộ khẩu thường trú ở xã không thuộc QĐ135 thì thu lệ phí là 100.000đ hay 50.000đ, vì theo đơn yêu cầu cấp LLTP phần khai phải khai theo nơi có hộ khẩu thường trú?. Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A là giáo viên chưa vào biên chế có nhà ở và sống tại thị xã Kon Tum (không thuộc QĐ135) nhưng dạy hợp đồng ở một trường thuộc QĐ135 nay làm hồ sơ tuyển dụng công chức thì mức thu lệ phí như thế nào? Thu theo hộ khẩu thường trú hay nơi làm việc thường xuyên.
Ngoài ra, có trường hợp sau khi đã tra cứu, xác minh nhưng thấy rằng hồ sơ của đương sự không thống nhất so với hồ sơ gốc có trong tàng thư, Công an tỉnh thông báo trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp trả cho đương sự để bổ sung hoàn chỉnh, nếu trường hợp không thể bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ thì việc rút lại tiền lệ phí để trả cho đương sự giải quyết như thế nào? Vì trong trường hợp này, Sở Tư pháp đã thu lệ phí, viết hoá đơn và nộp vào kho bạc nhà nước. Vấn đề này đến nay vẫn chưa có văn bản quy định.
Từ những thực tế trên, chúng tôi đề nghị một số giải pháp khắc phục như sau:
Theo quy định tại điểm a, Mục 2, phần II của TT 07 thì thời hạn xác minh tối đa của cơ quan công an tối đa là 20 ngày là chưa phù hợp, vì hiện nay có rất nhiều trường hợp đương sự đã từng cư trú nhiều nơi ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trước khi có yêu cầu cấp LLTP nên phải có kết quả xác minh của các tỉnh, thành phố đó, thì cơ quan công an tiếp nhận hồ sơ mới thông báo kết quả xác minh chính xác được. Mà kết quả xác minh tuỳ thuộc vào cơ quan công an tỉnh bạn nên thường vượt quá 20 ngày, do đó khó có thể đúng thời hạn theo quy định. Vì vậy, đề nghị Bộ Tư pháp thống nhất với Bộ Công an quy định lại thời hạn cho phù hợp, theo hướng sau:
+ Đối với trường hợp đương sự có đăng ký hộ khẩu thường trú và cư trú thường xuyên trên một địa bàn cố định từ khi đủ 14 tuổi đến khi yêu cầu cấp LLTP, thì thời hạn xác minh tối đa của cơ quan công an không quá 15 ngày (tính theo ngày làm việc).
+ Đối với trường hợp đương sự thường xuyên thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và cư trú ở nhiều nơi khác nhau nếu có yêu cầu cấp LLTP, thì thời hạn xác minh minh tối đa của cơ quan công an không quá 30 ngày (tính theo ngày làm việc).
+ Đối với các trường hợp chưa có hồ sơ CMND trong tàng thư; Chưa có kết quả tra cứu; Khai không rõ ràng; Sai lệch thông tin; CMND - Sổ hộ khẩu - Đơn của đương sự không thống nhất, mà thời hạn đã hết thì cơ quan công an trả lại hồ sơ để Sở Tư pháp yêu cầu đương sự bổ sung và trong trường hợp này thì thời hạn được tính lại từ đầu.
- Đề nghị Bộ Tư pháp sớm phối hợp với Bộ Công an xem xét bổ sung quy định: Trong trường hợp đã hết thời hạn xác minh của cơ quan công an cấp tỉnh mà chưa có kết quả xác minh thì Sở Tư pháp có thể liên hệ trực tiếp với công an các cấp nơi đương sự có hộ khẩu thường trú để xác minh đương sự có phạm tội trong thời gian cư trú tại địa phương hay không, nếu phạm tội thì có thể liên hệ với Toà án đã xét xử để tra cứu hồ sơ an lưu nhằm làm rõ tình trạng tiền án của đương sự; trong trường hợp không phạm tội thì Sở Tư pháp sẽ cấp LLTP xác định không có tiền án.
- Ngoài ra, Bộ Tư pháp nên xem xét sửa đổi Mục 3, phần Chú thích theo hướng như sau cho đầy đủ, chính xác: Ghi đúng theo nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; trong trường hợp rời khỏi địa phương từ 6 tháng trở lên, thì ghi theo nơi đã tạm trú trước đây và Ghi rõ “Tạm trú”…
- Về vấn đề lệ phí, cần bổ sung quy định “Công dân Việt Nam cư trú hoặc làm việc thường xuyên tại các xã… QĐ135” nhằm quy định rõ hơn mức thu lệ phí tránh cách hiểu và áp dụng không thống nhất, đồng thời ghi rõ “lệ phí là 50.000 đồng/hồ sơ/người” để tránh cách hiểu sai lầm là lần cấp, khi không cấp được cấp LLTP vì lý do nào đó thì phải trả lại tiền lệ phí đã thu cho đương sự./.
Phạm Văn Chung