Các Văn phòng công chứng: Rục rịch chờ ngày…khai trương

26/02/2008
Luật Công chứng có hiệu lực từ 1/7/2007 cho phép tư nhân được thành lập các Văn phòng công chứng (VPCC). Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đến thời điểm này đã có 39 công chứng viên đã được bổ nhiệm đang làm thủ tục thành lập Văn phòng công chứng. Tuy nhiên, số công chứng viên mới ra nhập “làng công chứng” này chủ yếu tại các TP. lớn.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh: sẽ có thêm nhiều VPCC

Sau khi giải toả gánh nặng bản sao cho các Phòng công chứng, công chứng viên, đặc biệt ở các TP lớn đã trở nên dễ thở hơn nhiều. Tuy vậy, nhu cầu chứng nhận các hợp đồng, giao dịch ở hai TP vẫn rất lớn nên dù mỗi TP đã có đến 7 Phòng công chứng nhưng vẫn làm không hết việc. Cá biệt, có những phòng công chứng ở Hà Nội kể từ khi thực hiện Luật công chứng, số lượng hợp đồng, giao dịch lại tăng vọt (ví dụ Phòng công chứng số 3). Ngày cao điểm, có khi phòng này phải tiếp hàng trăm lượt khách.

Với nhu cầu lớn như vậy, nên tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhiều hồ sơ đang được trình lên Sở Tư pháp để xin cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Tư pháp Phan Hồng Sơn thì đến giờ này UBNDTP chưa cấp phép hoạt động cho bất cứ Văn phòng công chứng nào. Dù vậy, có một số công chứng viên đã được bổ nhiệm và đang làm thủ tục mở VPCC. Được biết, Sở Tư pháp Hà Nội và TP. HCM đang có Đề án trình UBND TP về hoạt động và sự phát triển của các VPCC. “Đây là một loại dịch vụ đặc biệt nên các vấn đề liên quan càng cụ thể càng tốt”, Giám đốc Phan Hồng Sơn nói.

Khác với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhu cầu thành lập các VPCC ở các tỉnh, thành khác không lớn. Nhiều Sở Tư pháp cho biết chưa có công chứng viên nào được bổ nhiệm và xin phép thành lập VPCC. Ngay như ở Hải Phòng, một TP kinh tế phát triển, cũng chưa có một VPCC nào được hình thành. Bởi đơn giản, TP này hiện tại đã có đến 5 Phòng công chứng. Sau thời điểm 1/7/2007 mỗi ngày phòng công chứng chỉ tiếp nhận và giải quyết vài chục hồ sơ (chủ yếu hợp đồng thế chấp). Điều này còn được lý giải bởi hiện nay, theo Luật Đất đai và Luật nhà ở thì một số loại hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở vẫn thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã và cấp huyện. Người dân có thể đến đây xác nhận mà không cần phải đến Phòng công chứng.

Cần khuyến khích thành lp VPCC.

Có thể giải thích vì sao Luật công chứng có hiệu lực đã 8 tháng nay nhưng đến nay cả nước vẫn chưa có một VPCC nào đi vào hoạt động. Đó là, chưa có những quy định cụ thể về những điều kiện cần thiết cho sự ra đời của các VPCC. Cho đến tháng 1/2008 Chính phủ mới ban hành Nghị định 02 hướng dẫn thi hành Luật Công chứng, trong đó quy định rõ các vấn đề như về địa điểm đặt trụ sở, cơ sở vật chất của các VPCC. Tuy nhiên, vấn đề mà các công chứng viên quan tâm đó là việc phân bổ vị trí cho các VPCC. Quan điểm của ngành tư pháp là không phải cứ xin phép là công chứng viên toàn quyền được đặt trụ sở ở đâu cũng được (giống như trụ sở của doanh nghiệp), mà phải có sự đồng ý của cơ quan cấp phép. Về điều này, các công chứng viên mong muốn ngành tư pháp có sự linh hoạt hơn, vì nếu buộc các VPCC phải đặt ở những nơi “đìu hiu”, ít khách thì họ sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, Nghị định quy định phải có trụ sở riêng hoặc đi thuê phải từ 3 năm trở lên. Có thể trong cam kết là như vậy, nhưng trong thời gian thuê, chủ nhà thay đổi, có phải báo cáo và xin phép thay đổi trụ sở hay không?

Sẽ quy hoạch lại các Phòng công chứng?

Với sự ra đời của các VPCC, nhiều người nghi ngại một số phòng công chứng sẽ bị giải thể vì không có việc để làm. Tuy nhiên, về lâu dài khi kinh tế phát triển thì đây là một hướng đi phù hợp, nhằm trả lại cho công chứng bản chất đích thực của nó chứng nhận hợp đồng và giao dịch chứ không phải ôm đồm về bản sao. Việc cho phép mở các VPCC đồng nghĩa với việc công chứng tư –công chứng nhà nước sẽ phải cạnh tranh và người dân sẽ được lợi. Ông Phạm Tiến Hoan- trưởng Phòng công chứng số 1 Hải Phòng chia sẻ: các phòng công chứng sẽ phải nâng cao chất lượng phục vụ, vì nếu không người dân sẽ lựa chọn các VPCC.

Các phòng công chứng đến thời điểm này về cơ bản vẫn được giữ nguyên, đó là thông tin từ các Giám đốc Sở Tư pháp khi chúng tôi hỏi về bộ máy phòng công chứng ở các địa phương. Tại Hội nghị tổng kết ngành tư pháp hồi đầu năm nay, ông Trần Thất – Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp- Bộ Tư pháp cũng đã nhấn mạnh: không nên quan niệm rằng từ nay về sau chỉ phát triển VPCC mà không cần thiết phải mở Phòng công chứng. Do sự phát triển không đồng đều về kinh tế giữa các địa phương nên nhu cầu phát triển công chứng cũng không đồng đều. Tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa..nhu cầu công chứng không lớn, nên nghề công chứng chưa phát triển. Vì vậy, trách nhiệm của nhà nước là phải tiếp tục mở các Phòng công chứng ở những nơi này để phục vụ nhân dân.

Trước thời điểm Luật công chứng có hiệu lực, cũng có những dự đoán các công chứng viên sẽ bỏ nhà nước ra thành lập VPCC. Tuy nhiên, ngay cả sau khi có Nghị định 02/CP hướng dẫn thi hành Luật công chứng quy định rất cụ thể về các trường hợp nói trên thì đến nay qua khảo sát của chúng tôi ở một số địa phương vẫn chưa có công chứng viên nào xin thôi việc để ra ngoài mở VPCC (các công chứng viên được bổ nhiệm mới chủ yếu là những công chứng viên đã nghỉ hưu, luật sư...). Điều đó cho thấy, cũng có những trăn trở trong một giai đoạn chuyển giao mới nhưng cơ bản các công chứng viên vẫn yên tâm làm nghề.

Thu Hằng – Báo Pháp luật Việt Nam

Hiện cả nước có khoảng 439 công chứng viên, trong đó có 400 công chứng viên làm việc trong các Phòng công chứng, 39 công chứng viên mới được bổ nhiệm đang làm thủ tục thành lập VPCC. Để xây dựng đội ngũ công chứng viên đủ mạnh phục vụ cho đời sống xã hội, ước tính đến năm 2010 thì ít nhất mỗi quận, huyện phải có một tổ chức hành nghề công chứng và do đó phải có không dưới 1500 công chứng viên.