Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Tiến độ chậm làm ảnh hưởng tới chất lượng văn bản luật

26/02/2008
Bộ, ngành nào cũng muốn văn bản luật điều chỉnh lĩnh vực mình quản lý sớm được ban hành. Tuy nhiên, không phải dự án Luật nào cũng được chuẩn bị chu đáo và đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hôm qua (25/2), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu về vấn đề này.

PV: Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2008 đã được lập nhưng cho đến nay vẫn có cơ quan xin lùi thời hạn trình dự án Luật, thậm chí có dự án Luật chưa thành lập được Ban Soạn thảo. Ông đánh giá sao về điều này?

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2008 được Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định trên cơ sở đề xuất của các cơ quan của Chính phủ và các chủ thể như Mặt trận tổ quốc, Viện kiểm sát, Toà án Nhân dân Tối cao.... Tất nhiên, Quốc hội cũng căn cứ vào nhu cầu của cuộc sống để đưa ra thứ tự ưu tiên và tính đến tính thống nhất của toàn bộ hệ thống. Những vấn đề đó đã được tính toán kỹ lưỡng. Nhưng đúng là thực tế hiện nay có một số cơ quan xin lùi lại thời gian trình dự  án luật do chất lượng chuẩn bị và một số thủ tục chưa kịp hoàn thành. Ví dụ bây giờ một Bộ muốn trình một dự án luật ra Quốc hội thì ít nhất họ phải lấy ý kiến của các cơ quan Chính phủ, có sự thẩm định của Bộ Tư pháp, Chính phủ họp toàn thể để cho ý kiến về dự án luật đó rồi chuyển sang Quốc hội để một Uỷ ban, hoặc Hội đồng dân tộc của Quốc hội thẩm tra, sau đó mới trình ra Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Điều này phụ thuộc vào kỳ họp của Chính phủ 1 tháng có một lần và nhiều yếu tố khác nên nhiều khi quá trình chuẩn bị chậm lại.

PV: Việc trình dự án luật của một số cơ quan chậm lại sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chung của Quốc hội,  thưa Phó Chủ tịch?

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Điều này bắt buộc Uỷ ban Thường vụ và Quốc hội phải chờ thôi. Nhưng đó là những tiền lệ không tốt và không nên bởi đã đưa vào chương trình rồi thì anh phải hình dung ra toàn bộ kế hoạch, lộ trình và phải chỉ đạo ráo riết việc chuẩn bị để thực hiện tốt các quy trình được giao. Không nên để như hiện nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị họp phiên tháng 3 nhưng có cơ quan xin rút, chưa trình dự án luật để dồn lại cho các phiên họp sau mà từ nay đến kỳ họp Quốc hội thứ 3 chỉ còn hai tháng. Nếu như từ nay đến tháng 4 mà Uỷ ban thường vụ Quốc hội phải cho ý kiến nhiều dự án Luật thì chất lượng việc xem xét sẽ bị hạn chế. Bởi vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng đã từng nói cần phải chấn chỉnh lại kỷ luật, kỷ cương của việc chuẩn bị trình dự án Luật.

PV: Quốc hội khoá nào cũng tồn tại vài chục dự luật chuyển cho khoá sau, liệu có phải những dự luật đó chưa thực sự cần thiết đối với cuộc sống hay do năng lực của các cơ quan soạn thảo chưa đáp ứng yêu  cầu?

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Việc chưa hoàn thành chương trình thực tế là có và trước đây chương trình chỉ hoàn thành 60-70%, nhưng tỷ lệ bây giờ (như năm vừa qua 2007) đã đạt 90%. Số tồn đọng của khoá trước còn lại rất ít.

PV: Có những dự luật trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhưng bị gác lại do công tác chuẩn bị chưa tốt. Theo Phó Chủ tịch, các cơ quan chức năng cần phải làm gì để chất lượng văn bản luật đi cùng với số lượng?

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Yêu cầu đầu tiên trong xây dựng luật vẫn là chất lượng, tất nhiên chúng ta cố gắng đảm bảo số lượng để đạt được kế hoạch chương trình. Luật có đi vào cuộc sống hay không, được nhân dân chấp nhận, đồng tình, có giải quyết được những vấn đề kinh tế, xã hội hay không phụ thuộc rất nhiều vào tính khả thi và những vấn đề luật góp phần giải quyết. Chạy theo số lượng để có luật nhưng luật không đi vào cuộc sống thì không nên.

PV: Xin cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!

Hồng Thuý